Nằm trong con ngõ ở phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội), phòng khám Đông Hồ hầu như không lúc nào vắng người. Ở tuổi "thất thập cổ lai hy", bác sĩ Nguyễn Văn Chương tay vẫn thoăn thoắt với những cây kim, dò từng huyệt đạo bệnh nhân châm cứu.
Ông Nguyễn Hữu Liên (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), bệnh nhân đang phục hồi chức năng, cho hay, do mắc bệnh co thắt mạch vành nên ông được bác sĩ Chương thăm khám cẩn thận và liên tục dặn dò không gắng sức hay hoạt động mạnh. Ở tuổi gần 80 tuổi, ông Liên "chưa từng gặp bác sĩ nào nhiệt tình, tận tâm như bác sĩ Chương".
Trong khi đó, mắc chứng đau lưng do thời tiết, bà Nguyễn Thị Quang tới phòng nằm trong ngõ trị liệu đã 5 ngày nay. “Tôi vừa là bệnh nhân vừa là hàng xóm với cụ Chương. Sau ít ngày, tôi đã đỡ đau lưng hơn, đi lại được bình thường, thậm chí tập thể dục được”, bà phấn khởi.
Hơn 20 năm nay, bất kể ngày mưa hay nắng, phòng khám Đông Hồ vẫn luôn sáng đèn đón tiếp hàng nghìn bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chương dùng căn gác nhỏ tại nhà làm nơi khám chữa bệnh, chủ yếu cho người nghèo. Ảnh: Cường Ngô. |
Tóc đã bạc nhưng tiến sĩ y học Nguyễn Văn Chương vẫn tràn đầy nhiệt huyết khi nói về thời trẻ: “Đem lại sự sống cho người dân nghèo, chăm sóc sức khỏe cho mọi người là ước mơ từ khi tôi theo học trường y".
Cũng vì vậy, nhiều năm chứng kiến cảnh những người lao động vất vả, quá sức rồi bị tai nạn, bênh tật đeo bám, ông không đành lòng.
Sau khi nghỉ hưu, thay vì cộng tác với một số phòng khám tư nhân, ông đã quyết định mở phòng khám của riêng mình để thỏa ước nguyện. Đó cũng là lý do suốt hai mươi năm nay, ông không lấy tiền khám với bệnh nhân nghèo. Chi phí chữa bệnh cho công nhân và nông dân chỉ ở mức tối thiểu để duy trì hoạt động. Phòng khám tuy nhỏ, thiếu nhiều thiết bị hiện đại nhưng vẫn tấp nập bệnh nhân, trong đó có cả những người miền Trung, miền Nam.
Nhiều bệnh nhân có bảo hiểm y tế vẫn thường xuyên đến chỗ ông vì ở đây, bệnh nhân được coi như người nhà. Mọi thắc mắc đều được tư vấn và giải đáp tận tình. Bác sĩ còn chia sẻ phương pháp phòng bệnh, tự cấp cứu...
Bác sĩ Chương được người dân ở phố Thụy Khuê biết tiếng và gọi với cái tên thân mật: “Bác sĩ của lòng nhân ái”. Ảnh: Cường Ngô. |
Tại phòng khám Đông Hồ, bác sĩ Chương kết hợp nhiều phương pháp điều trị cho các trường hợp bị đau, liệt bằng các máy vật lý trị liệu, rung lắc cơ, tác động cột sống. Ông khẳng định, chữa bệnh phải tìm nguồn gốc thì mới khỏi; đồng thời giữ quan điểm hạn chế tối đa việc dùng thuốc.
Nhiều năm khám bệnh miễn phí, người dân ở phố Thụy Khuê đều biết tiếng, gọi ông với cái tên thân mật: “Bác sĩ của lòng nhân ái”.
Nói về vị lương y được nhiều người quý trọng, bà Hiền (Tổ phó khu dân cư nơi bác sĩ Chương sinh sống) tâm sự, bác sĩ Chương sống rất vui vẻ và nhiệt tình. "Dù cao tuổi nhưng ông ấy chẳng quản ngại gì mỗi khi có người cấp cứu. Còn ở phòng khám Đông Hồ, phải có tín nhiệm thì bệnh nhân xa gần mới đến đông thế chứ", bà cho hay.
Chia sẻ về chặng đường mấy chục năm qua, bác sĩ Chương cho hay, ông luôn cảm thấy tâm hồn thư thái, dù công việc hàng ngày bận rộn.
"Có ngày, một mình loay hoay với hơn chục bệnh nhận từ sáng đến tối nhưng tôi vẫn cảm thấy may mắn. May mắn vì mình còn sức khỏe để làm việc", ông cười.
Ngoài phòng khám ở Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Văn Chương đã cùng chung tay xây dựng “Phòng điều trị nghĩa tình” tại xã Thụy Hưng, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Ông cũng ủng hộ nhiều máy móc thiết bị phục vụ bệnh nhân cho các trạm y tế xã với mong muốn hệ thống trạm xá khu vực này sẽ có những bước cải tiến. Bên cạnh đó, bác sĩ Chương thường xuyên đưa nhiều bác sĩ về đây tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo.
Ông nhận được nhiều bằng bằng khen của Trung ương Hội Đông y Thành phố Hà Nội và Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Hà Nội về những đóng góp đối với cộng đồng.