- Từ ngày 29/4 đến 7/5, Việt Nam có 121 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) liên tục xuất hiện ca nhiễm mới.
- Dịch xuất hiện trở lại tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương, Yên Bái, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TP.HCM...
-
Hải Phòng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết
Ngày 7/5, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng ký văn bản hỏa tốc chỉ đạo tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, UBND thành phố nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay có diễn biến hết sức phức tạp. Một số tỉnh giáp ranh với Hải Phòng có ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Vì thế, Chủ tịch Hải Phòng yêu cầu mọi người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Người dân giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc. Thành phố yêu cầu không tổ chức ăn, uống tập thể (đám hiếu, đám hỷ, tiệc liên hoan, tân gia…) tập trung quá 30 người; khuyến khích người dân tổ chức đơn giản, ít người tham dự.
UBND TP cũng giao UBND quận Lê Chân chỉ đạo dừng hoạt động chợ Hàng.
Chính quyền Hải Phòng cho phép học sinh mầm non, tiểu học trên địa bàn tạm nghỉ từ ngày 10/5 cho tới khi có thông báo mới.
UBND TP Hải Phòng chỉ đạo thành lập 7 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 liên ngành tại các cửa ngõ ra, vào thành phố bằng đường bộ. Ảnh: Nguyễn Dương.
-
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: 2 điểm phức tạp của đợt dịch Covid-14 thứ 4
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chiều 7/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin trong tuần vừa qua, số ca mắc và tử vong do dịch Covid-19 trên thế giới đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, các nước Châu Á, đặc biệt các nước lân cận Việt Nam có diễn biến dịch ngày càng phức tạp.
Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 nhấn mạnh đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam có 2 điểm phức tạp hơn những lần trước đây. Cụ thể, một số ổ dịch trên cả nước chưa xác định được nguồn lây như tại Đà Nẵng, Hải Dương và Hà Nội.
"Ổ dịch tại Bệnh viện K cơ bản lây nhiễm từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tuy nhiên, một số ca tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chưa rõ nguồn lây cho thấy mầm bệnh đã có trong cộng đồng", ông Vũ Đức Đam dẫn chứng.
Điểm phức tạp thứ 2 được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu là hiện tượng dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh còn lỗ hổng trong việc kiểm soát người nhập cảnh trái phép, chủng virus SARS-CoV-2 từ Ấn Độ lây lan nhanh hơn.
"Tinh thần chung đã quán triệt là các tỉnh, thành chưa có dịch cần hết sức cảnh giác. Các địa phương chưa có dịch hay có dịch đều phải tránh lơ là hay hoảng loạn, cực đoan trong các quyết sách", ông Vũ Đức Đam lưu ý.
-
Phú Thọ cho học sinh nghỉ học từ 7/5
Từ ngày 7/5, TP Việt Trì (Phú Thọ) sẽ dừng toàn bộ hoạt động của các nhà hàng, quán ăn; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, đám cưới… Phú Thọ cũng kích hoạt ngay Bệnh viện dã chiến tại Trung đoàn 753 với quy mô giai đoạn một là 30 giường bệnh từ 13h ngày 7/5.
Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ ban hành văn bản yêu cầu các phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường mầm non, các nhóm trẻ cho học sinh nghỉ học từ ngày 7/5 cho đến khi có thông báo mới.
Phú Thọ ghi nhận 1 ca mắc Covid-19 liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh minh họa: Việt Linh.
Theo báo cáo của Sở Y tế Phú Thọ, trường hợp dương tính với SARD-COV-2 vừa được ghi nhận là chị L.T.K.D. (khu 2, xã Kim Đức, TP Việt Trì). Bệnh nhân là công nhân Công ty TNHH Công nghệ Namuga Phú Thọ (KCN Thụy Vân, TP Việt Trì).
Chị D. có tiền sử dịch tễ liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2 Đông Anh). Sở Y tế đã truy vết được 20 F1, gồm 3 người thân trong gia đình và 17 người làm cùng tổ tại Công ty TNHH Namuga Phú Thọ. Ngoài ra, còn có 196 F2 được phát hiện. Cơ quan chức năng tiếp tục truy vết các trường hợp liên quan.
Sau khi tiếp nhận thông tin, BQL các Khu công nghiệp tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH Namuga Phú Thọ phong tỏa ngay dây chuyền làm việc của chị D. và phun khử khuẩn toàn bộ công ty. Hiện, Trung tâm Y tế TP Việt Trì và CDC Phú Thọ đang lấy mẫu xét nghiệm cho 700 công nhân cùng ca làm việc với bệnh nhân.
-
Thủ tướng: Một người lơ là, cả xã hội vất vả
Chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 chiều 7/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình. Về việc dịch lan rộng ra nhiều tỉnh thành thời gian qua, Thủ tướng nhận định nguyên nhân cơ bản là do sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác của nhiều địa phương.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương tránh hai khuynh hướng: lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; và hốt hoảng, sợ sệt, mất bình tĩnh. Ông đề nghị trong thời điểm càng khó khăn, các địa phương cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, thông minh, sáng suốt, nắm chắc tình hình và lựa chọn phương án phù hợp. Nhiệm vụ đặt ra là vừa đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa chống dịch, khắc phục hậu quả.
