Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

Bài học chống Covid-19 cho các địa phương từ kinh nghiệm của TP.HCM

Nhờ kịp thời điều chỉnh chiến lược xét nghiệm và tập trung vaccine đúng đối tượng, TP.HCM dần chiếm lại thế chủ động và đuổi kịp tốc độ lây nhiễm của biến chủng Delta.

Bai hoc chong dich Covid-19 tu TP.HCM anh 1

Đại dịch Covid-19 do biến chủng Delta bùng phát trên địa bàn TP.HCM bắt đầu từ những ngày cuối tháng 4, tính đến nay, thành phố đã có hơn nửa triệu ca mắc.

Hơn 4 tháng chống dịch Covid-19 của TP.HCM là bài học thực tế về kinh nghiệm đối với các địa phương trên cả nước.

Lựa chọn phương pháp xét nghiệm phù hợp

Hơn một tháng sau ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận liên quan ổ dịch Hội thánh, TP.HCM vẫn theo đuổi phương pháp xét nghiệm bằng rRT-PCR. Trong khi nhân lực lấy mẫu huy động tối đa, năng lực xét nghiệm và trả kết quả chưa đáp ứng kịp. Điều này gây tình trạng ùn ứ hàng loạt mẫu bệnh phẩm tại phòng xét nghiệm.

Nhiều chuyên gia đặt vấn đề thay đổi chiến lược xét nghiệm, kết hợp test nhanh kháng nguyên. Tuy nhiên, điều này không được thực hiện.

Trong chuyến làm việc với TP.HCM cuối tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo không nhất thiết phải dùng xét nghiệm PCR và tăng cường hơn 80.000 bộ test nhanh cho TP.HCM.

Trao đổi với Zing trong giai đoạn này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, nhấn mạnh việc điều chỉnh chiến lược xét nghiệm của TP.HCM dù muộn, nhưng đi đúng hướng.

Bai hoc chong dich Covid-19 tu TP.HCM anh 2

Người dân quận 8 tập trung đông đúc tại điểm lấy mẫu cộng đồng vào tối 29/6. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo bác sĩ Khanh, tại các địa phương đang đối mặt nguy cơ bùng phát dịch, cần linh hoạt lựa chọn phương pháp xét nghiệm phù hợp.

“Tùy mức độ lây lan của dịch mà đánh giá để chọn nơi nào test nhanh, nơi nào dùng rRT-PCR. Nếu dịch tốc độ lây lan chậm, giãn cách tốt, không cần trả kết quả sớm thì chọn rRT-PCR. Còn trong bối cảnh giãn cách không tốt, lây lan nhanh thì test nhanh mới theo kịp Delta”, bác sĩ Khanh nói.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng đối với các địa phương chưa có dịch xâm nhập sâu như TP.HCM, việc lựa chọn phương pháp xét nghiệm không quan trọng bằng xét nghiệm ngay khi có triệu chứng.

“Vấn đề quan trọng là không quá tập trung mọi mặt trận cho xét nghiệm mà quên những vấn đề quan trọng khác, đó là năng lực điều trị, cấp cứu, để xảy ra tình huống bệnh nhân ồ ạt chuyển nặng nhưng không có nơi điều trị”, PGS Dũng nói.

Ưu tiên vaccine cho người trên 50 tuổi

Ưu tiên nguồn vaccine Covid-19 và chiến lược tiêm chủng diện rộng quy mô toàn TP.HCM được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề ra ngay sau khi ông giữ vai trò Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 ở TP.HCM, giữa tháng 6.

Chiều 12/7, tại họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch Covid-19, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam thông tin quan trọng liên quan tiêm vaccine, đó là đối tượng ưu tiên có sự thay đổi, thay vì lực lượng công nhân, người lao động, doanh nghiệp tại khu công nghiệp, thành phố sẽ tập trung vaccine cho nhóm nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, mắc bệnh mạn tính…).

Bai hoc chong dich Covid-19 tu TP.HCM anh 3

Nhân viên y tế mang vaccine Pfizer đến tận nhà để tiêm cho người cao tuổi. Ảnh: Phạm Ngôn.

Chia sẻ với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết việc điều chỉnh đối tượng ưu tiêm tiêm chủng này hoàn toàn hợp lý. Đây cũng là kinh nghiệm tiêm chủng đối với các tỉnh, thành phố hiện nay.

