Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài toán 'con ông cháu cha' ở đế chế bán lẻ Thái Lan

"Công ty đang phát triển nhanh hơn con cháu chúng tôi. Để tiếp tục phát triển, chúng ta cần tới người ngoài để hỗ trợ tập đoàn”, người lãnh đạo của gia tộc Chirathivat chia sẻ.

Trong chuyến thăm Thái Lan vào tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được mời tham dự lễ khai trương hội chợ thương mại Việt Nam. Ông nhận được sự chào đón từ gia đình lãnh đạo Chirathivat của tập đoàn Central, bao gồm Giám đốc điều hành, ông Tos Chirathivat, người đã khéo léo nhắc vị chính khách về mong muốn đầu tư vào Việt Nam, thị trường lớn nhất của tập đoàn bên ngoài Thái Lan.

Ông Tos cũng giới thiệu với Thủ tướng cậu con trai trẻ tuổi nhất của ông, vừa tốt nghiệp từ một trường đại học Mỹ, và sẽ tham gia vào hoạt động mở rộng kinh doanh online của gia đình.

“Cậu ấy không hiểu gì về bán lẻ cả”, Tos cười, trả lời phỏng vấn với hãng truyền thông Nikkei Asian Review. “Nhưng giới trẻ bây giờ nắm rất rõ về công nghệ thông tin”.

Sự bùng nổ quốc tế và thương mại điện tử là hai thách thức mà Tos, cháu trai của người sáng lập Tiang Chirathivat, đang cố gắng giải quyết khi công việc kinh doanh bán lẻ truyền thống đang đối mặt giai đoạn suy thoái.

Đế chế bán lẻ

Tương tự như các doanh nghiệp gia đình khác tại Thái Lan, Chirathivat là những người gốc Hoa.

De che ban le Central Group anh 1
Central Group (gia đìnhChirathivat/Thái Lan) hiện là một trong những tập đoàn chủ chốt của Thái Lan, sở hữu mạng lưới bán lẻ rộng khắp khu vực Đông Nam Á. Ảnh:Techcrunch.

Người sáng lập của tập đoàn, ông Tiang đã di cư từ đảo Hải Nam tới Bangkok năm 1925. Trong khi những người Trung Quốc khác chọn khu người Hoa (Chinatown) trong thành phố để đầu tư kinh doanh, ông quyết định xây dựng cửa hàng đầu tiên tại quận Thonburi nằm ở vùng ngoại ô Bangkok, bên bờ tây sông Chao Phraya nhìn từ trung tâm thành phố.

Cửa hàng của ông nằm gần ngôi đền được hoàng gia Thái Lan xây dựng, do đó, Tiang quyết định kinh doanh nước giải khát và dịch vụ bến đỗ tàu cho du khách.

Một thời gian sau, ông di chuyển qua sông Chao Phraya tới một địa điểm gần khách sạn Grand Oriential (hiện nay là Mandarin Oriental), nơi mà ông mở một cửa hàng cùng người con trai cả, Samrit, vào năm 1947. Trong năm 1956, gia đình ông khai trương cửa hàng bách hóa hiện đại đầu tiên của Thái Lan trong khu phố người Hoa. 

“Công ty đang phát triển nhanh hơn con cháu chúng tôi. Để tiếp tục phát triển, chúng ta cần tới người ngoài để hỗ trợ tập đoàn”.

Tos Chirathivat

Ngày nay, tập đoàn 70 năm tuổi này đã trở thành kẻ thống lĩnh thị trường bán lẻ Thái Lan, với hơn 60 trung tâm thương mại và cửa hàng bách hóa hiện đại. Họ đồng thời đầu tư vào khách sạn và nhà hàng, với 5.000 cơ sở.

Trong năm 2016, doanh thu của tập đoàn lên tới 332.7 tỷ baht (9.98 tỷ USD), tăng 17% so với năm trước, khẳng định vị thế nhà bán lẻ lớn nhất Thái Lan.

Đối thủ sát nút nhất của họ là The Mall, đơn vị sở hữu những trung tâm thương mại lớn tại Bangkok như Siam Paragon và Emporium, với ước tính doanh thu hàng năm khoảng 50 tỷ baht. Tập đoàn Central cũng có quy mô lớn hơn so với các đối thủ trong khu vực, điển hình như chuỗi bán lẻ của SM Investments tại Philippines.

Gia đình Chirathivat là gia đình giàu có thứ ba tại Thái Lan, với khối tàn sản ước tính 12.3 tỷ USD, theo Forbes.

