Liên tục trong 2 ngày 30/4 và 1/5, lượng du khách đổ về TP Vũng Tàu, đặc biệt khu vực bãi tắm rất lớn. Một số thời điểm bãi biển ken đặc người, việc tuân thủ khoảng cách và không tụ tập theo thông điệp 5K gần như không đảm bảo.
"Tuyên truyền chứ không thể làm gì khác"
Trao đổi với Zing chiều 1/5, ông Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: "Ngành y tế tỉnh vẫn tăng cường thực hiện tuyên truyền thông điệp 5K của Bộ Y tế chứ không thể làm gì khác".
Khi phóng viên đặt vấn đề việc tập trung quá đông đúc khiến thông điệp 5K không đảm bảo, ông An cho rằng giải pháp hiện tại vẫn là tuyên truyền, vận động người dân, các lực lượng địa phương tăng cường nhắc nhở. Biện pháp ứng phó cụ thể do từng địa phương thực hiện. Sở Y tế có nhiệm vụ tuyên truyền người dân tuân thủ quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế.
Bãi Sau tại TP Vũng Tàu đông nghẹt người sáng 1/5. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ông Bùi Xuân Thy, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Vũng Tàu, cho biết trong dịp nghỉ lễ, Tết, địa phương này thường đón nhận lượng lớn khách du lịch đến nghỉ dưỡng, tham quan. Do đó, việc quản lý người dân, du khách tuân thủ quy định giãn cách còn gặp nhiều khó khăn do số lượng rất đông.
Theo ông, đối với dịch bệnh Covid-19, Trung tâm Y tế TP Vũng Tàu chủ yếu thực hiện các hoạt động chuyên môn như truy vết, khai báo y tế, điều tra dịch tễ, tư vấn cho người dân.
Ngoài ra, đơn vị này phối hợp các cơ quan, đoàn thể tại địa phương thực hiện hoạt động cộng đồng, khuyến cáo người dân thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế, nhắc nhở người dân, du khách đeo khẩu trang.
"Trong dịp lễ, việc hạn chế tình trạng tập trung đông người ở điểm du lịch là rất khó. Chúng tôi chỉ có thể tăng cường khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp an toàn nhất, còn việc nghiêm cấm triệt để thì rất khó", ông Thy nói thêm.
Ngày 1/5, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra công văn hỏa tốc dừng các hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, beer club nhưng không cấm tắm biển.
Nhóm nguy cơ cao
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết các địa phương cần thận trọng với người mới đi tắm biển hoặc đến những địa điểm du lịch đông đúc.
Khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng chưa rõ nguồn gốc, những người đến các khu vực tập trung đông đúc đều có thể là nhóm nguy cơ cao hàng đầu.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, đánh giá điều căn bản nhất là chúng ta vẫn phải làm tiếp tục phát hiện, ngăn chặn, hạn chế để dịch bệnh lây lan rộng.
"Những ổ dịch nhỏ có thể bao vây, dập dịch được ngay. Nhưng nếu phát hiện muộn thì rất nguy hiểm vì dịch bệnh sẽ lây lan rất mạnh khi người dân đi lại nhiều, du lịch, dịch vụ dịp nghỉ lễ.
Như vậy, Việt Nam sẽ rất khó để truy vết, dập dịch, dịch sẽ bùng phát trên diện rộng. Bài học từ Ấn Độ cho thấy dịch bệnh đã bùng phát đến mức khó kiểm soát khi người dân tham gia lễ hội, tập trung đông người", ông nói.
Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhấn mạnh trong dịp lễ, người dân không nên tập trung đông đúc và đi lại nhiều. Các sự kiện tập trung đông, hội họp trong không gian kín không cần thiết bắt buộc đảm bảo giãn cách hoặc hủy bỏ.
Ngày 29/4, Việt Nam phát hiện trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 là BN2899. Người này là N.V.Đ. (28 tuổi, trú tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân), vừa hoàn tất cách ly tập trung tại TP Đà Nẵng. Sau đó, nhiều F1, F2 liên quan ca bệnh này đã được phát hiện mắc Covid-19.
Từ 29/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 16 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. 4 tỉnh, thành đang có dịch là Hà Nam (10), Hà Nội (3), Hưng Yên (2), TP.HCM (1). Các ca mắc mới này kết thúc chuỗi 34 ngày Việt Nam không ghi nhận sự lây nhiễm trong cộng đồng.
Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng và song song giải trình tự gene để xác định biến chủng virus SARS-CoV-2. Theo nhận định của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch Covid-19 ở Hà Nam đã bước sang chu kỳ lây nhiễm thứ 2, tốc độ lây lan nhanh.