Wei Zexi, sinh viên đại học mắc hội chứng ung thư hiếm gặp đã tìm đến bệnh viện ở Bắc Kinh để điều trị sau khi tìm kiếm thông tin trên Baidu. Mặc dù tiêu tốn hơn 200.000 NDT (khoảng 700 triệu đồng) nhưng căn bệnh không có tiến triển.
Trước khi qua đời, Wei Zexi đã kể đăng tải video nói về sự tắc trách của bệnh viện cũng như việc Baidu chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Theo cậu, bệnh viện đã nói dối về phương pháp chữa trị. Liệu pháp này đã được thử nghiệm tại nhiều quốc gia nhưng không khả thi.
Cư dân mạng Trung Quốc giận dữ với cách làm việc của Baidu. Ảnh: Reuters. |
Trong một tuyên bố với BBC, Baidu cho biết: "Chúng tôi lấy làm tiếc về cái chết của Wei Zexi và gửi lời chia buồn đến gia đình của cậu. Baidu luôn luôn cung cấp các tìm kiếm an toàn và đáng tin cậy cho người dùng cũng như điều tra ngay lập tức những sản phẩm và dịch vụ được cộng đồng báo cáo".
Trên công cụ tìm kiếm Baidu, danh sách những quảng cáo trả tiền luôn hiện ở vị trí nổi bật và dán nhãn Promote. Tuy nhiên, không phải người dùng nào cũng nhận ra điều này.
Baidu là công cụ tìm kiếm lớn nhất tại Trung Quốc với 70% thị phần và hơn 660 triệu lượt tìm kiếm trên di động mỗi tháng. Giá trị của hãng đã giảm hơn 5 tỷ USD vào hôm thứ ba, cổ phiếu của công ty cũng hạ tại Mỹ sau khi thông tin nhà chức trách tiến hành điều tra.
Các hashtag như WeiZexi, Baidu, quảng cáo,... trở thành xu hướng tìm kiếm của cư dân mạng Trung Quốc. |
Vấn đề sức khỏe được người dân Trung Quốc quan tâm hàng đầu. Người dùng các mạng xã hội tại quốc gia này đã kêu gọi tẩy chay Baidu cũng như yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Các cơ quan chính phủ như Cục quản lý Không gian ảo Trung Quốc, Cục Quản lý Nhà nước về Công nghiệp và thương mại, Ủy ban Quốc gia về Sức khỏe và Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc đã vào cuộc để điều tra sự việc.