Đường phố Delhi vốn được biết đến với sự ồn ào, đông đúc, náo nhiệt nhưng giờ đây chỉ còn lại sự im ắng đáng sợ, theo bác sĩ người Anh Meenal Vis.
“Tình cảnh ở Ấn Độ cứ như phim kinh dị vậy. Mọi người sẽ không thể biết điều gì sẽ xảy ra sắp tới”, bác sĩ Meenal Vis nói với Guardian.
Cần cộng đồng quốc tế chung tay trợ giúp
Bác sĩ Vis là một trong số những chuyên viên y tế gốc Ấn tại Anh đang vận động sự trợ giúp cho Ấn Độ, giữa lúc những người thân ở Ấn Độ của bà cũng đang vật lộn giữa sự gia tăng mất kiểm soát của các ca bệnh.
Những bác sĩ Anh tình nguyện tại Ấn Độ đã thành lập một trang web để gây quỹ hỗ trợ, bao gồm các thiết bị y tế thiết yếu. Họ nhấn mạnh vào sự kêu gọi phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Người dân nhận khí oxy khi đang ngồi trên xe kéo tại một phòng khám dã chiến tại Delhi. Ảnh: Getty Images. |
Bác sĩ Vis cho biết: “Tình hình ở Ấn Độ cho thấy chúng ta cần phải làm tất cả để bảo vệ bản thân và những người xung quanh".
Bà Vis là một thành viên của sáng kiến Liên Hợp Quốc mang tên Team Halo. Trong sáng kiến này, bác sĩ và nhà nghiên cứu tình nguyện làm các video TikTok nhằm nỗ lực làm sáng tỏ những vấn đề e ngại liên quan tới vaccine. “Khi tôi nói với các anh em họ (ở Ấn Độ) về tiêm vaccine, họ vẫn không tin tưởng và không sẵn sàng tiêm chủng”.
Nữ bác sĩ cũng cho biết thêm tình hình dịch bệnh đã khiến sự bất bình đẳng về y tế bộc lộ như một vấn đề toàn cầu. “Chúng tôi vẫn đang kết nối với các vùng khác trên thế giới và chúng tôi cần bảo vệ mọi người”.
Nỗi đau của những người bị đại dịch chia cách với người thân
Ajay Verma, 42 tuổi, bác sĩ cố vấn chuyên khoa dạ dày và ruột và vật lý trị liệu tại Bệnh viện công Kettering ở Anh, cũng chia sẻ sự long lắng về những người thân tại tâm dịch Ấn Độ. “Khoảng 40% lực lượng bác sĩ ở Anh là người gốc Á, rất nhiều bác sĩ tại đây đến từ Ấn Độ. Tôi sinh ra tại Anh nhưng cha mẹ tôi đến từ Ấn Độ, vì thế tất cả gia đình của mẹ tôi hiện đều ở Ấn Độ”, vị bác sĩ nói.
Theo lời bác sĩ Verma, gia đình ông ở Anh rất lo lắng khi xem tin tức về những điều đang diễn ra tại Ấn Độ. Việc phải ở xa những người ruột thịt vào thời điểm khó khăn này là rất đau lòng.
Bác sĩ Karan Rangarajan, 30 tuổi, một bác sĩ phẫu thuật tại NHS, cũng gặp khó khăn khi không thể thăm gia đình tại Ấn Độ. “Thông thường tôi sẽ tới Ấn Độ 2 đến 3 lần một năm trong các kỳ nghỉ phép nhưng suốt 18 tháng tôi đã không thể đến đó”.
Trong khi đó, gia đình ông Rangarajan ở Ấn Độ đang trải qua những ngày khốn khổ giữa làn sóng thứ hai tàn khốc của đại dịch, những việc nhỏ hàng ngày như đi mua sắm cũng gặp vô vàn trở ngại. Vị bác sĩ cho biết khi gọi điện về cho gia đình ông cố gắng không nói nhiều về tình trạng bệnh tật bởi cả nhà cũng đã nghe quá nhiều trên truyền thông.
“Rất nhiều người có thể kết luận những gì xảy ra ở Ấn Độ thật tồi tệ nhưng ít nhất nó mới chỉ đang ở Ấn Độ. Nếu chúng ta để dịch bệnh tiếp tục bùng nổ, cuối cùng nó sẽ lan ra các khu vực khác”, ông Rangarajan nói.
Những người tham gia lễ hỏa thiêu tại Ấn Độ phải đeo mặt nạ và đồ bảo hộ. Ảnh: The New York Times. |
Chintal Patel, một nhân viên tiếp thị, cho biết bác cô ấy ở Ấn Độ đã mắc Covid-19 và phải vào phòng chăm sóc đặc biệt vào tháng trước, song cả gia đình vẫn thấy may mắn vì ông đổ bệnh vào thời điểm đó.
“Chúng tôi may mắn khi người nhà mắc bệnh 3 tuần trước, điều này thật điên rồ nhưng việc bác tôi mắc bệnh lúc đó cũng giúp ông có cơ hội được chữa trị. Bác ấy đã ổn định và được về nhà. Nếu bác tôi mắc virus vào lúc này, tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nữa. Chuyện sẽ rất tệ”, Chintal Patel chia sẻ.
“Hãy nhớ đây là một vấn đề toàn cầu và dịch bệnh toàn cầu. Vì thế nó cần nỗ lực toàn cầu để giải quyết và chúng ta cần đồng hành cùng nhau trên khắp thế giới”, cô nhấn mạnh.