Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài học về việc chuyển dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cơ duyên, niềm vui đó càng được nhân lên nhiều hơn trước thông tin về ngôi nhà sàn nhỏ nhắn nơi Đại tướng làm việc hôm đó hiện còn nguyên vẹn.

Từ một thông tin quý

Một ngày giữa tháng 11/2013, bác Nguyễn Văn Cửu – nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình đến thăm Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh. Thời ông Cửu làm Bí thư Huyện ủy Đà Bắc thì tôi công tác tại Công an huyện và có những kỷ niệm khó quên.

Ông Nguyễn Văn Cửu.

Năm 1982, ông Nguyễn Văn Cửu là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Hà Sơn Bình và vừa nhận trọng trách Bí thư Huyện ủy Đà Bắc. Đây là giai đoạn vô cùng khẩn trương của việc chuyển dân, chuyển huyện ra khỏi vùng ngập lòng hồ sông Đà, vì sang năm 1983 đã phải lấp sông đợt 1.

Khó khăn lúc đó hoàn toàn khác bây giờ. Dân không thắc mắc, đòi hỏi đền bù cao hay thấp vì khi đó không có chính sách đền bù mà chỉ có một khoản kinh phí nhỏ nhoi hỗ trợ di chuyển mà thôi. Mọi người, mọi nhà đều thấm nhuần và quyết tâm cao đó là tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, nên sẵn sàng rời quê hương từng sinh sống bao đời nhường chỗ cho công trình thế kỷ.

Cái khó chính là điều kiện di dời đi đâu, về đâu? Tìm được nơi đến thì phương tiện vận chuyển lại vô cùng thiếu, lại phải chờ đợi. Nhà cửa dỡ ra chờ xe. Người ở nơi mới chưa có nhà, người còn ở quê cũ cũng lại màn trời chiếu đất mà trông đống cột kèo, tre nứa chất đống cong vênh cãi lại nắng gió. Tình hình chuyển dân, chuyển huyện vô cùng khẩn trương.   

Đại tướng chỉ đạo chiến dịch chuyển dân

Khoảng ngày 20/3/1982, ông Cửu nhận điện của Tỉnh ủy Hà Sơn Bình báo ngày 22/3, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên công tác tại Hòa Bình và trong chương trình, Đại tướng có kiểm tra công tác chuyển dân, chuyển huyện Đà Bắc ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện. Lãnh đạo tỉnh giao ông Nguyễn Văn Cửu thay mặt Tỉnh ủy trực tiếp báo cáo tình hình với Đại tướng.

Đúng ngày 22/3, vẫn bộ quân phục quen thuộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, nay với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, có mặt tại trung tâm vùng chuyển dân của huyện Đà Bắc là xã Hào Tráng ven sông Đà. Khi ấy, một bộ phận các cơ quan huyện đã chuyển về Tu Lý. Người dân của 7 xã vùng thấp huyện Đà Bắc là Vầy Nưa, Hiền Lương, Toàn Sơn, Hào Tráng, Tiền Phong, Tân Lập, Dân Lập ở dưới cốt 43 di chuyển chưa được bao nhiêu.

Ông Nguyễn Văn Cửu, nguyên Bí thư Huyện ủy Đà Bắc tại buổi làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chuyển dân khỏi vùng hồ Sông Đà.

Địa điểm của buổi làm việc đặt tại một nhà sàn của người dân ở xóm Túp. Sau khi nghe, hỏi và ghi chép rất tỉ mỉ tình hình do Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Cửu báo cáo "toàn huyện Đà Bắc mới chuyển được 1.400 hộ/2.365 hộ", Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho ý kiến: "Nếu chuyển dân khó khăn đến thế thì phải tiến hành theo 3 hướng: thứ nhất là chuyển ngay trong địa bàn huyện; thứ hai là chuyển ra khỏi huyện; thứ ba là nếu khó khăn quá không thể đi nổi thì di vén tại chỗ. Đại tướng nhắc đi nhắc lại 4 việc quan trọng phải làm trong quá trình chuyển dân:

1- Làm sao để dân không đứt bữa.

2- Làm sao phải có trường lớp cho các cháu đi học.

3- Làm sao phải có trạm xá để chữa bệnh cho dân.

4- Làm sao phải có đường đi lại cho dân bớt khổ.

