Để đến được bệnh viện huyện sinh nở, sản phụ Vàng Thị Dâu (người dân tộc H'Mông, bản Sa Lú, xã Chiềng Khửa, Mộc Châu) phải vượt qua 40 km đường núi rừng, nên người phụ này quyết định vượt cạn tại nhà.
Thế nhưng, dù chuyển dạ và vỡ ối từ tối 27/7, tới tận 10h sáng hôm sau, 28/7, chị vẫn chưa sinh được con. Nhận thấy tình hình nguy kịch, người nhà chị Dâu lập tức gọi đường dây nóng bệnh viên đa khoa Mộc Châu.
Chia sẻ với Zing.vn, đại diện bệnh viện, bác sĩ Lương Thị Thanh Tuyền cho biết ngay khi nhận thông tin, chúng tôi tiên lượng nguy cơ tai biến sản khoa rất cao nên kíp cấp cứu của khoa Sản gồm bác sĩ Lường Thị Hằng, hộ sinh Lại Thị Thanh Tâm và lái xe lập tức lên đường đến nhà sản phụ.
Cùng lúc, các bác sĩ hướng dẫn người nhà chăm sóc người mẹ trong khi chờ bác sĩ đến. Đồng thời, gia đình cũng chủ động đưa sản phụ ra đường lớn bằng xe máy.
Sản phụ Vàng Thị Dâu được đỡ đẻ giữa đường. Ảnh: Facebook Dung Cry. |
"Sắp sinh mà đi xe máy đường đèo dốc sẽ khiến tình trạng sản phụ nguy kịch hơn. Khi gặp chúng tôi, chị Dâu đang quằn quại trong cơn chuyển dạ ngay vạt cỏ ven đường, cách nhà khoảng 10 km", bác sĩ Lường Thị Hằng kể.
Ban đầu, xe cấp cứu định đưa bệnh nhân về bệnh viện, nhưng sau khi thăm khám, nhận thấy tình hình có chuyển biến xấu, bác sĩ và y tá quyết định đỡ đẻ ngay trên băng ca tại chỗ, để cứu cả hai mẹ con.
Y tá Lại Thị Thanh Tâm cho biết lúc đó đã thấy phân su xanh kèm theo đầu em bé lọt thấp.
"Dù quy trình đỡ đẻ thành công nhưng bé mới chào đời tím tái, không khóc, phản xạ sơ sinh yếu. Chúng tôi lập tức phải tiến hành hồi sức mới nghe thấy tiếng khóc của con. Và phải đến khi bé dần hồi lại sau khi được thực hiện da kề da với mẹ, kíp cấp cứu mới thở phào nhẹ nhõm", nữ y tá nhớ lại.
Ngay sau đó, hai mẹ con được đưa về bệnh viện đa khoa Mộc Châu để chăm sóc sau sinh. Hiện tại, sức khỏe mẹ và bé đều ổn định.
Sức khỏe của mẹ và bé người Mông đã ổn định. Ảnh: Facebook Dung Cry. |
Đại diện bệnh viện cho biết kíp cấp cứu lưu động này mới được thành lập 1 năm và đây là ca đỡ đẻ ngoài đường đầu tiên. Ngoài khoa Sản, bệnh viện còn có các tổ cấp cứu Nội khoa, Ngoại khoa. Nhiều nhóm bác sĩ và y tá được phân công trực 24/24, sẵn sàng lên đường đến với bệnh nhân khi có tín hiệu cấp cứu.
"Tại một huyện miền núi như Mộc Châu, người dân đa số là đồng bào dân tộc sống xa trung tâm, do đường xá xôi, phong tục tập quán khác biệt, hạn chết hiểu biết về chăm sóc sức khỏe nên phần lớn ngại đến bệnh viện. Những trường hợp chủ động sinh con tại nhà dẫn đến băng huyết đã từng xảy ra", bác sĩ Tuyền chia sẻ