Vừa qua, loạt phim Little Women (tựa Việt: Ba chị em) dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Louisa May Alcott vướng làn sóng tẩy chay khi có yếu tố xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Cụ thể, ở tập 3 và 8, các nhân vật trong phim có những lời thoại sai lệch, gượng ép, gây hiểu nhầm nghiêm trọng về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) sau đó gửi văn bản yêu cầu Công ty Netflix gỡ bỏ series ở kho ứng dụng tại Việt Nam.
Ngày 6/10, người phát ngôn của Netflix xác nhận với Zing đã gỡ bỏ Little Women tại Netflix Việt Nam. Trong cuộc làm việc với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, công ty này cũng xin rút kinh nghiệm và cam kết tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Studio Dragon - xưởng phim thực hiện Little Women - cũng đã nhận lỗi và xin lỗi vì phim gây tranh cãi. Trên Soompi, đại diện của công ty cho biết: “Chúng tôi đang giải quyết những lo ngại liên quan đến câu chuyện được dàn dựng trong Little Women. Chúng tôi sẽ cẩn trọng hơn trong các vấn đề nhạy cảm về xã hội và văn hóa trong quá trình sản xuất nội dung trong tương lai”.
Những lần gây tranh cãi tại Việt Nam
Không thể phủ nhận sự thành công của Netflix khi là một trong những nền tảng thống trị nền văn hóa đại chúng hiện nay. Tuy nhiên "gã khổng lồ" này cũng vướng phải một số bê bối khi tồn tại nhiều tác phẩm không phù hợp văn hóa, gây tranh cãi chính trị, sai lệch về lịch sử của nhiều nước trên thế giới.
Trước Little Women, nền tảng có tới 3 lần cung cấp nội dung xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền lãnh thổ ở Việt Nam. Tháng 5/ 2020, bộ phim Put Your Head on My Shoulder (tựa Việt: Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta) bị phát hiện có hình ảnh "đường lưỡi bò" trên biển Đông.
Tháng 8/2020, phim Madam Secretary (tựa Việt: Bà Ngoại trưởng) cũng gặp vấn đề tương tự. Sau khi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu rà soát, gỡ bỏ, Netflix đã cắt cảnh có hình ảnh "đường lưỡi bò".
Tháng 5/2021, phim Pine Gap tiếp tục bị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thông báo có các hình ảnh sai trái về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, phút 12 của tập hai và phút 52 của tập ba phim chứa hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò" trên biển Đông. Do đó, cơ quan chức năng đã ra văn bản yêu cầu đơn vị phát hành gỡ bỏ phim.
Netflix sau đó cũng nhanh chóng gỡ bỏ bộ phim khỏi kho ứng dụng Việt Nam. Nhìn chung, công ty này xử lý nhanh sau khi phim bị phản ứng và nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý của Việt Nam. Song, nhiều ý kiến cho rằng, nền tảng không mang lại sự an tâm hoàn toàn khi đã có tới 4 lần phim gây tranh cãi về vấn đề lịch sử, chủ quyền.
Netflix bị một số nước phản ứng, phải gỡ phim
Nổi đình đám, song series Emily in Paris từng gây mất lòng dân Pháp, khi họ cho rằng loạt phim có cái nhìn phiến diện, nhạo báng văn hóa bản địa. NBC News nhận định: “Chính sự miêu tả phi thực tế, rập khuôn về thành phố và con người ở Pháp đã gây nên sự khó chịu cho một số phụ nữ trẻ Paris và những người sống ở vùng ngoại ô”.
Trong suốt lịch sử phát triển của mình, Netflix đã có tới 9 phim lẻ và series bị buộc gỡ bỏ. Tại Singapore, những bộ phim như Cooking on High, The Legend of 420, Disjointed, The Last Hangover, The Last Temptation of Christ bị cấm chiếu lần lượt vào các năm 2018, 2019, 2020 bởi có nội dung liên quan đến chất kích thích.
Tại New Zealand, phim The Bridge bị cấm chiếu vì mang nội dung tự sát. Ủy ban Bảo vệ Thanh thiếu niên tại Đức cũng yêu cầu gỡ phim kinh dị Night Of The Living Dead vì có ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ. Tại Saudi Arabia, Netflix phải gỡ nội dung mang tính châm biếm hoàng gia trong show Patriot Act with Hasan Minhaj.
Không chỉ gây tranh cãi về mặt văn hóa, Netflix cũng gây nhiều làn sóng phẫn nộ khi sản xuất những nội dung có yếu tố gợi dục, tình dục hóa trẻ vị thành niên. Nổi tiếng nhất phải kể đến Cuties, bộ phim tạo làn sóng phẫn nộ tại Mỹ khi khi 4 nữ diễn viên vị thành niên thực hiện các tư thế khiêu vũ khêu gợi trong những bộ trang phục hở hang.
Tại Brazil, bộ phim Como se Tornar o Pior Aluno da Escola bị Bộ Tư pháp và Công an kiểm duyệt, cáo buộc phim có nội dung ấu dâm. Cây bút Nick Hobson viết trên INC: “Phim ảnh và chương trình truyền hình nhắm vào cảm xúc của chúng ta. Và bởi vì cảm xúc thúc đẩy sự nhận thức của chúng ta , nên những văn hóa phẩm tiêu cực, phản cảm cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến thế giới quan của người xem”.
Không chỉ cải thiện chất lượng và khắc phục kịp thời những tranh cãi, Netflix cần chú trọng hơn trong việc khai thác những nội dung có yếu tố văn hóa, lịch sử, nhất là ở những đất nước có sự nhạy cảm về văn hóa.
Trang Spherex đánh giá: "Sự nhạy cảm về văn hóa có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Các vấn đề như nghiện ma túy, cưỡng hiếp, lạm dụng trẻ em, tấn công tình dục và tự tử được nhìn nhận khác nhau ở nhiều nền văn hóa, nên việc xem xét thấu đáo từ phía nhà phát hành để đưa ra sản phẩm phù hợp từng quốc gia là điều cần thiết”.
Ra mắt vào năm 1997, Netflix có tiền thân là dịch vụ cho thuê băng đĩa DVD qua đường bưu điện. Trải qua gần hai thập kỷ phát triển, Netflix sở hữu hàng nghìn bộ phim và chương trình giải trí. Năm 2016, từ nền tảng phát hành phim, Netflix bành chướng sang đầu tư và sản xuất những nội dung nguyên bản. Hiện tại, Netflix đã xuất hiện tại hơn 190 quốc gia với hơn 30 ngôn ngữ khác nhau.