Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bác sĩ gốc Việt - ngôi sao chống dịch tại thị trấn biên giới ở Mỹ

Điểm khám cuối ngày của bác sĩ Tien Vo là một phụ nữ 35 tuổi bị tiểu đường, hen, thấp khớp, và nay là Covid-19. Định cư ở vùng xa xôi này, ông trở thành “ngôi sao” của cộng đồng.

bac si goc Viet o My anh 1

Cũng như các nơi khác ở Mỹ, dịch Covid-19 đang lây lan ở đây. Virus đã giết chết cha của người phụ nữ 35 tuổi này, có tên Cynthia Reyes, chỉ 6 ngày trước. Con cả 15 tuổi của cô cũng vừa nhận tin nhiễm bệnh.

Nằm trên ghế ngả lưng cạnh giường, và phải dùng máy trợ thở, Cynthia Reyes nói cô không đứng dậy nổi. “Tôi không tự thở được, phải mất lâu mới có thể vào phòng vệ sinh. Tôi cảm giác mình sắp ngất”, cô nói.

Bác sĩ Vo nhắn tin với Reyes mỗi giờ, và hỏi thăm cô hàng ngày. “Tôi cố hết sức rồi, nhưng nhiều lúc, vẫn chẳng đủ”, bác sĩ Vo nói với AP sau khi rời đi.

Vùng bị “lãng quên” ở bang California

Cô Reyes sống tại hạt Imperial thường bị “lãng quên” ở bang California, vùng làm nghề nông, cạnh biên giới Mexico. Gần đây, hạt này có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao nhất của bang, và hai bệnh viện địa phương đã quá tải. Dân số đa phần là người gốc Nam Mỹ và thu nhập thấp - hai nhóm vốn chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ dịch bệnh, theo AP.

Tại đây, bác sĩ Vo như một “ngôi sao nhạc rock” vì cung cấp dịch vụ y tế, theo lời Alex Cardenas, cựu thị trưởng của El Centro, thủ phủ của hạt Imperial. Hai phòng khám của bác sĩ Vo đã tiến hành hơn 27.000 lượt xét nghiệm kể từ ngày 23/3, với tỷ lệ dương tính 25-30%.

Bác sĩ Vo, 43 tuổi, cũng như vợ của ông, một y tá, đều rời Việt Nam sang Mỹ khi còn ở tuổi thiếu niên. Họ chuyển từ New York sang một số nơi trước khi định cư ở hạt Imperial 10 năm trước. Bác sĩ Vo nói ông ở lại vì con người ở đây thân thiện và trân trọng ông. Ông thấy niềm vui trong đôi mắt khi họ chào ông.

“Họ rất cần một bác sĩ ở đây”, ông nói từ ghế trước của ôtô khi đang đi khám từ nhà này sang nhà khác. “Họ không quá khó tính, họ trò chuyện với tôi. Họ nhắn tin cho tôi mỗi ngày”.

Hạt Imperial bị ảnh hưởng khá nặng. Trung tâm y tế của khu vực đã quá tải. Lều được dựng nên ở bãi đỗ xe. Tình trạng thiếu hụt giường bệnh buộc nhiều bệnh nhân Covid-19 phải chuyển sang nơi khác ở California.

Đến nay, hạt Imperial có hơn 5.200 ca nhiễm trên mỗi 100.000 người, gần gấp ba lần hạt đang chịu tác động nặng nề là Los Angeles. Số người chết là 220 trên tổng dân số 180.000. San Francisco có dân số gấp 5 mà số người chết chỉ bằng 2/3.

Không có nguyên nhân cụ thể cho tình trạng này, nhưng hạt Imperial từ trước đã có một số khó khăn: sự bất bình đẳng, tỷ lệ thất nghiệp cao (27,3% vào tháng 6). Hạt Imperial có 85% là người gốc Nam Mỹ, vốn có tỷ lệ tiểu đường, béo phì cao hơn. Tỷ lệ đói nghèo 21% vào loại cao nhất ở California.

Chưa hết, hạt Imperial có sa mạc bao quanh ba bên. Lượng nước chảy về hồ Salton ở địa phương ngày càng ít, làm cá chết, đồng thời khiến bụi từ bờ của hồ bay lên và làm giảm chất lượng không khí, theo AP.

Ban ngày làm ở Mỹ, tối về ngủ ở Mexico

Dulce Garcia, 38 tuổi, lớn lên ở phía Mỹ, nhưng chuyển sang bên kia biên giới tới thành phố Mexicali (Mexico) 10 năm trước, sau khi chồng của cô bị Mỹ trục xuất. Cô vẫn đi sang bên kia biên giới để làm công việc y tá ở thành phố Calexico (của Mỹ). Bệnh viện của cô có khoảng 60 người khác cũng sống ở Mexicali như cô.

bac si goc Viet o My anh 8

Dulce Garcia cầm cốc cà phê khi qua biên giới từ Mexicali ở Mexico sang Calexico ở California ngày 22/7. Ảnh: AP.

