Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác sĩ ở Mỹ: ‘Nhiều F0 nặng xin được tiêm vaccine nhưng đã quá muộn’

Trong các ca trực, Andy Little, bác sĩ khoa Cấp cứu tại Bệnh viện AdventHealth ở Florida, chứng kiến nhiều bệnh nhân Covid-19 hối hận vì từng phớt lờ vaccine, theo Newsweek.

Tuần đầu tiên của tháng 7, tôi không gặp bệnh nhân nào mắc Covid-19. Tôi và các đồng nghiệp hỏi nhau rằng có bao nhiêu người trong chúng tôi từng trải qua ca trực mà không tiếp nhận ai nhiễm nCoV.

Sang tuần thứ 2, chúng tôi bắt đầu thấy sự gia tăng ca mắc mới. Số trường hợp dương tính tăng từ 5% lên 15% trong tuần thứ 3. Tuần đó, tôi làm việc nhiều ca trong khu Chăm sóc tích cực (ICU) - nơi luôn trong tình trạng quá tải.

Nguồn lực thì có nhưng chúng tôi không đủ nhân lực.

F0 xin tiem vaccine nhung da qua muon anh 1

Các y tá chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong ICU tại trung tâm y tế ở thành phố San Jose, tiểu bang California tháng 5/2020. Ảnh: Justin Sullivan.

Hối hận vì phớt lờ vaccine

Tôi chuyển đến tiểu bang Florida vào đầu tháng 6 năm ngoái. Tới tháng 12, đợt bùng dịch thứ 2 bắt đầu. Rất nhiều bệnh nhân Covid-19 phải nằm ICU.

Tôi đã tiêm mũi vaccine Pfizer-BioNTech đầu tiên một tuần trước Giáng sinh. Đó là món quà tuyệt vời nhất tôi từng nhận được. Khi vaccine có sẵn ở Florida, đợt dịch kết thúc vào đầu năm nay.

Chúng tôi coi vaccine là chiến thắng lớn, như con đường dẫn đến thành công và dấu hiệu cho thấy tất cả có thể vượt qua dịch bệnh. Nhưng ở cuối đợt bùng dịch thứ 2, một số lượng lớn người dân ở Florida không tiêm vaccine vì nhiều lý do khác nhau.

Mục tiêu 70% người trưởng thành ở Mỹ được tiêm ít nhất một mũi vaccine sớm không thành hiện thực. Chỉ 60% người lớn ở Florida hiện được tiêm chủng đầy đủ .

Sau đó, đợt bùng dịch Covid-19 thứ 3 bắt đầu vào tháng 7 vừa qua. Mỗi ca, khoa cấp cứu tôi làm việc điều trị cho 6-7 bệnh nhân Covid-19 nặng và vài chục người mắc bệnh khác. Chúng tôi mệt mỏi về cả tinh thần và thể chất.

F0 xin tiem vaccine nhung da qua muon anh 2

Một trợ lý bác sĩ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Brooklyn. Ảnh: Victor J. Blue/New York Times.

Hiện tại, 93-95% bệnh nhân Covid-19 trong ICU của chúng tôi chưa tiêm vaccine. Số ít người đã được chủng ngừa nằm điều trị ở đó đều có nhiều bệnh nền, điển hình là bệnh phổi, tiểu đường hoặc ung thư.

Trong số hàng trăm bệnh nhân tôi phải đặt máy thở oxy hay nội khí quản, họ đều thất vọng vì không chịu tiêm chủng. Câu trả lời cho “Ông/bà tiêm phòng chưa?” luôn luôn là “Tôi đã không làm điều đó, thưa bác sĩ”.

Sự hối hận lộ rõ trên khuôn mặt và trong lời nói của họ. Tôi chưa gặp bệnh nhân nào vui mừng vì không tiêm chủng trước khi phải nhập viện.

Tôi từng gặp vài người phải đặt máy thông khí nhân tạo không xâm nhập để thở và hỏi họ đã tiêm chủng hay chưa. Sau câu trả lời “Chưa”, họ thều thào hỏi: “Giờ tôi tiêm vaccine có còn kịp không?”. Tôi giải thích đó không phải là cơ chế hoạt động của vaccine. Họ có thể tiêm chủng sau khi hồi phục. Thật khó khăn.

Mất người thân vì không tiêm vaccine

Đầu đại dịch Covid-19, tôi tiếp nhận một cặp vợ chồng và con gái của họ lần lượt vào ICU. Sau đó, tất cả đều qua đời trong vòng một tuần. Một gia đình đã bị xóa sổ bởi Covid-19.

Tôi từng nghĩ điều thương tâm như vậy sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Vaccine đã có, mọi người sẽ lựa chọn đúng đắn. Nhưng nó vẫn tiếp diễn.

Nhiều gia đình mất cả cha lẫn mẹ, con cái cũng phải giành giật sự sống. Tất cả đều nằm trong số người phớt lờ vaccine.

Không ít lần, tôi phải gọi FaceTime để thông báo với những đứa trẻ rằng cha mẹ chúng đang nguy kịch và hỏi gia đình có muốn đặt nội khí quản hay không. Khi các em hỏi làm thế nào để ngăn chặn điều tương tự xảy ra, tôi khuyên chúng đi tiêm vaccine, cách ly trong vài tuần, đeo khẩu trang và rửa tay khử khuẩn.

Nếu tiến triển tốt, những bệnh nhân này phải mất vài tuần mới có thể hồi phục. Covid-19 không phải căn bệnh xuất hiện trong cơ thể của ai đó trong ngày một, ngày hai.

F0 xin tiem vaccine nhung da qua muon anh 3

Bác sĩ Andy Little và vợ con. Anh đã trải qua 3 đợt bùng phát dịch trong năm qua. Ảnh: Andy Little.

Tôi thực sự chờ đợi ngày mà chúng tôi không có số ca mắc Covid-19 trung bình trong 3 ngày cao hơn mức của những hôm trước đó. Bởi số ca dương tính tăng lên sẽ kéo theo mức độ nghiêm trọng của dịch và trường hợp tử vong.

Hiện, tôi thấy khoảng 30% bệnh nhân đến phòng cấp cứu có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV, nhưng phần lớn chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ. Họ được cho về nhà tự cách ly, điều trị. Vaccine rõ ràng khiến các triệu chứng nhẹ hơn và giảm nguy cơ nhập viện, tử vong.

Vì vậy, để khống chế đợt dịch này, chúng ta cần kết hợp giữa tiêm chủng và thái độ đúng mực. Là một bác sĩ, tôi rất bực bội khi thấy mọi người phản ứng gay gắt về việc đeo khẩu trang hoặc bị yêu cầu giãn cách xã hội. Đó là những điều đơn giản giúp giảm số ca bệnh nặng và tử vong.

Tôi hiểu rằng tất cả đều mệt mỏi. Bác sĩ chúng tôi cũng kiệt sức. Nhưng chúng ta phải đồng lòng để đẩy lùi virus.

Đợt dịch thứ 3 này ở Florida đang trở nên tồi tệ hơn. Một người vẫn có thể mắc Covid-19 khi đã tiêm phòng, nhưng khả năng trở nặng, cần nhập viện và tử vong đều giảm đáng kể. Tôi nghĩ đó là điều có thể ngăn ngừa được. Cùng nhau, chúng ta có thể vượt qua đại dịch.

Biết tin vợ là F0, ông bố ở TP.HCM không cho con gái về nhà

Không muốn 2 con lây bệnh từ mẹ, bố chị H. một mình xoay xở để chăm sóc, đồng hành cùng vợ trong những ngày chống chọi với Covid-19.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm