Ngày 29/3/2003, bác sĩ Carlo Urbani, người Italy, qua đời ở tuổi 46 vì dịch SARS - căn bệnh mà ông là người đầu tiên nhận diện Hội chứng hô hấp cấp nặng.
“Dù ra đi sớm, bác sĩ Carlo Urbani đã sống cuộc đời trọn vẹn. Nếu còn sống, ông ấy vẫn là đại diện mẫu mực cho sứ mệnh của WHO - bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an toàn cho thế giới và phục vụ những người yếu thế”, Tổ chức Y tế Thế giới tưởng niệm vị bác sĩ - anh hùng trong trận chiến chống dịch SARS.
Người đầu tiên nhận diện dịch SARS
Bác sĩ Carlo Urbani sinh ra ở Castelplanio, trong một gia đình trung lưu. Mẹ ông là hiệu trưởng trường tiểu học, từng làm thị trưởng. Cha ông dạy học tại Học viện Hải quân Thương mại Ancona.
Năm 1981, Carlo Urbani tốt nghiệp ngành Y, ĐH Ancona. 3 năm sau, ông nhận bằng cao hơn về bệnh truyền nhiễm rồi ở lại trường công tác. Từ năm 1990, ông làm việc tại Bệnh viện Macerata.
Sau một tháng tiếp xúc gần gũi để điều trị các bệnh nhân, bác sĩ Urbani lây nhiễm SARS và tử vong. Ảnh: Adriaeco. |
Đến năm 1993, bác sĩ Urbani bắt đầu làm các nhiệm vụ tạm thời của WHO ở Maldives, Mauritania và Guinea. Sau đó, ông gia nhập tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) Thụy Sĩ.
Năm 2000, ông nhận công việc ở WHO. Địa điểm làm việc lần này là Hà Nội. Ông trở thành chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho Lao, Campuchia và Việt Nam.
Ngày 28/2/2003, bác sĩ người Italy được mời đến Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) để khám cho doanh nhân người Mỹ Johnny Chen mắc chứng viêm phổi nặng. Ông nhanh chóng nhận ra điều bất thường và ngay lập tức gửi cảnh báo đến WHO, đồng thời cùng Bộ Y tế thúc đẩy việc lập hàng rào cách ly, ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.
Năm đó, dịch khởi phát ở Hong Kong, Trung Quốc, lan ra gần 40 nước nhưng mọi người nghĩ đó là cúm gia cầm. Người nhiễm bệnh suy hô hấp, suy phủ đa tạng trong thời gian ngắn và chết. Lời cảnh báo của bác sĩ Urbani khiến thế giới lâm vào hoảng sợ, nhưng nhờ đó, mọi người nhận thức đúng mức độ nguy hiểm và dồn lực, thực hiện đúng biện pháp chống SARS.
“Khi mọi người trong bệnh viện lo lắng, ông vẫn đến đó mỗi ngày, thu thập các mẫu, nói chuyện với nhân viên, tăng cường quy trình kiểm soát nhiễm trùng”, Pascale Brudon - đại diện WHO tại Việt Nam - phát biểu sau cái chết của bác sĩ Carlo Urbani.
Do tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân, ông cùng 80 nhân viên y tế khác nhiễm SARS từ Chen. Người này sau đó cũng qua đời vì dịch bệnh.
Ngày 11/3/2003, ông đến Thái Lan dự hội thảo khoa học. Xuống sân bay, ông phát hiện mình bị sốt. Là chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Urbani hiểu mình đã trở thành bệnh nhân SARS. Ông từ chối cái ôm của người bạn thân thiết đi cùng, tự đứng ra, bình tĩnh chờ xe cấp cứu đến.
18 ngày tiếp theo, bác sĩ người Italy bị cách ly, chống chọi với dịch bệnh. Vợ ông, bà Giuliani Chiorrini, dẫn 3 người con đến thăm chồng. Qua tấm cửa kính phòng cách ly, họ nhìn mặt nhau lần cuối. Ngày 29/3/2003, bác sĩ Carlo Urbani trút hơi thở cuối cùng. Lúc đó, ông mới 46 tuổi và con út của ông vừa lên 4.
