Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bác sĩ tuyến đầu kể chuyện chống Covid-19 ở TP.HCM

Bác sĩ Lê Minh Khôi viết về những đồng nghiệp, đồng đội của mình khi tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 thời gian qua.

Bac si dieu tri benh nhan Covid-19 anh 1

Bác sĩ Lê Minh Khôi đảm nhiệm Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19, trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Câu chuyện điều trị, giải cứu, chăm sóc bệnh nhân trong những ngày dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư tại TP.HCM vừa qua được ông kể trong sách Phía tây thành phố. Sách do Nhà xuất bản Trẻ phát hành ngày 8/12.

Quãng đời khốc liệt mà đáng sống

- Điều gì thôi thúc ông viết cuốn sách “Phía tây thành phố”?

- Chính đại dịch và con người trong đại dịch đã khiến tôi phải viết những câu chuyện nhỏ, cảm nghĩ, những dòng cảm xúc để sẻ chia, động viên và tìm kiếm sự nâng đỡ về tinh thần cho bản thân. Tôi không nghĩ là mình sẽ viết được một cuốn sách về đại dịch và có thể cho ra đời vào thời điểm này. Đơn giản, tôi chỉ viết như một thói quen.

Và rồi vào cuối tháng chín, khi dịch bắt đầu qua bên kia đỉnh dốc, Hoàng Dạ Thư của Nhà xuất bản Trẻ có gợi ý rằng tôi nên tập hợp những bài viết tản mát đó đây thành tập sách để đánh dấu một quãng đời khốc liệt mà đáng sống nhất của mình và đồng đội.

Lúc đó, tôi nghĩ là mình nên viết theo kiểu một cuốn “biên niên sử” về những gì xảy ra ở Trung tâm Hồi sức Covid-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM mà tôi được phân công trực tiếp điều hành. Cuộc chiến đấu ở đó, ngay từ giây phút đầu đã rất cam go và khó lường.

Trước đó, tôi rất ít khi đi vào khu vực này nên khi nhìn lại trên bản đồ của thành phố thì bất ngờ thấy Trung tâm Hồi sức Covid-19 mà mình sẽ gắn bó nằm ở phía tây, tức là quận Bình Tân. Tự dưng tôi nghĩ đến cuốn sách yêu thích Mặt trận phía tây vẫn yên tĩnh (Phía tây không có gì lạ) của Erich Maria Remarque. Từ đó, chúng tôi gọi nơi đây là “Mặt trận phía tây thành phố”.

Trong mặt trận đó, tôi chia các khu vực điều trị thành các phân khu Lam Sơn, Bạch Đằng, Cửu Long, Hồng Hà, Hương Giang, Thu Bồn, Lâm Viên và Đồng Văn như một cách ẩn dụ rằng bước chân chúng tôi đã đi qua mọi miền của Tổ quốc.

Cái tên “Mặt trận phía tây thành phố” trở nên thân thuộc và rồi báo chí cũng sử dụng để chỉ Trung tâm Hồi sức Covid-19 của chúng tôi.

Khi nhận được gợi ý tập hợp các bài viết thành cuốn sách, tôi đã chọn ngay tiêu đề Phía tây thành phố để đặt cho tác phẩm của mình. Đó là cách tôi muốn các đồng đội và những người hết mình ủng hộ trung tâm trong những thời khắc gian khó nhất có được một kỷ niệm rất cụ thể về nơi ấy.

Bac si dieu tri benh nhan Covid-19 anh 2

Bác sĩ Lê Minh Khôi. Ảnh trong sách.

- Trong thời gian tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19, những câu chuyện nào để lại ấn tượng, sự xúc động với ông?

- Có rất nhiều câu chuyện và báo chí cũng đã khai thác một phần. Những câu chuyện ấy chủ yếu kể về những trường hợp cứu sống ngoạn mục bệnh nhân nguy kịch.

Tuy nhiên, trong cuốn sách này, tôi chỉ kể những câu chuyện dung dị về tình đồng nghiệp, đồng đội, tình thầy trò, anh em và về những mất mát dẫu đã được làm nhẹ đi rất nhiều.

Tôi muốn nhìn nhân viên y tế bằng xương bằng thịt, qua những trăn trở, lo toan rất đời thường nhưng cũng thấy được cái vĩ đại của họ khi đứng trước hiểm nguy. Họ biết hy sinh chính mình khi đồng bào, Tổ quốc cần.

