Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bác sĩ Tường không hẳn là người có dã tâm'

Bác sĩ Tường dư sức để hiểu biết về cái gì nên và không nên làm. Nhưng ngay thời điểm quan trọng thì có thể chính sự khủng hoảng lấn áp, cộng với bản lĩnh không tốt nên ông không còn làm chủ hành vi của mình được nữa.

Khủng hoảng tâm lý dễ lấn át lý trí

Theo Tiến sĩ Tâm lý Ngô Xuân Điệp (trưởng bộ môn Tâm lý, trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM), khi rơi vào tình huống bất ngờ, ngoài dự tính như trường hợp bác sĩ Tường thì việc bệnh nhân chết sẽ tạo ra cú sốc rất lớn và có thể bản thân ông ta lại không có kinh nghiệm trong việc xử lý những chuyện như vậy. Thông thường theo lý thuyết của phân tâm học, trong lúc hoảng loạn, không tư duy được những cái mới, con người có xu hướng nghĩ đến giải quyết vấn đề theo cách là cố gắng giấu cái sai lầm của mình đi và không dám đối mặt. Đây là cơ chế phòng vệ bản năng của con người.

Bác sĩ Tường dư sức để hiểu biết về cái gì nên và không nên làm. Nhưng ngay thời điểm quan trọng thì có thể chính sự khủng hoảng lấn áp, cộng với bản lĩnh không tốt nên ông không còn làm chủ hành vi của mình được nữa.

Tiến sĩ Điệp nhấn mạnh, trong cuộc sống, có rất nhiều trường hợp bị sự khủng hoảng, sợ hãi che lấp hết lý trí, sự suy tính thiệt hơn, không còn tỉnh táo để tìm đến những cách giải quyết hay hơn mà thường tìm lại những cái cũ để áp dụng. Ví dụ như khi bạn làm mất đồ của ai đó, điều đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ hoảng loạn của bạn lúc đó là làm sao đừng để người kia biết. Sau đó, nếu bạn bình tâm suy nghĩ kĩ lại thì sẽ hiểu rằng mình đã làm một việc có lỗi và sẽ áy náy khi sự thật chưa được tiết lộ.

Thói quen che giấu sự thật, không dám nhận lỗi còn do ảnh hưởng của cách giáo dục. Hiện nay nhiều cha mẹ rất chiều chuộng con, khi con làm gì có lỗi thì thường bênh vực hoặc chịu trách nhiệm thay. Điều này đã tạo cho đứa trẻ thói quen không biết cách chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Chúng thường sẽ đổ lỗi cho người khác hoặc cố gắng che dấu sự thật bằng mọi cách, dù có phạm sai lầm nghiêm trọng.

Nên biết cách quản lý cảm xúc

Tiến sĩ Điệp nhấn mạnh rằng, xét về tâm lý, dù có tiếp cận bao lâu đi chăng nữa thì không ai có thể quen với việc chết người, kể cả bác sĩ có nhiều kinh nghiệm. Điều quan trọng là những người từng trải thì sẽ biết cách quản lý cảm xúc của mình để không bị xúc động mạnh mà dẫn đến hành động sai lầm.

Ở trường hợp của bác sĩ Tường, khi biết bệnh nhân chết là một chấn động mạnh và khả năng bị khủng hoảng còn cao hơn vì chỉ có ông ta thực hiện mọi khâu trong việc điều trị cho khách hàng nên nếu có chuyện xảy ra mình ông phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, ông ta cũng là người trực tiếp phải chịu sự trừng phạt trước pháp luật vì là chủ của một thẩm mỹ viện tư nhân nên gánh nặng tâm lý sẽ lớn hơn gấp nhiều lần. Những điều này đã khiến ông không đủ tỉnh táo để suy nghĩ thấu đáo, dẫn đến có hành vi sai phạm.

Lúc này, nếu ông Tường biết kiềm chế sự xúc động của mình, biết bình tĩnh để lý giải đúng sai hay thậm chí hỏi ý kiến của một ai đó có kinh nghiệm như người thầy, đồng nghiệp để đưa ra quyết định sáng suốt thì sẽ không có hành động vứt xác phi tang.

Tiến sĩ Điệp chia sẻ rằng để biết cách quản lý cảm xúc của mình thì mỗi người cần có sự trải nghiệm, đừng quá cầu toàn, sợ thất bại ngay từ nhỏ. Khi đã có kinh nghiệm với những thất bại, sự cố bạn sẽ bình tĩnh và suy nghĩ đúng đắn hơn về việc mình sẽ làm.

Ông Tường chưa hẳn là một người có dã tâm

Tiến sĩ Điệp cho rằng chỉ dựa vào hành vi phi tang xác chết không thể kết luận bác sĩ Tường là vô nhân tính, độc ác vì cần có một quá trình rất dài. Bởi vì hành động này có thể xuất phát từ sự mất tự chủ ngay tại thời điểm đó, lại rơi vào tình huống chưa xử lý bao giờ chứ không phải là vấn đề đạo đức.

Ngoài ra, ông Tường cũng hiểu rằng các nhân viên cũng biết sự việc bệnh nhân chết thì chắc chắn không thể nào mà giấu được. Nhưng chính sự khủng hoảng tâm lý quá lớn, cộng với một sự cố vượt quá dự tính nên khiến ông ta chỉ nghĩ làm sao để giấu chuyện này đi là được.

Cộng thêm đó là hành vi khai nhận ngay với cảnh sát về tội ác của mình cũng có thể thấy ông ta không phải là kẻ có dã tâm, độc ác. Vì có thể sau khi vứt xác thì ông đã thấy sai rồi và cảnh sát đến thì ông ta biết không thể chối được nên nói sự thật ra hết. Nếu 1 người phi nhân tính, xảo quyệt thì sẽ không phi tang xác chết mà có cách lấp liếm tinh xảo hơn để qua mắt công an điều tra hay kéo dài sự việc.

Tiến sĩ Điệp nhấn mạnh, qua sự việc này những người làm cha, làm mẹ hãy tập cho con thói quen chịu trách nhiệm, chấp nhận những sai lần. Nếu ngay từ nhỏ, trẻ được dạy nói xin lỗi khi làm sai, được phép tự quyết định và chịu trách nhiệm về hành vi đó thì dần dần sẽ có tính cách tốt. Không chỉ khi gặp chuyện lớn mà ngay cả những chuyện nhỏ như quên lời hứa, về muộn, đi trễ… đứa trẻ đó cũng sẽ hiểu mình đã làm gì sai và chịu trách nhiệm với nó.Nếu không đứa trẻ sẽ tập nói dối và lâu dần nó sẽ trở thành thói quen xấu, thậm chí là nguy hiểm nếu trẻ làm sai điều gì đó quá nghiêm trọng.

Theo Một Thế Giới

Bạn có thể quan tâm