Theo New York Times, nhiều cố vấn của Tổng thống đắc cử Joe Biden lo ngại nguy cơ một cuộc suy thoái kinh tế kép có thể xảy ra vào đầu năm 2021. Họ thúc giục những người đứng đầu đảng Dân chủ đi đến thỏa thuận nhanh về gói kích thích kinh tế mới, ngay cả khi nó không đạt quy mô như kỳ vọng.
Đến nay, ông Biden, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer vẫn kiên quyết với đề xuất gói chi tiêu trên 2.000 tỷ USD. Trong khi đó, Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell muốn một gói kích thích nhỏ hơn nhiều.
Điều này dẫn đến nguy cơ việc thông qua gói cứu trợ mới sẽ bị trì hoãn đến sau thời điểm ông Biden nhậm chức vào ngày 20/1. Một số cố vấn của tổng thống đắc cử Mỹ tin rằng nền kinh tế sẽ sụt giảm do đợt bùng phát dịch Covid-19 mới và làn sóng thất nghiệp có thể xảy ra vào tháng 12. Vì vậy, đảng Dân chủ và Cộng hòa cần nhanh chóng đi đến một thỏa thuận.
Gói kích thích kinh tế mới có thể chỉ được thông qua sau khi ông Biden nhậm chức vào đầu năm sau. Ảnh: Getty Images. |
Nguy cơ suy thoái kép
Tuy nhiên, các nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ vẫn kiên quyết rằng đảng Cộng hòa cần đưa ra con số gần hơn với đề xuất 2.400 tỷ USD ban đầu. Ông Biden, bà Pelosi và ông Schumer không đưa ra bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ thu hẹp tham vọng về gói kích thích để sớm đạt thỏa thuận với ông McConnell.
"Đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế sẽ không kết thúc nếu không có sự giúp đỡ của chúng ta. Điều cần thiết là dự luật này phải đủ lớn, khiến việc cứu trợ có ý nghĩa đối với những người đang khốn cùng", bà Pelosi và ông Schumer nhấn mạnh, yêu cầu ông McConnell nối lại đàm phán.
Theo nguồn tin của New York Times, đội ngũ ông Biden cũng đang cân nhắc một loạt chính sách khác để đối phó với cuộc suy thoái mới và khả năng thất nghiệp gia tăng, chẳng hạn như kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, phần nhiều trong số đó vẫn phụ thuộc vào việc đảng Dân chủ có giành quyền kiểm soát Thượng viện hay không.
Trong vài tuần tới, tổng thống đắc cử Mỹ có khả năng đưa ra một số tuyên bố. Theo đó, vào ngày đầu tiên làm việc tại Nhà Trắng, ông Biden có thể ban hành các sắc lệnh hành pháp, bao gồm gia hạn điều khoản cấm đuổi người thuê nhà, hoãn thanh toán những khoản vay sinh viên.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ảnh: Reuters. |
Ông cũng sẽ công bố kế hoạch thuế đối với một số người sử dụng lao động. Kế hoạch này đã bị hoãn đến năm 2021 theo lệnh hành pháp được ông Trump ban hành. Đội ngũ của ông Biden cũng đang tìm cách đảo ngược quyết định của chính quyền ông Trump nhằm chấm dứt chương trình cho vay của Cục Dự trữ Liên bang (FED).
Hôm 19/11, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin yêu cầu FED hoàn trả khoảng 455 tỷ USD chưa sử dụng cho các chương trình sẽ hết hạn vào ngày 31/12. Quyết định này sẽ buộc dừng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19 sau khi chúng hết hiệu lực.
Bộ Tài chính dưới thời ông Biden có thể bơm lại số tiền đó cho FED. Tuy nhiên, biện pháp quan trọng hàng đầu vẫn là Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua dự luật kích thích kinh tế.
"Không thể chờ đợi"
Sau khi rơi vào suy thoái, nền kinh tế Mỹ bật tăng trở lại trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ vẫn chậm trong tháng 10. Yêu cầu trợ cấp thất nghiệp gia tăng vào tuần giữa tháng 11.
Sự sụt giảm số việc làm tại các doanh nghiệp nhỏ cho thấy nguy cơ nền kinh tế một lần nữa rơi xuống hố sâu suy thoái. "Đại dịch đang hoành hành và nó lại bắt đầu gây thiệt hại", ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics, bình luận.
Theo các cố vấn của ông Biden, nếu không sớm đạt được thỏa thuận về gói kích thích, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kép, ngay cả khi vaccine chống Covid-19 sắp được phân phối. Theo ông Zandi, số việc làm bị mất có thể lên đến 3 triệu trong nửa đầu năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức hiện tại 6,9% lên gần 10%.
Tranh cãi về quy mô gói kích thích khiến cuộc đàm phán giữa hai đảng bị đình trệ trong nhiều tháng. Các nghị sĩ đảng Dân chủ đã gạt bỏ nhiều đề xuất của đảng Cộng hòa ở Thượng viện. Đảng Dân chủ lập luận rằng đề xuất của đảng Cộng hòa không đủ để giải quyết những vấn đề tồn đọng của nền kinh tế.
Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng gói chi tiêu lớn sẽ dẫn đến những rủi ro về nợ công. Họ cũng nhấn mạnh rằng nền kinh tế đang được cải thiện. Ông McConnell khẳng định sự cứng rắn của đảng Dân chủ sẽ khiến các cá nhân và hộ gia đình Mỹ chẳng nhận được đồng nào.
Các nhà kinh tế cũng đang nhấn mạnh sự cần thiết của việc hành động nhanh chóng, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với một gói kích thích nhỏ hơn. "Điều tôi thực sự lo lắng là hàng triệu người không có đủ thức ăn và nhà ở trong mùa đông tới", nhà kinh tế Melissa S. Kearney nói.
Nhóm Chiến lược Kinh tế của Viện Aspen (bao gồm bà Melissa S. Kearney) mới đây kêu gọi các nhà lập pháp sớm thông qua gói cứu trợ doanh nghiệp nhỏ, cá nhân, chính quyền bang và địa phương. Họ khẳng định nền kinh tế "không thể đợi được đến năm 2021".