Sự tăng trưởng của Central được hậu thuẫn bởi một nền kinh tế mở rộng, sự bùng nổ dân số ở tầng lớp trung lưu và nhu cầu về hàng hoá, dịch vụ mới. Họ xây dựng các trung tâm mua sắm và cửa hàng ở các vị trí cạnh tranh, cung cấp nhiều mặt hàng đa dạng.

Tuy nhiên, dân số của Thái Lan bắt đầu già đi nhanh hơn các quốc gia láng giềng, trong khi chi tiêu của họ lại đổ ra nước ngoài nhiều hơn. Điều này làm cho nhu cầu trong nước bị trì trệ khi sự cạnh tranh trở nên ngày càng căng thẳng và đa dạng hơn.

"Có rất nhiều nhân tố hiện nay ảnh hưởng đến chuỗi cửa hàng bách hóa", chiếm khoảng 40% doanh thu của tập đoàn", ông Tos trả lời Nikkei Asian Review trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

De che ban le Central Group anh 2
Doanh thu bán hàng của Central Group (đơn vị: tỷ bath).

"Thị trường bán lẻ vượt xa khỏi các cửa hàng bách hóa". Ông đề cập đến nhiều hình thức hoạt động bán lẻ khác nhau từ các trung tâm mua sắm đến cửa hàng giảm giá và các cửa hàng đặc sản.

Vị lãnh đạo 52 tuổi Tos tiết lộ cũng "khá đơn giản" để ông có thể nắm bắt được những xu thế của nền công nghiệp, nhờ bề dày kinh nghiệm trong công việc kinh doanh gia đình.

"Tôi rất giỏi đánh giá ở góc nhìn vĩ mô, đầu tư và thông thạo trong việc kiếm tiền".

Tos, cậu út trong gia đình 8 người con của Samrit, theo học ngành tài chính tại Đại học Columbia ở New York và ngay từ đầu đã muốn trở thành một nhân viên ngân hàng đầu tư. Ông làm việc một năm tại Citibank ở Thái Lan. Nhưng ông quyết định trở lại công việc kinh doanh của gia đình và khai trương một chuỗi siêu thị lớn, Big C vào năm 1994.

Ông cũng giám sát việc mở rộng ra các khu vực nông thôn, hiện chiếm khoảng một nửa doanh số bán lẻ của công ty, mặc cho một liên doanh tương tự ở Trung Quốc tỏ ra kém thành công.

Bởi những thành công lớn của ông trong việc dẫn đầu đa dạng hóa tập đoàn, hội đồng quản trị đã ủng hộ nhiệt tình việc bổ nhiệm Tos làm giám đốc điều hành trong năm 2013, mặc dù ông nói ông rất do dự trước quyết định đảm nhiệm vị trí này do ông đã đạt được “sự hài lòng với bản thân" trong thị trường bán lẻ.

"Anh ấy có tài năng xuất chúng và mọi người trong gia đình đều biết điều đó," một thành viên trong gia đình nhận xét.

Từ đó, ông dẫn đầu quá trình mở rộng ra thị trường quốc tế bằng cách mua lại nhiều cửa hàng bách hóa của châu Âu, bao gồm La Rinascente của Italy và KaDeWe của Đức, cũng như một nhánh của Big C tại Việt Nam. Các hoạt động quốc tế hiện chiếm khoảng 30% doanh thu của tập đoàn.

Tham vọng online

Tuy nhiên, trái ngược với những hiểu biết sâu sắc về cách làm ăn truyền thống, Tos thể hiện sự kém tự tin vào khả năng của bản thân trong việc bắt kịp các hoạt động trực tuyến.

"Thương mại điện tử và kỹ thuật số là điều duy nhất tôi không biết, nhưng nó cũng là tương lai", ông thừa nhận.

"Tôi không chắc về khâu thực hiện hay làm cách nào để tăng trưởng. Nhưng bạn có thể thấy ở bất cứ đâu rằng nếu thành công, giá trị nó mang lại thật điên rồ và đáng kinh ngạc".

De che ban le Central Group anh 3
Từ trái qua phải: Nhà sáng lập Central Group ông Tiang Chirathivat, chủ tịch đời thứ hai Samrit và chủ tịch đời thứ ba Wanchai. Ảnh: Nikkei .

Áp lực đang ngày một lớn. Mặc dù thị trường thương mại điện tử tại Đông Nam Á vẫn tương đối nhỏ và chưa có một cá nhân chi phối hoàn toàn, như tập đoàn Alibaba Group ở Trung Quốc hay Amazon ở phương Tây, nó vẫn đang phát triển một cách chóng mặt.