“Nếu có vaccine, các tỉnh cần tiêm chủng ngay càng nhiều càng tốt, tập trung cho người trên 50 tuổi, có bệnh nền. Nhiều địa phương giai đoạn đầu dịch tập trung tiêm vaccine cho người trẻ, công nhân, người lao động. Trong bối cảnh dịch bùng lên thì không thể chống đỡ kịp, thực tế ở TP.HCM là kinh nghiệm thấy rõ nhất”, PGS Dũng nói.

Chuyên gia Đại học Y Dược TP.HCM cho biết trong đợt cao điểm dịch ở TP.HCM, trung bình 1.000 người tử vong do Covid-19 thì có đến hơn 200 người cao tuổi. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm người trẻ thấp hơn đến 100 lần.

Ông lưu ý nhiều địa phương hiện nay vẫn chưa ưu tiên vaccine cho người cao tuổi, có bệnh nền mà muốn tập trung nhiều vào người lao động trẻ.

Chuẩn bị giường ICU, đủ oxy

Câu chuyện tập trung xét nghiệm, không đầu tư hệ thống điều trị dẫn đến quá tải bệnh viện của PGS Đỗ Văn Dũng cũng là thực trạng từng xảy ra ở TP.HCM trong giai đoạn cao điểm.

Ngày 16/7, sau hơn 76 ngày bùng phát, dịch ở TP.HCM chuyển sang cấp độ 4 (trên 150/100.000/tuần), số ca nhập viện tăng gần gấp 4 lần. Giai đoạn này, tất cả bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị trên địa bàn TP.HCM đều bị quá tải, mặc dù thành phố nỗ lực thành lập hàng loạt bệnh viện mới. Số ca tử vong tăng vọt do không được điều trị kịp thời.

“Truy vết quá chậm khiến dịch âm thầm lây lan nhưng không đầu tư hệ thống điều trị đã dẫn đến quá tải giường oxy Ở TP.HCM. Covid-19 lại đánh đối tượng nguy cơ nhiều nên thành phố không trở tay kịp. Đó là bài học cho các địa phương từ chính kinh nghiệm đã qua ở TP.HCM”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Bai hoc chong dich Covid-19 tu TP.HCM anh 4

Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vận hành kín giường bệnh chỉ sau 3 ngày mở cửa. Ảnh: Duy Hiệu.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng trong giai đoạn này, các tỉnh, thành phố nên tăng cường chuẩn bị giường oxy. “Khi có tình huống cấp cứu, oxy phải đủ cho người bệnh. Những vấn đề khác có thể thay thế, nhưng dứt khoát oxy thì không thay thế được”, ông nói.

Chuyên gia này hướng dẫn các địa phương nên chuẩn bị kịch bản bệnh viện dã chiến, giường bệnh có đầu oxy và tính toán theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cứ khoảng một triệu dân thì chuẩn bị 300 giường bệnh trở lên và ít nhất 60 giường ICU có đầu oxy.

Riêng địa phương ở cấp độ 4 phải bảo đảm tối thiểu 3% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch.

“Quan trọng nhất là tập trung tiêm chủng và chuẩn bị giường oxy. Nếu tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho người cao tuổi cao và chuẩn bị tốt nguồn oxy thì vấn đề lo lắng giảm tải hơn rất nhiều, công việc chống dịch cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều”, PGS Đỗ Văn Dũng nói.

Nâng cao năng lực y tế cơ sở

Tại buổi tiếp xúc cử tri ngành y tế trước thềm kỳ họp thứ hai khóa XV do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 9/10, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thẳng thắn nhìn nhận trong đợt dịch vừa qua, hệ thống y tế cơ sở bộc lộ rõ những điểm yếu.

Hệ thống y tế cộng đồng từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đến trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế phường, xã còn nhiều yếu kém, cả về con người lẫn cấu trúc tổ chức, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), hệ thống điều trị tuyến cơ sở là một trong những yếu tố quan trọng giúp TP.HCM quản lý và điều trị F0 tốt, hạn chế dần tỷ lệ tử vong.

"Tăng cường y tế cơ sở, phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình là hướng đi cần thiết của ngành y tế trong thời gian tới. Bên cạnh đó, khi số lượng F0 tại cộng đồng tăng cao, việc huy động sự vào cuộc của phòng khám, bệnh viện tư nhân rất quan trọng. Các địa phương nên chủ động tổ y tế để quản lý, phát thuốc, chăm sóc F0 tại tầng điều trị thấp nhất", TS Hùng nói.

TP.HCM có đủ năng lực điều trị khi lực lượng chi viện rút quân?

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc rút lực lượng chi viện khỏi TP.HCM nằm trong sự tính toán kỹ lưỡng để không tạo khoảng trống cho y tế thành phố.

Dịch Covid-19

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm