Sau khi xâm nhập cơ thể, nCoV tấn công phổi và hệ hô hấp. Hậu quả là bệnh nhân bị viêm phổi, thậm chí nặng hơn là hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS). Đây cũng là tổn thương ở hầu hết bệnh nhân Covid-19 tử vong.
Hậu Covid-19, phổi của bệnh nhân sẽ bị tổn thương ít, nhiều. F0 nhẹ hoặc không triệu chứng nên áp dụng bài tập hồi phục chức năng phổi. Đặc biệt, các bài tập giúp hồi phục phổi đều khá đơn giản, chỉ cần tập trung và hít thở.
Lợi ích của các bài tập thở
Theo nhà vật lý trị liệu Peiting Lien, Đại học Johns Hopskins, các động tác này được xem như bài thể dục cho phổi, dành cho những người đang trong khu cách ly, làm việc cường độ cao, mệt mỏi kéo dài, bệnh nhân suy hô hấp mạn tính, suy nhược cơ thể.
“Hít thở sâu có thể giúp phục hồi chức năng cơ hoành và tăng dung tích phổi. Mục đích là xây dựng khả năng hít thở sâu trong bất kỳ hoạt động nào, không chỉ khi nghỉ ngơi”, vị chuyên gia của Đại học Johns Hopskins nhấn mạnh.
Các bài tập thở sâu cũng có thể làm giảm cảm giác lo lắng và căng thẳng, thường xảy ra ở những người gặp triệu chứng nghiêm trọng hoặc phải nhập viện. Chất lượng giấc ngủ cũng có thể được cải thiện nhờ các bài tập thở này.
Mọi người đều có thể tập bài hít thở, nhưng theo nhà vật lý trị liệu Lien, nó rất tốt với bệnh nhân Covid-19 đang trong quá trình hồi phục.
Tuy nhiên, những trường hợp bị sốt, hụt hơi hoặc khó thở, gặp cơn đau tức ngực, đánh trống ngực, phù nề chân không nên tập các bài tập này.
Nếu gặp phải tình trạng chóng mặt, khó thở, đau ngực, da tím tái, mệt mỏi quá sức, nhịp tim không đều, bệnh nhân cần lập tức dừng tập và gọi trợ giúp y tế.
Phổi là cơ quan dễ bị tổn thương nhất khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể. Ảnh: Times of India. |
Tập thở hồi phục sau khi mắc Covid-19 thế nào?
Theo tài liệu của Dịch vụ Y tế Công cộng Anh (NHS), Đại học Johns Hopskins, để hồi phục, cải thiện chức năng phổi sau khi mắc Covid-19, bệnh nhân nên tập ba bài sau đây:
Thở bằng cơ hoành (thở bằng bụng)
Thở bằng cơ hoành, hay "thở bằng bụng", là phương pháp tác động tối đa bằng cơ hoành. Hầu hết công việc cần dùng sức, chúng ta đều thở bằng cách này. Bài tập đặc biệt hữu ích với người bị thuyên tắc phổi mạn tính.
Ở bệnh nhân Covid-19, chúng ta không nên vội vàng. Bài tập thở sâu này chia thành nhiều giai đoạn với mức áp lực tăng dần.
Giai đoạn 1: Hít thở sâu khi nằm ngửa
Nằm ngửa và co chân, đặt hai tay lên bụng. Sau đó, khép môi lại và đặt lưỡi lên vòm miệng. Hít vào bằng mũi, kéo khí xuống bụng, cảm nhận hơi thở bằng tay. Từ từ thở ra bằng mũi. Lặp lại hít thở sâu trong một phút.
Giai đoạn 2: Hít thở sâu khi nằm sấp
Nằm sấp và gối đầu lên tay để tạo thành khoảng trống để thở. Khép môi, đặt lưỡi lên vòm miệng.