Cái chết của ông không vô nghĩa. Trước khi mất, ông đề nghị các bác sĩ cắt lá phổi của mình làm tiêu bản nghiên cứu. Hai tuần sau khi ông qua đời, nhờ lá phổi đó, giới khoa học phát hiện virus corona và tìm ra cách khống chế đại dịch SARS.
“Cái chết là kết thúc mạch lạc và hùng hồn nhất của cuộc đời Carlo. Cái chết của ông mang lại sự sống cho người khác”, Nicoletta Dentico, đồng nghiệp cũ từ Tổ chức Bác sĩ không biên giới, nói.
Bác sĩ phải đến gần người bệnh
Thực tế, lúc nhận được lời mời đến khám cho bệnh nhân có triệu chứng viêm phổi nặng, Carlo Urbani hoàn toàn có quyền từ chối. Khi vợ ngăn cản, ông hỏi lại: “Nếu không thể làm việc trong những tình huống như vậy, tôi ở đây làm gì? Trả lời email, dự tiệc cocktail hay ký giấy tờ”.
Vì thế, ông đi gặp người bệnh nguy kịch, ở cạnh những bệnh nhân SARS, cùng họ chiến đấu với đại dịch và cuối cùng, cống hiến tính mạng mình cho sự nghiệp y học.
Với triết lý bác sĩ phải đến gần bệnh nhân, ông Urbani thường đến những vùng nghèo khó để cứu chữa người dân. Ảnh: WHO. |
Lựa chọn của ông là điều dễ hiểu, phù hợp với triết lý ngành Y của ông. Năm 1999, khi đại diện cho tổ chức Bác sĩ không biên giới nhận giải Nobel Hòa bình, ông khẳng định nhiệm vụ của bác sĩ là “đến gần người bệnh và bảo vệ quyền lợi của họ”.
“Bác sĩ có thể nghiên cứu dịch bệnh trên máy tính hoặc đến gặp bệnh nhân, xem nó ảnh hưởng tới họ thế nào. Carlo thuộc nhóm thứ hai”, bác sĩ William Claus - điều phối viên khẩn cấp của Bác sĩ không biên giới tại châu Á - nhận xét.
Ở Italy, bác sĩ Urbani thúc đẩy tổ chức này làm việc với những người nghèo nhất, dân du mục Rome, người chèo thuyền châu Phi và Albania cập bến ở Sicily, Calabria.
Năm 1995, ông đến Maldives với tư cách điều phối viên nhóm kiểm soát bệnh ký sinh trùng và vector của WHO ở Geneva. Tại đây, ông làm việc từ bình minh đến hoàng hôn, theo dõi dịch tễ học giun móc, đào tạo kỹ thuật viên phòng thí nghiệm cách kiểm tra giun.
Ở Mauritania, Carlo Urbani là người đầu tiên ghi nhận sự lây lan của Schistosoma mansoni - bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng hơn 200 triệu người trên toàn thế giới.
“Sự cống hiến và niềm đam mê của bác sĩ Urbani cho công việc y tế công cộng là điều tuyệt vời. Đó là lý do tại sao hành động vị tha của ông trong thời kỳ bùng phát dịch SARS không khiến đồng nghiệp ngạc nhiên”, trích bài tưởng niệm bác sĩ Carlo Urbani năm 2019 của WHO.
Đồng nghiệp, gia đình ông đều thấu hiểu điều đó. Vì vậy, sau cái chết của cha, Thomas, lúc đó mới 17 tuổi, trả lời phóng viên: “Con chắc chắn nếu thời gian quay lại, cha vẫn lựa chọn như vậy. Con hạnh phúc với những gì cha làm vì cha đã cứu sống rất nhiều người khác”.