Amazon vừa thâm nhập vào Singapore, trong khi Alibaba đã đầu tư vào Lazada, nhà bán lẻ điện tử lớn nhất ở Đông Nam Á, và đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm logistics lớn ở Thái Lan.

Tos đã đáp trả qua quyết định sử dụng sự giúp đỡ từ các chuyên gia bên ngoài.

Trong năm 2016, tập đoàn đã bắt đầu tuyển dụng những lãnh đạo không thuộc gia đình Chirathivat vào các vị trí quản lý hàng đầu, lần đầu tiên trong lịch sử, xây dựng đội ngũ lãnh đạo được kiểm soát bởi những người ngoài gia đình.

Đội ngũ mới, chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp với ông Tos, sẽ nhắm tới mục tiêu củng cố vững chắc sự chuyển đổi sang các hoạt động trực tuyến của tập đoàn.

Nicolo Galante, một cố vấn cũ người Italy của McKinsey, người đã cải tiến hoạt động trực tuyến và xây dựng nên nhiều kênh tiếp thị mới cho các nhà bán lẻ châu Âu, đã trở thành giám đốc điều hành của tập đoàn.

Ông đang triển khai cải cách bằng cách bổ sung các kênh mua sắm trực tuyến cho từng doanh nghiệp bán lẻ, từ các cửa hàng bách hóa tới các cửa hàng thể thao chuyên dụng và thu hút nhân tài vào các vị trí mới, điển hình như giám đốc công nghệ.

Phụ thuộc quá nhiều vào “người nhà” có thể kiềm chế sự mở rộng hoạt động kinh doanh vượt ra ngoài khả năng của các thành viên trong gia đình.

Natenapha Wailerdsak - Giảng viên Đại học Thammasat.

Galante nói: "Trong 2-3 năm tới, bức tranh thương mại điện tử ở Thái Lan sẽ thay đổi đáng kể. Không giống như châu Âu, nơi mà các nhà bán lẻ truyền thống bị Amazon bỏ xa tại thời điểm họ quyết định chuyển sang kinh doanh trực tuyến, thị trường thương mại điện tử đang phát triển ở Đông Nam Á đang nhắn nhủ rằng "chúng tôi vẫn chưa muộn", ông nói.

"Chúng tôi có cơ hội độc nhất để viết nên trang sử cho chính mình, nhưng nó sẽ trôi qua rất nhanh và rất sớm".

Các cựu lãnh đạo ngân hàng cũng tham gia vào tập đoàn để cung cấp chuyên môn tài chính thiết yếu cho việc hỗ trợ thương mại điện tử. Yol Phokasub, cựu Chủ tịch Ngân hàng thương mại Siam, được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch mới được thành lập. Prasarn Trairatvorakul, cựu Thống đốc Ngân hàng Thái Lan, giữ vị trí cố vấn cao cấp.

"Tập đoàn Central đang tích cực tuyển dụng các chuyên gia và người nước ngoài dưới quyền điều hành của Tos”, Natenapha Wailerdsak, giảng viên Đại học Thammasat, nhận xét.

"Đây là một động thái tích cực bởi phụ thuộc quá nhiều vào 'người nhà' có thể kiềm chế sự mở rộng hoạt động kinh doanh vượt ra ngoài khả năng của các thành viên trong gia đình", bà nói.

Quyền lực gia đình

Tuy nhiên, Central thường được coi là một trong những tập đoàn mà tính chất gia đình nổi bật nhất ở Thái Lan so với các tập đoàn khác, như Charoen Pokphand Group, đế chế kinh doanh nông nghiệp-bán lẻ - viễn thông do Dhanin Chearavanont lãnh đạo.

Các thành viên trong gia đình đã ngồi kín 15 ghế thành viên Ban giám đốc và 7 ghế trong ban kiểm soát. Hầu hết công ty con của tập đoàn đều doanh nghiệp tư nhân, trừ một số ngoại lệ như đơn vị phát triển Central Pattana (CP).

De che ban le Central Group anh 4

Ngược lại, hầu hết tài sản chính của CP đều được liệt kê và ban quản lý cũng bao gồm các giám đốc điều hành không phải là thành viên gia đình (những người đứng đầu các công ty con niêm yết lớn như Charoen Pokphand Foods và CP All, đơn vị đầu tư 7-Eleven).

