Ngày 10/9, trong một bài phát biểu của mình, ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia, cho biết sẽ cấm khách du lịch "balo" - những người đi du lịch tự do, chi tiêu bình dân - đến Bali khi hòn đảo nghỉ dưỡng này mở cửa trở lại cho khách nước ngoài, theo SCMP.
"Việc mở cửa Bali phải được tiến hành cẩn thận và theo từng giai đoạn. Chúng tôi sẽ chọn lọc du khách để có được nguồn khách chất lượng", ông nói.
Một nhân viên sắp xếp lại ghế trên bãi biển ở Badung (Bali) vào ngày 14/9 để chuẩn bị mở cửa đón khách trở lại. Ảnh: Reuters. |
Nhận định nêu trên của Bộ trưởng nhận được sự chú ý lớn từ giới truyền thông. Ngày 14/9, Jodi Mahardi, người phát ngôn của ông, đã phải giải thích trên cổng thông tin địa phương rằng ngài Bộ trưởng không có ý công kích những du khách "balo".
"Ý của Bộ trưởng là đất nước sẽ không cho phép người nước ngoài nhập cảnh và vi phạm các giao thức về y tế, pháp luật hoặc luật nhập cư", Jodi nói.
Ủng hộ
Đây không phải là lần đầu tiên các quan chức Indonesia bày tỏ sự thất vọng với khách du lịch bình dân nước ngoài.
Tại Bali, khách du lịch nước ngoài - bao gồm cả du khách "balo" - đã nhiều lần gây chú ý với những hành vi thái quá và bất hợp pháp của mình.
Nhiều người nhập cảnh trái phép đến Bali dù nơi đây đang trong thời gian đóng cửa biên giới, sau đó tổ chức những khóa tập yoga đông người. Thậm chí, có người còn ném xe máy xuống biển để tạo tương tác trên mạng xã hội.
Gần 200 người nước ngoài đã bị trục xuất khỏi Indonesia từ tháng 3/202 đến tháng 5/2021 vì vi phạm các quy định khác nhau.
Trước đây vài tháng, các quán bar từng đông đúc tại bãi biển Batubolong không một bóng khách. Hình ảnh đươc chụp vào ngày 12/5. Ảnh: Bloomberg. |
Không ít người Indonesia đã công khai ủng hộ lệnh cấm khách du lịch "balo" từ Chính phủ.
Azril Azahari, Chủ tịch Hiệp hội Học giả Du lịch Indonesia, cho biết đã đến lúc đất nước phải đóng cửa hoàn toàn đối với khách bình dân.
"Tôi luôn không đồng ý với việc cho phép khách du lịch 'balo' vào đất nước bởi họ không đóng góp nhiều vào thu nhập của địa phương. Chúng tôi cần tính đến hiệu quả du lịch dựa trên chi tiêu của du khách hoặc thời gian họ lưu trú tại Indonesia", ông nói.
Azril cũng cho biết Indonesia sẽ rất khó để lọc được khách du lịch vì đất nước này đang miễn thị thực cho công dân của 169 quốc gia.
"Nhưng bất cứ ai có tiền đều được chào đón ở Indonesia, miễn là họ có thể mua vé máy bay khứ hồi cho mình", ông nói.
Phản đối
Trong khi một số người ít khoan dung với khách du lịch 'balo", nhiều chủ doanh nghiệp tại Bali lại cho biết họ dựa vào đối tượng du khách này để kiếm sống.
I Gede Eka Widyasta, quản lý khách sạn Amed Sunset ở Bali nói trên SCMP: "Trước đại dịch, khách của tôi chủ yếu đến từ châu Âu, trong đó khách du lịch 'balo' chiếm đến 60%.
Nếu khách 'balo' bị cấm, tôi vẫn sẽ có khách nhưng tỷ lệ lấp đầy không cao như tôi mong đợi, vì vậy điều này ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của tôi".
Nhiều tháng qua, do ảnh hưởng bởi Covid-19, khu du lịch Kuta (Bali) gần như không có khách. Hình ảnh trên được chụp vào ngày 13/9. Ảnh: EPA. |
Janet De Neefe (người Úc, cư dân lâu năm và là doanh nhân ở thị trấn Ubud, Bali) cho biết việc cấm khách du lịch "balo" khỏi hòn đảo sẽ thay đổi đáng kể về văn hóa du lịch.
"Tôi cho rằng nét đặc trưng của nền du lịch Bali chính là những homestay với sự gần gũi cùng người dân địa phương. Đó là văn hóa đã thấm nhuần đối với khách du lịch. Vì vậy, nếu chúng ta ngừng nhận khách du lịch 'balo', điều đó có nghĩa là đang giết chết chính loại hình lưu trú homestay đã khiến Bali trở nên đẹp đẽ, quyến rũ từ thuở đầu", cô nói.
Còn De Neefe, một du khách từng đến Bali lần đầu vào năm 1975, cho biết nơi đây luôn là ngôi nhà của tất cả khách du lịch.
"Bali trong những năm 1970 là một hòn đảo hoang sơ, cây cối nhiệt đới rậm rạp và hấp dẫn. Hồi đó hòn đảo có rất nhiều khách du lịch 'bụi', gan dạ và thích lướt sóng. Sau đó, Bali đón những du khách thuộc tầng lớp trung lưu, giàu có hơn. Nhưng dù thế nào, chúng ta cũng không thể bỏ qua những đóng góp mà khách du lịch 'bụi' đã làm", cô chia sẻ.