Bài học 'sinh tử' từ Viettel của Zalo
Bài học "bình dân hóa" dịch vụ thông tin di động của Viettel đã được các kỹ sư của Zalo vận dụng triệt để, đem lại thành công vang dội cho sản phẩm ứng dụng nhắn tin miễn phí này.
Đầu tháng 5/2013, Zalo - ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) thuần Việt - trở thành ứng dụng OTT đầu tiên tại Việt Nam công bố cán mốc 2 triệu người dùng. Cột mốc mới mà ứng dụng nhắn tin Việt Nam đạt được gây không ít bất ngờ với giới chuyên gia, bởi xét về tiềm lực công nghệ, tài chính cũng như bề dày kinh nghiệm, Zalo chưa thể vượt những đối thủ quốc tế sừng sỏ. Vậy lý do gì khiến hàng triệu người dùng Việt Nam “bỏ phiếu” cho Zalo đầu tiên chứ không phải là những tên tuổi nước ngoài?
Một lãnh đạo của dự án Zalo chia sẻ: “Việc cạnh tranh với các công ty nước ngoài luôn khó khăn. Họ hơn chúng ta nhiều cả về trình độ công nghệ, năng lực tài chính cũng như bề dày kinh nghiệm. Vì thế, khi đầu tư phát triển Zalo, chúng tôi bắt buộc phải đi tìm cho mình một ‘đấu pháp’ phù hợp. Và chúng tôi đã tìm thấy cảm hứng từ bài học thành công của Viettel”.
Zalo tìm thấy cảm hứng từ sự thành công của Viettel. |
Bài học thành công của Viettel
Tuy nhiên, không giống như sự khởi đầu “như mơ” của Viettel với dịch vụ VoIP 178 hay mạng di động 098, Zalo gặp phải sai lầm lớn trong thiết kế sản phẩm và tưởng chừng lâm vào ngõ cụt khi ra mắt sản phẩm thử nghiệm tháng 8/2012. Thế nhưng, chính thất bại ban đầu này đã làm cho các kỹ sư của Zalo bừng tỉnh. Và điều đó đã giúp họ tìm thấy những bài học quan trọng từ Viettel - một tượng đài của làng viễn thông Việt.
Bài học mà đội ngũ kỹ sư làm ứng dụng nhắn tin thuần Việt rút ra là sản phẩm cần phục vụ tốt những nhu cầu cơ bản, thiết yếu, và có thể sử dụng được trên một hạ tầng rộng khắp. Theo định hướng này, thay vì tập trung tạo ra một sản phẩm với những tính năng công nghệ hoành tráng, những kỹ sư Zalo hướng vào việc giúp người dùng Việt nhắn tin miễn phí với tốc độ nhanh nhất, và ổn định trên cả môi trường mạng di động 2G và 2,5G chứ không phải chỉ “đẳng cấp” ở 3G hay Wi-Fi.
Để sản phẩm của mình đến được số lượng người dùng đông nhất, Zalo được thiết kế để chạy tốt với cả feature phone chứ không chỉ trên smartphone. Đây là điều khác biệt hoàn toàn với các ứng dụng ngoại, bởi họ chủ yếu tập trung vào môi trường 3G và Wi-Fi với các loại smartphone cao cấp (những người giàu và ở thành phố lớn).
Ở đây, bài học bình dân hóa dịch vụ thông tin di động của Viettel đã được các kỹ sư của Zalo vận dụng triệt để. Họ coi OTT là một dịch vụ cho mọi người (dùng được với cả feature phone lẫn smartphone), chứ không phải là đặc quyền của những người giàu (chỉ dùng smartphone cao cấp).
Thêm nữa, Zalo được thiết kế để chạy tốt trên cả 2G - 2,5G - 3G hay Wi-Fi, giúp cho người thành thị hay nông thôn đều có thể sử dụng được. Trong khi đó, ứng dụng ngoại trông sành điệu nhưng kén thiết bị, chỉ dùng được ở những nơi sóng 3G tốt và Wi-Fi mạnh, khiến họ giống mạng di động S-Fone - sành điệu nhưng khó dùng và tậm tịt.
Ngoài thiết kế, đội ngũ làm sản phẩm Zalo liên tục đón nhận phản hồi của người dùng để điều chỉnh các tính năng sao cho phù hợp nhất với nhu cầu trong nước. Điều này tạo cho ứng dụng Việt một hình ảnh thân thiện và gần gũi. Trong khi đó, ứng dụng ngoại chỉ là những phiên bản Việt hóa, không được thiết kế riêng cho những nhu cầu đặc thù ở Việt Nam nên hơi xa cách.
Sau hơn 5 tháng có mặt trên thị trường, Zalo trở thành ứng dụng nhắn tin miễn phí đầu tiên tại Việt Nam cán mốc 2 triệu người dùng. Bài học từ Viettel đã cho thấy thành quả ban đầu. Tuy nhiên, ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt có viết tiếp được câu chuyện thành công như Viettel từng làm trên thị trường viễn thông hay không thì cần thời gian mới có câu trả lời.
Theo Dân Trí