Hít vào bằng mũi, kéo không khí xuống dạ dày, cố gắng tập trung khí vào phần bụng và đẩy mạnh vào mặt sàn. Từ từ thở ra bằng mũi. Động tác lặp lại, hít sâu trong một phút.
Giai đoạn 3: Hít thở sâu khi ngồi
Ngồi thẳng trên mép giường hoặc ghế chắc chắn. Đặt tay quanh hai bên bụng. Khép môi, đặt lưỡi lên vòm miệng.
Hít vào bằng mũi và kéo không khí xuống bụng, cảm nhận không khí đi vào nơi đặt tay. Từ từ thở ra bằng mũi. Động tác lặp lại, hít thở sâu trong một phút.
Giai đoạn 4: Hít thở sâu khi đứng
Đứng thẳng và đặt hai tay quanh bụng tương tự động tác hít thở sâu khi ngồi. Khép môi, đặt lưỡi trên vòm miệng.
Hít thở bằng mũi và kéo không khí xuống bụng, cảm nhận bằng bàn tay. Sau đó, từ từ thở ra bằng mũi, sao cho tốc độ chậm nhất có thể. Lặp lại động tác trong một phút.
Ngáp và cười
Thở mím môi có tác dụng làm chậm nhịp thở, giúp phổi hoạt động dễ dàng hơn và cải thiện quá trình trao đổi O2, CO2; đồng thời tăng sức mạnh cơ bắp cho cánh tay, vai. Các động tác hít vào thở ra giúp tăng cường chức năng cơ ngực, tạo không gian cho cơ hoành mở rộng.
Bài tập này được đánh giá dễ thực hiện hơn với bài tập thở bằng cơ hoành. Bệnh nhân có thể thực hành trong mọi thời gian, không gian.
Cách thực hiện như sau: Bạn ngồi thẳng lên mép giường hoặc ghế chắc chắn, đưa cánh tay qua đầu, vừa đưa vừa mở miệng, tương tự động tác vươn vai khi ngáp.
Sau đó, cánh tay đưa xuống, kết thúc động tác bằng cách mỉm cười trong ba giây. Động tác lặp lại trong một phút.
Ngân dài khi thở
Đây là bài tập thở giúp tăng sản xuất oxit nitric trong cơ thể. Nitric oxide có tác dụng làm dây thần kinh thêm dẻo dai, giãn nở các mạch máu, cung cấp nhiều oxy hơn đi khắp cơ thể.
Âm thanh ngân dài khi thở bằng mũi cũng giúp giảm căng thẳng, bệnh nhân hồi phục tốt hơn.
Cách thực hiện: Ngồi thẳng trên mép giường hoặc ghế chắc chắn; đặt tay quanh hai bên bụng. Khép môi, đặt lưỡi trên vòm miệng và hít vào bằng mũi, kéo không khí xuống bụng, cảm nhận bằng bàn tay.
Khi phổi đã đầy khí, bạn hãy giữ chặt môi và thở ra bằng mũi, để tạo ra âm thanh ngân nga (tương tự âm thanh của từ "hmm"). Âm thanh ngân bằng mũi càng lâu càng tốt. Trong lúc thở ra, hai tay cũng từ từ hạ thấp.
Sau đó, lặp lại động tác, hít vào bằng mũi, thở ra bằng mũi. Động tác thực hiện trong một phút.
Trong đại dịch Covid-19, nhóm người dễ bị tổn thương, nhập viện, tử vong là các trường hợp gặp vấn đề về phổi do virus tấn công mạnh cơ quan này. Do đó, phòng ngừa là liều thuốc tốt nhất để bảo vệ lá phổi, tính mạng của bạn.
Bên cạnh tuân thủ các biện pháp 5K, chúng ta không nên hút thuốc, ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, tiêm vaccine phòng Covid-19, các bệnh cúm, viêm phổi khác, tập thể dục thường xuyên, cải thiện chất lượng không khí trong nhà, nơi ở.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.