Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài học lịch sử từ Tổng tiến công Mậu Thân 1968

Cuộc Tổng tiến công đã tạo đòn đánh quyết định vào chính quyền Việt Nam Cộng hoà và Mỹ, buộc các bên phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán dẫn tới Hiệp định Paris năm 1973.

Sáng 29/12, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử” diễn ra tại TP.HCM. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại tướng Phạm Văn Trà, đại tướng Phùng Quang Thanh và đại tướng Ngô Xuân Lịch (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đến tham dự.

Phát biểu tại hội thảo, đại tướng Ngô Xuân Lịch đánh giá cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt Nam. Từ đó, chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ cơ bản phá sản.

Theo đại tướng Ngô Xuân Lịch, cuộc Tổng tiến công là bước phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật tiến công bằng phương thức tác chiến mới, nghệ thuật tổ chức và bố trí lực lượng.

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa chiến tranh quân sự và ngoại giao, cuộc Tổng tiến công đã tạo đòn đánh quyết định vào chính quyền Việt Nam Cộng hoà và Mỹ, buộc các bên phải xuống thang ngồi vào bàn đàm phán Paris.

Con trai đại tướng Lê Đức Anh, ông Lê Mạnh Hà, thay mặt đại tướng đọc bài tham luận tại hội thảo. Theo đó, đại tướng Lê Đức Anh nhận định cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cùng những cú “đánh bồi” trong những đợt tiếp theo đã tạo nên một đòn đánh “đủ đô”, đủ sức mạnh làm nhụt ý chí xâm lược của Mỹ (nhất là những chính khách trong phái “diều hâu”).

Tham luận tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu bật những đóng góp mà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong sự kiện lịch sử Xuân Mậu Thân 1968.

Bên cạnh đó, Bí thư Nhân nhận định những hạn chế, bài học về đánh giá khả năng và sức mạnh của Việt Nam Cộng hòa và Mỹ, về đề ra mục tiêu cho cuộc Tổng tiến công, phương thức tiến công và sử dụng lực lượng, hạn chế tổn thất đã giúp Đảng nhận thức thấu đáo hơn về thực tế chiến trường, tương quan lực lượng và đề ra chủ trương thích hợp trong lãnh đạo kháng chiến trong giai đoạn sau Mậu Thân, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975.

“50 năm đã qua, thời gian đã phai mờ, thay đổi nhiều thứ, nhưng những giá trị lịch sử và bài học được đúc rút bằng xương bằng máu của biết bao cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 phải được thường xuyên thực hiện và trân trọng”, Bí thư Nhân chia sẻ.

Xây bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý chủ trương xây dựng bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Dinh Độc Lập.


Hà Hương

Bạn có thể quan tâm