"Ông nội và cả cha tôi, chúng tôi đều muốn giữ mọi thành viên gia đình trong công ty, nếu đó là điều mà họ mong muốn", Tos khẳng định.

"Nhưng CP nói rằng họ không muốn các thành viên gia đình trong bộ máy. Họ hiếu chiến hơn và luôn khát khao có những chuyên gia giỏi nhất trong điều hành công việc kinh doanh".

Dhanin cho biết trong cuốn tự truyện của ông được Nikkei xuất bản hồi năm ngoái, ngay trước khi ông trở thành chủ tịch của Tập đoàn CP ở tuổi 30, ông đã yêu cầu những người thân của ông, bao gồm cả chị gái và vợ của anh trai, rời khỏi công ty và thay thế vị trí của họ bằng các chuyên gia trẻ tuổi.

Ông cũng nghiêm cấm việc thuê con cái của những thành viên trong gia đình tại các công ty cốt lõi của CP.

"Đưa một cậu quý tử vào công ty cũng có thể khiến tương lai của nó gặp nguy hiểm", Dhanin nói. "Công ty sẽ không chỉ mất đi những nhà quản trị bên ngoài gia đình có năng lực những người cảm thấy họ sẽ không thể được thăng tiến, mà còn gặp khó khăn trong việc đảm bảo sự chuyển giao quyền lực suôn sẻ từ các lãnh đạo sang người kế nhiệm".

Chirathivats chia sẻ "một triết lý khác", Tos nói.

Tập đoàn có quy trình lựa chọn quản lý chặt chẽ hơn, đòi hỏi phải có ít nhất 75% phiếu chấp thuận của hội đồng quản trị gia đình. "Họ phải tin tưởng vào bạn, nghĩ rằng bạn có khả năng và có ích cho gia đình," ông giải thích.

Gia đình Chirathivat rộng lớn là nguồn cung các ứng viên tiềm năng. Người sáng lập của tập đoàn, ông Tiang, có 26 người con với ba người vợ. Do đó, gia đình Chirathivat hiện có tổng cộng 220 thành viên, 51 người trong số đó tham gia kinh doanh.

Để giữ cho các mối quan hệ gia đình bền vững và tránh tranh chấp, Samrit Chirathivat, con trai của người sáng lập, người đã xây dựng nền tảng kinh doanh bán lẻ, nhấn mạnh rằng gia đình nên chung sống với nhau. Ông đã xây một căn hộ ở quận Sala Daeng trung tâm của Bangkok, là ngôi nhà của 50 thành viên gia đình Chirathivat qua ba thế hệ.

"Chúng tôi đã cùng lớn lên và tiếp xúc với nhau thường xuyên,  Suthiphand Chirathivat, một trong những người con của người sáng lập và là nhà quản lý của tập đoàn, tiết lộ.

Trẻ em trong gia tộc làm việc tại các cửa hàng của tập đoàn như những nhân viên vào ngày nghỉ.

Mặc dù khu nhà ở trung tâm của gia đình Chirathivat giờ đã cũ và quá nhỏ để chứa nhiều thành viên, một số vẫn chung sống trong ba khu căn hộ chính ở Bangkok.

Các thành viên gia đình cũng giữ liên lạc thông qua nhóm tin nhắn trực tuyến. Mỗi năm, vào ngày 10/7, ngày giỗ của người sáng lập, cả gia đình lại tụ tập ở một ngôi đền gần nơi mà tập đoàn của họ khai trương cửa hàng đầu tiên.

Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam Với quy mô 110 tỷ USD (2016) và dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Một hội đồng gia đình do ông Suthichai Chirathivat, con trai của người sáng lập, là CEO đầu tiên của tập đoàn và là chủ tịch hội đồng quản trị hiện tại của Central, đã thảo luận về các vấn đề như hôn nhân, giáo dục và ngân sách gia đình được tài trợ bởi nguồn thu nhập đến từ các công ty chưa niêm yết. Suthiphand Chirathivat nói: "Chúng tôi cung cấp hỗ trợ tài chính cho cả những thành viên không tham gia vào hoạt động kinh doanh”.

Tập đoàn Central đã đưa ra kế hoạch kế nhiệm để tránh mâu thuẫn nội bộ, bao gồm các ứng viên cả trong gia đình và bên ngoài.

Pavida Pananond, giáo sư tại trường Kinh doanh Thammasat, cho biết: "Thách thức cấp bách hơn đối với ban lãnh đạo cấp cao Tập đoàn Central là làm thế nào để chuyển đổi từ một tập đoàn gia đình chặt chẽ sang mô hình cởi mở và chuyên nghiệp. Họ cần phải giải quyết nhu cầu chiến lược để trở thành một nhà bán lẻ khu vực và toàn cầu".