Đại tướng gợi ý bài học thời chiến tranh toàn dân, toàn diện chúng ta chiến thắng kẻ địch mạnh hơn mình nhiều lần, giờ chuyển dân đến nơi mới chúng ta vận động nhân dân vừa làm nhà, vừa khai hoang, vừa làm đường…

Gần cuối buổi làm việc, bỗng Đại tướng hỏi về việc di chuyển mồ mả. Huyện cho biết đã chuyển được 300/800 ngôi mộ và không ít hộ có ý không muốn chuyển mồ mả với lý do phong tục người miền núi không cất bốc mồ mả. Đại tướng thảng thốt: "Không được, không được… phải chuyển tất cả mồ mả lên hẳn trên cốt 120m để chỉ chuyển một lần. Bây giờ thấy khó không chuyển, sau này ổn định rồi, nước ngập vào mắt người ta, con cháu họ hỏi thì ta trả lời sao đây?".

Kể lại chuyến công tác này, ông Cửu còn nhớ suốt trong thời gian làm việc, Đại tướng đăm chiêu, ngay cả khi bắt tay lúc đến, chia tay lúc đi, người luôn trầm ngâm và buồn. Buồn vì lo cho dân, vì công cuộc chuyển lòng hồ này người dân quá vất vả.

Ông Cửu cũng chia sẻ, bữa cơm tiếp vị Đại tướng hôm đó thực sự đạm bạc, không khác gì cơm thời chiến. Còn nhớ, món sang nhất trên mâm được tính là món canh khoai sọ dẻo mua tại xóm Bãi Hả, xã Hào Tráng. Nhớ về bữa cơm đạm bạc đó mà càng hiểu thêm tấm lòng của vị tướng lỗi lạc, của một nhân cách cao cả với dân, với nước.

Ngay sau chuyến công tác của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyện Đà Bắc phát động chiến dịch tổng lực 40 ngày đêm vận động nhân dân chuyển khỏi vùng ngập lòng hồ theo 3 hướng mà Đại tướng đã gợi ý. Tổng kết chiến dịch, việc chuyển dân, chuyển huyện giành thắng lợi lớn.

Ba mươi mốt năm đã qua đi, tính từ ngày đó, kể lại câu chuyện cảm động này cho tôi nghe, ông Cửu lấy làm tiếc vì không nhớ được gia đình đã vinh dự được chọn làm nơi tiến hành cuộc làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc xóm Túp, xã Hào Tráng cũ.

Căn nhà sàn nơi Đại tướng chỉ đạo chuyển dân nay còn nguyên vẹn

Ngày 19/11/2013, mang theo tâm niệm tìm căn nhà lịch sử ấy, tôi vào xã Hào Lý (nơi phần đông người dân Hào Tráng chuyển về). Tới đây, tôi gặp lại các ông Đinh Công Tân – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hào Tráng thời đó, sau là Phó Bí thư Huyện ủy Đà Bắc; ông Quách Công Nhật – nguyên Chủ nhiệm HTX Túp Trê (Hào Tráng)… và mừng vô cùng khi được biết địa điểm ấy chính là gia đình ông Bùi Văn Như. Năm ấy, ông Như còn trẻ  và làm Bí thư chi bộ xóm Túp. Hai vợ chồng trẻ vừa làm một nhà sàn bằng gỗ xoan. Chính ngôi nhà này được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới làm việc.

Ngôi nhà sàn của gia đình ông Bùi Văn Như - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo chuyển dân.

Năm 1996, gia đình ông Bùi Văn Như chuyển ngôi nhà ấy từ Hào Tráng về Tân Sơn, xã Toàn Sơn và sử dụng đến nay. Như vậy, ngôi nhà sàn nhỏ nhắn, giản dị này đã trở thành ngôi nhà đặc biệt vì chính từ đây, những chỉ thị sáng suốt cả tầm chiến lược, chiến thuật, chiến dịch của Đại tướng cho việc chuyển dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ sông Đà, nay là hồ Hòa Bình, vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, đã phát ra, thấm sâu vào lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc.

http://cstc.cand.com.vn/vi-VN/phongsu-ghichep/phongsu/2014/1/187193.cand

Theo Cảnh Sát Toàn Cầu

Bạn có thể quan tâm