Người ta có thể tính bao nhiêu người được xuất viện, bao nhiêu ca bệnh nguy kịch được cứu sống, những nụ cười tươi rói khi xuất viện nhưng không biết được chỉ tính riêng ở "Mặt trận phía tây thành phố" này thôi, đã có mấy chục nghìn bô nước tiểu; bao nhiêu nghìn bô phân; bao nhiêu nghìn tã giường vấy máu, vấy đàm bẩn; bao nhiêu lần gội đầu, cắt móng tay chân ngay tại giường bệnh và bao nhiêu nước mắt cùng mồ hôi của những chiến sĩ thầm lặng đã chảy xuống.

Tôi muốn viết về điều đó. Rất tiếc, thời gian quá gấp gáp nên bản thân đã không chuyển tải hết được tâm tư mình. Cuốn sách nhỏ như là một lời tri ân của tôi, ở vị trí một lãnh đạo và một đồng đội, muốn gửi đến mọi người.

Bac si dieu tri benh nhan Covid-19 anh 3

Sách Phía tây thành phố. Ảnh: NXB Trẻ.

Lời cảm ơn với đồng đội, đồng bào và cuộc sống

- Khi làm Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19, trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, ông chứng kiến đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực ra sao?

- Không ai muốn trải qua một quãng đời hành nghề đầy đau thương, mất mát đến như vậy. Có lẽ những sang chấn tâm lý cho nhân viên y tế còn kéo dài và sẽ xuất hiện sau khi đại dịch đi qua.

Bản thân tôi, đến bây giờ vẫn ổn, hoặc có thể những chấn động ấy đã âm thầm thâm nhiễm vào bên trong chờ đủ ngày, đủ tháng (rất có thể sau dịch) để bùng phát.

Tuy nhiên, những ngày tháng này cũng đã giúp tôi đỡ chênh vênh rất nhiều trong cách nhìn nhận cuộc đời. Nói một cách cụ thể là những ngày đêm gian khó, khốc liệt đã tạo cho tôi niềm tin mạnh mẽ vào đồng nghiệp, các tình nguyện viên, tin vào lòng nhân ái của đồng bào mình và rất quan trọng là tin vào tương lai qua những gì mà các bạn trẻ thể hiện ở đây.

Họ đã làm việc trên 200% công suất trong thời điểm dịch đạt đỉnh ở tháng tám, tháng chín và tiếp tục vượt lên chính mình để đi tiếp cuộc chiến đấu vẫn còn gian nan này. Không thể nói, không thể kể hết những việc đồng đội tôi đã làm.

Tôi vẫn luôn tâm đắc với một ý tưởng nảy lên trong tâm khảm mình khi đứng nói chuyện với các bạn trẻ: Chúng ta là đồng nghiệp như ngành nghề đã quy định, nhưng ở đây chúng ta là đồng đội, đồng lòng, đồng cam cộng khổ để hướng về đồng bào.

Tôi muốn nhìn họ bằng xương bằng thịt, qua những trăn trở, lo toan rất đời thường nhưng tôi cũng thấy được cái vĩ đại của họ khi đứng trước hiểm nguy. Họ biết hy sinh chính mình khi đồng bào, Tổ quốc cần.

BS Lê Minh Khôi

Có những chuyến xe giải cứu bệnh nhân nguy kịch mà chúng tôi gọi là “bay đêm”, bất kể giờ giấc hay sức lực đã bị vắt khô kiệt trong phiên trực trước đó. Hễ có bệnh nhân cần giải cứu là chúng tôi "bay". "Bay" bằng sức trẻ và "bay" bằng đôi cánh hiến thân vì đồng bào.

Có những bạn tuổi còn rất trẻ, vẫn nghiêm cẩn lau rửa sạch sẽ chỉn chu như là một người cháu tiễn chính ông bà mình lặng lẽ trong căn phòng Vĩnh Hằng của trung tâm. Họ làm từ ngọn lửa ấm áp tình người của trái tim mình. Và rất rất nhiều chuyện khác nữa…

Họ đã làm hơn thế rất nhiều. Tôi thực sự cảm động, tự hào. Cuốn sách này được viết, trước tiên là để cảm ơn những đồng đội đó.

- Cuốn sách là ký ức của ông về một khoảng thời gian khốc liệt. Đến nay, đại dịch vẫn ảnh hưởng mọi mặt đời sống. Ông muốn gửi thông điệp gì qua cuốn sách này?