Ông Tos hẳn phải nhận ra điều này. “Công ty đang phát triển nhanh hơn con cháu chúng tôi”, ông nói. “Để tiếp tục phát triển, chúng ta cần tới người ngoài để hỗ trợ tập đoàn”.

Hội chứng Trung Quốc

Mở rộng quốc tế là một vấn đề mà Central muốn giải quyết để tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Cân nhắc nguồn gốc gia đình, Trung Quốc hẳn sẽ là lựa chọn hiển nhiên nhưng kết quả cho đến nay vẫn không thực sự ấn tượng.

De che ban le Central Group anh 5
Hệ thống cửa hàng của Central Group trên khắp thế giới.

Trung Quốc là thị trường nước ngoài đầu tiên của công ty. Trong năm 2011, Central cho khai trương cửa hàng bách hóa đầu tiên tại tỉnh Chiết Giang và sau đó thêm hai cửa hàng tiếp theo, nhưng đã buộc phải đóng cửa tất cả vào năm 2015 do sự cạnh tranh gay gắt với các đối thủ địa phương.

"Trung Quốc quá lớn và quá khắc nghiệt," Tos nói.

Việt Nam, gần hơn về mặt địa lý và chia sẻ những thói quen tiêu dùng tương tự với Thái Lan, đã khẳng định sự thành công vang dội của tập đoàn.

"Với quy mô vừa phải, mọi thứ hoàn toàn có thể được kiểm soát", Tos nói.

Tập đoàn đã đầu tư đưa vào hoạt động trên 30 trung tâm mua sắm, siêu thị Big C và hai cửa hàng bách hóa, với doanh thu khoảng 1 triệu USD.

Tập đoàn vẫn rất quan tâm đến thị trường Trung Quốc vì khách du lịch từ quốc gia này chiếm phần lớn doanh thu của Central tại Thái Lan và châu Âu.

Galante cho biết các dịch vụ trực tuyến có thể giúp tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc.

"Khi những người Trung Quốc đã ghé thăm các cửa hàng của chúng tôi quay trở về Trung Quốc, họ có thể sẽ muốn mua lại những gì đã mua ở đó”, ông nói. “Đây có thể là một cơ hội lớn cho chúng tôi”.

Gần đây, tập đoàn đã giới thiệu một trang web mới, Aux Villes du Monde, bao gồm phiên bản tiếng Trung, cho phép khách du lịch được đặt dịch vụ mua sắm cá nhân tại các cửa hàng Central Group trên toàn thế giới trước khi họ đến.

Tập đoàn cũng đang đàm phán với JD.com, đối thủ tại Trung Quốc của Alibaba, để ký kết một thỏa thuận liên doanh thương mại điện tử trị giá 500 triệu USD ở Thái Lan, theo một báo cáo gần đây của Reuters. Central đã không đưa ra bất cứ bình luận nào cho những câu hỏi liên quan tới chủ đề trên.

Nếu thỏa thuận có thể đạt được, nó sẽ là một trong những hợp đồng lớn nhất mà Central gây dựng nên với một đối tác Trung Quốc, tái khẳng định rằng gia đình Chirathivat đang quay trở lại quê hương để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai sau 90 năm kể từ khi người sáng lập của tập đoàn rời Trung Quốc.

Sự lên ngôi của các công ty gia đình là một trong những yếu tố nổi bật nhất trong sự phát triển chung của châu Á vài thập kỷ qua.

Hồ sơ 7-Eleven, 'gã khổng lồ' vừa vào TP.HCM Trước khi trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng nhất thế giới, 7-Eleven đã trải qua nhiều thăng trầm để đạt được những con số ấn tượng như ngày nay.

10 gia tộc giàu nhất châu Á

Theo xếp hạng của Forbes, trong 10 gia đình doanh nghiệp giàu nhất châu Á, có khá nhiều đại diện tới từ Hong Kong và Ấn Độ.

Gia tộc giàu có dẫn dắt ngành bán lẻ Thái Lan

Luôn nằm trong nhóm những doanh nghiệp giàu có và quyền lực nhất châu Á, gia đình Chirathivat đã trải qua 3 thế hệ cùng lãnh đạo Central Group trở thành thế lực bán lẻ Đông Nam Á.




Vũ Đạt

Theo Nikkei

Bạn có thể quan tâm