Bác sĩ Pratik Mammode dành phần lớn thời gian trong năm nay cho cuộc chiến chống Covid-19 ở Ấn Độ. Bác sĩ nội trú 26 tuổi mặc đồ bảo hộ cá nhân suốt 12 tiếng một ngày, từ ngày này sang ngày khác để làm việc tại một bệnh viện 1.500 giường ở thủ đô Delhi. Anh không thể quên mình đã đổ mồ hôi, nước mắt như thế nào trong gần 4 tháng qua.
Bác sĩ Mammode đã trải qua những khó khăn ấy với tâm thế sẵn sàng. Anh từng thực tập tại cơ sở y tế 8.000 giường bệnh ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc và tốt nghiệp 6 năm y khoa tại Đại học Trịnh Châu.
Thế nhưng, làm việc ở tuyến đầu chống Covid-19 không phải nhiệm vụ duy nhất với một người từng học ở Trung Quốc như bác sĩ Mammode. Anh đang huấn luyện cho các sinh viên y Ấn Độ đã tốt nghiệp ở Trung Quốc để giúp họ vượt qua một trong những kỳ thi khó nhất ở Ấn Độ - Kiểm tra Tốt nghiệp Y khoa Nước ngoài (FMGE).
Các sinh viên y tốt nghiệp ở nước ngoài biểu tình đòi giảm điểm chuẩn FMGE bên ngoài trụ sở Bộ Y tế ở Jaipur, Rajasthan, Ấn Độ. Ảnh: South China Morning Post. |
FMGE là kỳ thi kiểm tra năng lực bắt buộc do Hội đồng Y khoa Ấn Độ đặt ra cho sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài để được hành nghề ở Ấn Độ. Từ năm 2015 đến 2018, chưa đến 12% sinh viên Ấn Độ học ở Trung Quốc vượt qua được kỳ thi này. Bác sĩ Mammode là một trong số này. Anh trả lời đúng 174/300 câu hỏi. Một người bạn cùng lứa ở Đại học Trịnh Châu của anh kém may mắn hơn và năm nay đã thi lần thứ 4.
Trung bình, mỗi năm có khoảng 7.000-8.000 sinh viên Ấn Độ sang Trung Quốc học y. Tuy nhiên, một tỷ lệ lớn trong số họ không thể hành nghề khi quay lại Ấn Độ. Trong năm nay, khi số ca mắc Covid-19 vượt 4.000, các bệnh viện phải kêu gọi y bác sĩ giúp sức thì hàng nghìn sinh viên y trở về từ Trung Quốc vẫn ngồi nhàn rỗi ở nhà, theo South China Morning Post.
"Sản phẩm của Trung Quốc"
Trong bối cảnh căng thẳng Ấn - Trung gia tăng, thái độ chống Trung Quốc càng lan rộng ở Ấn Độ và những sinh viên du học Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Nhiều người nói rằng họ bị xúc phạm là “China ka maal” (sản phẩm của Trung Quốc).
“Chắc chắn, trong đại dịch, chính phủ hoàn toàn có thể sử dụng quyền hạn khẩn cấp để huy động các sinh viên đã tốt nghiệp ở nước ngoài. Nhưng ngay cả khi đó, tình hình vẫn phức tạp vì mỗi tiểu bang sẽ có quyết định riêng. Một vấn đề nữa là kỳ thi FMGE không bắt buộc đối với tất cả quốc gia”, giáo sư Rama V Baru từ Đại học Jawaharlal Nehru ở Delhi nói.
Sinh viên lấy bằng ở Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada không cần phải thi chứng chỉ này.
“Tôi cảm thấy có một nỗ lực cấp độ hệ thống để loại bỏ các sinh viên y khoa tốt nghiệp ở một số nước. Nếu họ đang thương mại hóa giáo dục y tế, thì tại sao lại có sự phân biệt đó. Điều gì khiến họ cho rằng một số trường đại học ở bang Tamil Nadu đào tạo tốt hơn Đại học Y khoa Vũ Hán?”, bà Baru nói tiếp.
Đề thi khó nhằn
Nhiều sinh viên đánh giá kỳ thi FMGE năm nay khó hơn hẳn, đến nỗi hàng chục người đã ngồi trước trụ sở Hội đồng Y khoa Ấn Độ ở Delhi hôm 3/9 để biểu tình trong lặng lẽ. Kết quả công bố hôm 12/9 cho thấy chỉ có 1.697/17.789 người đỗ.
“Tôi không thể tin được! Đề thi còn khó hơn kỳ thi sau đại học”, Asad, sinh viên từ Delhi, người tốt nghiệp Đại học Y khoa Bang Kazan của Nga vào tháng 6/2019, nói về kỳ thi hôm 31/8. “Họ hỏi những câu dài 5 dòng mà chỉ có 1 phút để trả lời. Sau khi thi, tôi thực sự rất chán nản”.
Đồng nghiệp của bác sĩ Mammode, người dự thi lần thứ tư, nhận xét đề thi khó hơn bình thường và toàn bộ dạng câu hỏi đã thay đổi.
Trung tâm đào tạo kỹ năng lâm sàng tại Đại học Trịnh Châu. Ảnh: Saumyajit Bhaduri. |
“Họ đã làm khó chúng tôi quá! Ai nấy bước ra khỏi phòng thi của tôi đều trông rất thất thểu”.
Trên khắp đất nước, các nhóm sinh viên tốt nghiệp ngành y ở nước ngoài tổ chức các cuộc biểu tình để kiến nghị Hội đồng Y khoa giảm điểm chuẩn của FMGE. Đại diện các nhóm biểu tình ở Delhi chỉ ra rằng nếu chính phủ giảm điểm chuẩn của các kỳ thi năm 2019, 2020 thì Ấn Độ đã có thêm 30.000 bác sĩ.