Cô thuê phòng ở Calexico, ở cùng nhiều người phụ nữ khác, như vậy cho phép cô đăng ký hai con mình học ở trường công lập tại Calexico. Một số đêm cô ngủ ở phía Mỹ, nhưng thường thì cô trở về căn hộ của mình ở Mexicali. Chồng cô thường đón cô ở biên giới, lái xe 10 phút qua các khu phố đầy cây xanh và công viên để về tới nhà.

Cô Garcia, có quốc tịch Mỹ, cảm thấy không an tâm lắm khi sang bên phía Mỹ làm việc ở bệnh viện, tiếp xúc các ca nhiễm Covid-19. Nhưng cô cũng như nhiều người khác không có lựa chọn nào khác. Lương ở Mỹ khá nhiều so với chi phí ở Mexico, và bù được kha khá cho lương ít ỏi của chồng cô làm xây dựng ở Mexicali.

“Ai cũng sợ đại dịch, nhưng vẫn phải qua bên kia thôi”, Garcia nói với AP. “Phải nuôi mình chứ”.

Đến mùa thu hoạch, cô Garcia lại hòa vào một làn sóng người khác. Đó là hàng nghìn người làm nông sống ở Mexicali, xếp hàng vào nửa đêm ở biên giới để cùng sang phía Calexico. Các xe buýt sẽ đón và đưa họ đến các cánh đồng để thu hoạch các loại rau xà lách, hành, súp lơ, cà rốt, bắp cải, cần... Hạt Imperial là nơi sản xuất lượng lớn rau được bán ở các siêu thị Mỹ.

bac si goc Viet o My anh 11

Cô Dulce Garcia nhìn ra phố nhà mình ở Mexicali, Mexico. Ảnh: AP.

“Bác sĩ, cảm ơn những gì ông làm cho thung lũng”

Phòng khám của bác sĩ Vo ở bên ngoài khu trung tâm. Khi ông bắt đầu tổ chức “lái xe qua để xét nghiệm virus” vào tháng 3, bãi đỗ xe nhà ông nhanh chóng chật kín. Khi ông nhận người đến khám trực tiếp, hàng người đợi uốn quanh tòa nhà.

Bác sĩ Vo và vợ ông gặp nhau khi bà đang học đại học ở New York, còn ông đang làm bác sĩ thực tập. Họ thích sống tại đây cũng vì gần với Quận Cam ở Nam California, nơi tập trung đông người Việt nhập cư. Cả hai vợ chồng cũng lớn lên ở đó những năm 1990, và cha mẹ họ vẫn sống ở đó.

Một đêm gần đây, Cardenas, người cựu thị trưởng của El Centro - thủ phủ hạt Imperial, cùng bác sĩ Vo lái xe đi đưa cơm cho những người phải tự cách ly nhưng không có ai hỗ trợ.


Điểm đến đầu tiên là nhà của một người đàn ông 62 tuổi bị tiểu đường và hen.

Sau đó là ngôi nhà hai tầng của Judith Aguirre, 55 tuổi, bị bệnh tiểu đường, mà nhà có tới 7 người nhiễm virus corona. Bà Aguirre tin rằng chồng bà nhiễm virus từ trung tâm chạy thận vì nhiều bệnh nhân khác ở đó cũng nhiễm. Sau đấy đến lượt bà, con gái bà đang mang bầu, và 4 trên 8 người cháu cũng bị lây, vì ở cùng ngôi nhà có 5 phòng ngủ.

“Bác sĩ, chúng tôi thực sự rất cảm ơn những gì ông làm cho thung lũng này”, Aguirre nói, sau khi bác sĩ Vo đưa hộp thịt bò BBQ, mì macaroni cùng pho mai, bánh mì và cải trộn sốt. “Tôi nghe là ông cũng nhận điện vào giữa đêm. Ông còn đến tận nhà”.

Quay trở lại điểm đến cuối ngày của ông Vo, cô gái 35 tuổi Cynthia Reyes kể về người cha 69 tuổi vừa mất vì Covid-19, và nói ông là “một người đàn ông rất mạnh mẽ”.

“Tự nhiên, ông nhập viện và không thở được”, cô Reyes nói.

Một tuần sau đó, triệu chứng của cô Reyes đã cải thiện, nhưng cô vẫn phải được trợ thở và vẫn còn chặng đường hồi phục dài ở phía trước.

Cộng đồng người Việt ở Mỹ may khẩu trang tặng người nghèo Cộng đồng người Việt tại bang Utah (Mỹ) đã cùng nhau may 7.000 khẩu trang trong 10 ngày qua, nhằm phân phát giúp đỡ cho người gặp khó khăn trong dịch Covid-19.

Cộng đồng làm nail gốc Việt ở Mỹ đoàn kết sau câu nói của thống đốc

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như mọi ngành, các tiệm làm móng ở Mỹ, đa phần có chủ gốc Việt, còn bị mất uy tín nặng nề sau câu nói của thống đốc California.

Người dìu dắt các chủ nhà hàng Việt ở New York qua đời vì virus

Nguyễn Ánh Tuyết không phải một bếp trưởng, cũng không mở nhà hàng. Nhưng bà lại được nhớ đến như là một “người mẹ”, người dìu dắt các chủ nhà hàng Việt ở New York.

Trọng Thuấn

Theo AP

Bạn có thể quan tâm