- Những gì muốn gửi gắm về việc phòng chống dịch Covid-19, tôi đã rất nhiều lần tha thiết kêu gọi trên trang cá nhân, các báo, đài khi được phỏng vấn hoặc chính tôi chủ động viết. Xin nhắc lại ở đây hai điểm là hãy chích vaccine ngay khi có thể và lưu ý điều trị tối ưu bệnh nền đang có. Không có vaccine, chúng ta sẽ không thể nói đến một cuộc sống bình thường.

Như ở trang bìa của cuốn sách này, tôi không có chủ ý lập ngôn hay đưa ra thông điệp gửi gắm nào cả. Những gì cần nêu, tự mỗi bài viết trong sách đã nói. Cuốn sách này đơn giản chỉ là lời cảm ơn của tôi đối với đồng đội, đồng bào và với cuộc sống.

Nếu có chăng một ẩn ý gửi gắm nào thì đó là đại dịch đã cho chúng ta thấy được cuộc sống vốn có những khúc quanh bất ngờ bên vực thẳm tử sinh nên hãy trân quý; bảo vệ cuộc sống quý báu của chính mình và đồng loại bằng một lối sống tỉnh thức với chính mình, nhu hòa với mọi người và thuận thảo với đất trời, cây cỏ.

- Là bác sĩ, ông có gặp khó khi viết cuốn sách này? Ông lựa chọn văn phong nào để câu chuyện của mình đến gần với bạn đọc nhất?

- Tôi đã viết rất lâu trước khi trở thành thầy thuốc. Tôi không thấy việc viết lách của mình ảnh hưởng công việc chuyên môn như nhiều người vẫn e ngại. Dĩ nhiên, là người làm chuyên môn, tôi luôn ưu tiên vấn đề khoa học. Ngay cả trong bài giảng chuyên môn, tôi cũng gắng tạo cho mình một phong cách riêng, có lồng nghép lịch sử và văn hóa vào đó.

Thật ra, Y học ngày càng tiệm cận một khoa học chính xác nhưng đã, đang và sẽ không bao giờ nó thôi là một bộ môn nghệ thuật. Một nghệ thuật vị nhân sinh. Tôi chiêm nghiệm, lên men các ý tưởng và quan sát của mình để rồi đến một lúc nào đó khi thôi thúc đủ mạnh, tôi có thể viết nhanh trên máy tính hoặc thậm chí trên điện thoại. Có nhiều người ngạc nhiên khi đang ngồi uống cà phê với nhau thì một lúc tôi đã có một bài viết rồi.

Cuốn sách này khá mỏng, chỉ 206 trang, không phải chỉ gồm những bài viết ngay trong đỉnh dịch. Những lúc ấy, cảm xúc bạo liệt quá nên nếu viết, cơn bão ấy sẽ cuốn phăng người đọc.

Đa phần tản văn đều liên quan dịch, phần lớn được viết trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư này ở TP.HCM, nhưng vẫn có những bài viết trước khi tôi vào trận, thậm chí trước đó nữa, từ đầu năm 2020, lúc dịch đã bắt đầu tấn công đời sống của đồng bào mình.

Tôi không gặp khó khi chuyển tải các thuật ngữ y khoa thành ngôn ngữ bình dân cho đại chúng. Tôi ý thức xây dựng những ngăn ngôn ngữ riêng khi viết. Cái khó nhất trong cuốn sách này là làm sao làm dịu bớt những khốc liệt mà chúng tôi đối mặt để độc giả có thể ngồi lại trước trang sách.

Tôi quyết định không viết theo dạng nhật ký mà chỉ viết theo dạng tản văn; không đưa vào sách những chi tiết đau lòng, vốn có thể lấy nước mắt, kéo độc giả. Những khốc liệt ấy có thể sẽ phải được ủ hương thời gian và chờ xuất hiện trong thời gian sau này, khi vết thương tập thể đã lên da non. Chính vì vậy, những câu chuyện ở đây khá “dịu dàng” mặc dù được viết trong mắt bão Covid-19.

Những mô hình phòng, chống dịch Covid-19 của Đoàn Thanh niên

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh biên soạn cuốn sách "Một số mô hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả của Đoàn Thanh niên".

Sách ảnh về chống dịch đoạt giải thưởng thông tin đối ngoại

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á truyền tải thông điệp về tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của người dân Việt Nam qua cuốn "Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19".

Đỗ Thu

Bạn có thể quan tâm