Từ khi mở cửa du lịch quốc tế vào tháng 3, hòn đảo nghỉ dưỡng của Indonesia chứng kiến hàng loạt sự việc du khách nước ngoài cư xử tồi tệ, theo SCMP.
Chỉ trong tháng qua, một công dân Canada và vợ chồng influencer người Nga bị trục xuất vì khỏa thân nơi công cộng; một du khách nước ngoài phàn nàn về những người bán hàng rong trên bãi biển; một thí sinh cuộc thi sắc đẹp người Estonia gây lùm xùm khi tố cáo cảnh sát nhận hối lộ.
Sự bùng nổ các vụ việc tiêu cực nhấn mạnh cách du lịch trở thành con dao hai lưỡi đối với Bali - nơi có đa số dân cư theo đạo Hindu và phụ thuộc vào lĩnh vực này.
“Bali cần khách du lịch, nhưng nếu họ phá vỡ các chuẩn mực và quy tắc địa phương, chúng ta cần ngăn chặn để mọi việc không đi quá xa. Nếu họ vẫn ngoan cố, chúng ta nên thẳng thừng trục xuất”, Niluh Djelantik, doanh nhân và nhà hoạt động xã hội, chia sẻ.
Du khách Canada Jeffrey Craigen bị trục xuất khỏi Bali sau khi khỏa thân nhảy múa trên đỉnh ngọn núi thiêng vào tháng trước. Ảnh: AFP. |
Phàn nàn
Tháng trước, một phụ nữ da trắng đăng video phàn nàn về thánh địa du lịch Kuta Beach. Cô gọi đây là “nơi tồi tệ nhất” và nói rằng mình bị những người bán hàng rong quấy rối khi đang đi dạo trên bãi biển.
Sau đó, chính quyền Bali bắt giữ khoảng 50 người ăn xin và vô gia cư trong khu vực, gây nên ý kiến trái chiều.
Một số gọi người phụ nữ trên là “karen” (thuật ngữ chỉ phụ nữ da trắng cậy quyền để đòi hỏi thái quá), trong khi số khác đồng tình với cô.
“Không chỉ ép mua hàng, những người bán rong đôi khi cũng xô đẩy và chạm vào du khách. Đừng thờ ơ, đó là vấn đề mà chúng ta phải đối mặt”, Nanda Yudha (người Indonesia) nói.
Tuy nhiên, Kelli Swazey, nhà nhân chủng học văn hóa tại Bali, không mấy thiện cảm với lời phàn nàn của nữ du khách vô danh.
“Thật tức giận khi những người dễ bị tổn thương nhất lại bị trừng phạt khi một số phụ nữ da trắng phàn nàn về kỳ nghỉ của mình. Tôi thực sự hy vọng ‘karen’ này đã rời khỏi hòn đảo”, bà nói.
Những người bán rong thường xuất hiện trên các bãi biển của Bali, đặc biệt là địa điểm được du khách nước ngoài ưa chuộng như Kuta, Petitenget và Seminyak. Ảnh: SCMP. |
Nengah Trisnasih, người bán vòng tay tại Seminyak 15 năm nay, bác bỏ cáo buộc rằng cô hoặc những người bán rong khác ép du khách mua hàng.
“Nhiều khách du lịch ở Bali rất tử tế. Nếu họ không muốn mua, chúng tôi vẫn ổn”.
Người phụ nữ 40 tuổi cho biết cô phải vật lộn trong 2 năm qua khi thu nhập hàng ngày giảm từ 100.000 rupiah (7 USD) xuống “gần như không còn gì” trong dịch.
“Tuy nhiên, tôi vẫn ra bãi biển, hy vọng có du khách thương và mua đồ. Tôi rất sợ bị mất cần câu cơm lần nữa”, cô nói.
Ana (50 tuổi), bạn của Nengah, chia sẻ: “Tất cả chúng tôi đều rất trật tự, chưa hề có ai phàn nàn. Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ ổn vì du khách đang quay trở lại”.
“Khách du lịch rác”
Khách du lịch đến Bali được chào đón nhưng những người cố ý khỏa thân nơi công cộng thì không.
Niluh Djelantik, nhà hoạt động xã hội đến từ Bali, bày tỏ sự tức giận trước các vụ trục xuất du khách gần đây. Đó là người đàn ông Canada quay video khỏa thân nhảy múa trên núi Batur hay vợ chồng influencer người Nga cởi trần để chụp ảnh với cây cổ thụ 700 năm tuổi trong khuôn viên ngôi đền.
“Hòn đảo không cần những ‘khách du lịch rác rưởi’ như vậy. Mọi người được chào đón đến đây để có khoảng thời gian vui vẻ và tận hưởng kỳ nghỉ. Nhưng nếu không tôn trọng chúng tôi, việc trục xuất là điều chờ đợi họ”, cô bày tỏ.
Vợ chồng Alina Fazleev, influencer người Nga, bị trục xuất khỏi Bali vì tấm ảnh khỏa thân dưới gốc cây cổ thụ 700 năm tuổi. Ảnh: Sonny Tumbelaka/YNA/AFP. |
Sau gần 2 năm hạn chế du lịch, Bali bỏ quy định cách ly đối với du khách đã tiêm vaccine và tiếp tục quy trình cấp thị thực khi đến.
Tháng trước, sân bay của hòn đảo đón hơn 114.000 người nước ngoài, tăng từ 34.000 vào tháng 3 và khác xa so với con số 45 du khách quốc tế ít ỏi trong cả năm 2021. Trong tháng này, Bali đón trung bình khoảng 6.000 lượt khách nước ngoài đến và đi mỗi ngày.
Tuy nhiên, sự trở lại của du lịch cũng kéo theo lo ngại về tình trạng tắc nghẽn, giá cả tăng cao, đô thị hóa cũng như hành vi sai trái của khách.
Du lịch là huyết mạch của Bali khi gần 1/4 trong số 4,32 triệu dân của hòn đảo sống dựa vào nó, đồng thời chiếm khoảng 2/3 nền kinh tế.
Năm 2019, khoảng 6,2 triệu khách quốc tế đến thăm hòn đảo. Sự vắng mặt của họ trong những năm gần đây được cảm nhận rõ ràng. Nền kinh tế Bali giảm hơn 9% vào năm 2020 và hầu như không thay đổi vào năm ngoái khi chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 0,07%.
Ngân hàng trung ương Indonesia dự báo nền kinh tế của hòn đảo tăng trưởng 6% vào năm 2022 nếu du lịch phục hồi hoàn toàn.
Trong nỗ lực để thu hút khách du lịch trở lại, thống đốc Bali Wayan Koster kêu gọi chính phủ công nhận Covid-19 là bệnh đặc hữu trên đảo, với các ca mắc ổn định “ở mức 10- 20/ngày” và tỷ lệ dương tính “luôn dưới 2%”.
“Tình hình ổn định tiếp tục được duy trì mặc dù chúng tôi có chính sách không cách ly và cấp thị thực khi đến cho du khách quốc tế từ 60 quốc gia”, The Jakarta Post dẫn lời ông.