Chiều ngày 29/4, ông Mai Anh Nhịn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì cuộc họp báo thông tin về tình hình cung cấp nước sinh hoạt khi nắng hạn và xâm nhập mặn vẫn còn gay gắt.
Theo ông Nhịn, vài ngày nay, báo chí đưa tin về tình hình thiếu nước ngọt sinh hoạt ở TP Rạch Giá nhưng thông tin chưa đầy đủ, thiếu chính xác. Điều này đã gây hoang mang cho người dân.
Người dân TP Rạch Giá rất lo thiếu nước sinh hoạt khi công ty cấp nước cắt giảm công suất. Ảnh: Nhật Tân. |
Theo báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên cấp thoát nước Kiên Giang (KIWACO), do hiện tượng El Nino, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài khiến nguồn nước ngọt trên hệ thống sông, kênh đầu nguồn giảm mạnh. Vì vậy, hiện tượng xâm nhập mặn sâu vào kênh Rạch Giá – Long Xuyên đã xảy ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác, sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Rạch Giá.
Hồ chứa nước Vĩnh Thông có dung tích 500.000 m3, cung cấp "nguyên liệu" thô cho Nhà máy nước Rạch Giá xử lý. Do độ mặn ngoài kênh quá cao (thường xuyên ở mức 3-7%) và biên mặn lấn sâu vượt qua cửa thu nước thô 8-13 km nên từ ngày 14/4 đến nay, công ty không thể thu nước bổ sung vào hồ chứa.
Trước tình hình đó, KIWACO khoan mới 12 giếng khai thác nước ngầm, cộng với 2 giếng hiện có đã nâng tổng lượng nước ngầm đạt 16.000 m3/ngày đêm. Hiện, công ty đạt được thỏa thuận mua nước của Công ty cổ phần cấp nước và môi trường Thạnh Lộc để vào mạng lưới với sản lượng khoảng 4.000 m3/ngày đêm.
Sợ thiếu nước trong đợt nghỉ lễ nhiều ngày, người dân TP Rạch Giá dùng xoong, nồi, thùng, thau... để trữ nước ngọt. Ảnh: Nhật Tân. |
Từ ngày 26/4, KIWACO cắt giảm 35% công suất cung cấp nước. Tổng sản lượng hiện đang có khoảng 34.000 m3/ngày đêm, đạt 65% so với nhu cầu bình thường. Trữ lượng ngày 29/4, tại hồ 500.000 m3 còn khoảng 60.000 m3.
Tại hồ Nhà máy nước Rạch Giá (nằm trung tâm thành phố) còn khoảng 45.000 m3. Hồ chứa này chỉ ưu tiên cấp cho các bệnh viện, trường học. KIWACO cũng triển khai nhiều xe bồn cung cấp nước đến các khu dân cư nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.
Về giải pháp cấp nước sắp tới cho dân, ông Mai Anh Nhịn cho biết, tỉnh sử dụng sà lan vận chuyển nước ngọt từ kênh Rạch Giá – Long Xuyên để đưa về hồ chứa, sau đó xử lý đạt chuẩn mới hòa mạng. Chi phí vận chuyển được cho là không đáng kể vì một số doanh nghiệp đã tình nguyện làm việc này, chỉ thu tiền xăng dầu, không lấy tiền nhân công.
Chiều 29/4, đã có 4 sà lan vận chuyển nước vào hồ. Đến ngày 30/4 sẽ tiếp tục có thêm 2 sà lan nữa để đáp ứng khoảng 8.000 m3/ngày đêm. Với lượng nước này, cộng với các nguồn nước hiện có sẽ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu thiết yếu của người dân.
"Tôi cam kết mùa khô năm 2017, người dân TP Rạch Giá chắc chắn sẽ không thiếu nước sinh hoạt. Bài học về thiếu nước sinh hoạt đã có rồi, nhất thiết không thể để điệp khúc này tái diễn", ông Nhịn nói.
Sà lan chở nước ngọt về TP Rạch Giá ngày 29/4. Ảnh: Nhật Tân. |
Theo ông Nhịn, 2 cống ngăn mặn giữ ngọt sẽ hoàn thành vào giữa năm 2016 và đầu năm 2017. Nhà máy cấp nước Rạch Sỏi công suất 20.000 m3 cũng chuẩn bị khởi công và hoàn thành vào đầu năm sau và tỉnh sẽ chỉ đạo khoan thêm một số giếng nước ngầm.
Hiện độ mặn và biên mặn trên kênh Rạch Giá – Long Xuyên đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao và nằm cách hồ lấy nước gần 10 km. Khô hạn dự báo sẽ vẫn kéo dài vì thời tiết diễn biến bất thường nên hai ngày qua người dân Rạch Giá dùng thau, thùng, nồi nấu ăn… để tích trữ nước đầy nhà.