Ông cũng nhắc nhở các cơ quan tổ chức bầu cử an toàn chống dịch, ổn định nhưng dân chủ, công khai, minh bạch. Việc học tập của học sinh, sinh viên cũng cần được đảm bảo. Cuối cùng là công tác truyền thông phải lưu ý đưa tin khách quan, tạo hiệu ứng lan tỏa để người dân chung sức chung lòng vào cuộc chống dịch.
"Qua kinh nghiệm vừa rồi cho thấy dù cố gắng như vậy nhưng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác một tí là trả giá đắt. Một người lơ là, cả xã hội vất vả", Thủ tướng quán triệt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại buổi họp. Ảnh: VGP.
-
'Xử nghiêm các trường hợp vi phạm, kể cả cán bộ, công chức'
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định thời gian qua đã nổi lên 2 vấn đề.
Thứ nhất là xuất nhập cảnh trái phép và quản lý cư trú trái phép. Ông đề nghị Bộ Công an rà soát, kiểm điểm, đánh giá, quản lý tình trạng này. Đặc biệt, hệ thống chính trị cần phát huy sức mạnh nhân dân trong giám sát.
Thứ hai, Thủ tướng nhận định khâu tổ chức thực hiện còn yếu, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Ông nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo là tăng cường kiểm soát chặt chẽ cơ sở, quy trách nhiệm cho cơ sở nếu không làm tốt. Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc chống dịch, bao gồm cả Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, công an cơ sở, dân quân tự vệ.
"Xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm, kể cả với cán bộ, công chức. Được giao trách nhiệm, được giao quyền sử dụng công cụ Nhà nước mà không làm thì ai làm? Ai không làm thì đứng ra một bên. Cái gì đúng thì động viên, cái gì chưa làm được phải cố gắng khắc phục, truy cứu trách nhiệm", ông nghiêm khắc quán triệt.
Thủ tướng nhận định tăng cường kỷ luật cũng là một biện pháp chống dịch để đạt được mục tiêu cao nhất là khắc phục hậu quả dịch, đảm bảo an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; đồng thời, thực hiện mục tiêu kép.
-
Công nhân ở Vĩnh Phúc đòi nghỉ việc vì lo sợ dịch bệnh
Ngày 7/5, mạng xã hội lan truyền hình ảnh công nhân Công ty Lợi Tín (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) tập trung đòi nghỉ việc sau khi biết tin có trường hợp F1 tại công ty.
Trong bài đăng về vụ việc, một số công nhân bức xúc cho rằng doanh nghiệp đang có nhiều đơn hàng nên không muốn cho nghỉ, sợ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất.
Trao đổi với Zing chiều 7/5, ông Hà Đình Nhã, Bí thư Huyện ủy Lập Thạch, cho biết trường hợp F1 tại công ty này này đã được đưa đi cách ly tập trung cách đây 3 ngày. Công ty xác định toàn bộ công nhân làm chung phân xưởng với F1 là F2 nên đã cho nghỉ việc để cách ly tại nhà.
"Sáng nay, một số công nhân ở các phân xưởng còn lại có ý kiến cho rằng mình cũng bị ảnh hưởng sức khỏe. Một số người hô hào, gửi văn bản đề nghị chủ doanh nghiệp cho nghỉ việc và phải trả lương 70%", ông Nhã thông tin.
Công nhân đến làm việc tại ty Lợi Tín Lập Thạch sáng 6/5. Ảnh: N.A.
Sau khi nắm thông tin, UBND huyện cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu doanh nghiệp cho kê khai y tế với 100% công nhân.
Bí thư Huyện ủy yêu cầu nếu có trường hợp nào là F2, dù gặp F1 ở bên trong hay ngoài công xưởng, cũng sẽ phải cách ly tại nhà và được hưởng 70% lương theo quy định.
Ông Nhã cho biết những trường hợp từ F3 trở lên thì theo quy định không phải cách ly.
"Với những trường hợp F3 cảm thấy có nguy cơ về sức khỏe, muốn xin nghỉ thì chúng tôi đề nghị doanh nghiệp cho nghỉ. Phía doanh nghiệp cũng đã đồng ý cho nghỉ những trường hợp này, nhưng sẽ không trả 70% lương", lãnh đạo huyện ủy Lập Thạch cho biết.
-
Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh dừng cấp căn cước gắn chip để phòng Covid-19
Chiều 7/5, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết sau khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai kế hoạch cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip nhưng yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng, chống dịch.
Theo tướng Xô, đối với những địa bàn có ca mắc Covid-19, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính đã tạm dừng thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước. Các công việc sẽ tiếp tục sau khi dịch ổn định hơn.
Với các địa phương khác, cơ quan chức năng vẫn tiến hành cấp, đổi CCCD gắn chip. Tuy nhiên, mọi người đến làm thủ tục sẽ được cảnh sát hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch và đảm bảo khoảng cách an toàn với người bên cạnh. Người dân phải thường xuyên đeo khẩu trang, chỉ tạm bỏ ra khi chụp ảnh chân dung.
Trước đó, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh và một số địa phương đã tạm dừng làm căn cước công dân gắn chip tại các điểm có ca mắc Covid-19 để phòng, chống dịch.
Nhiều nơi tiếp tục cấp thẻ căn cước nhưng phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch. Ảnh: Phạm Ngôn.
-
Cấm đường 416 ở Sơn Tây để cách ly, xử lý dịch
Liên quan đến ca mắc Covid-19 là Trưởng khoa Nội tiết tại Bệnh viện Quân y 105, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa thông báo cấm đường trên đường 416 (Kim Sơn) để phục vụ cách ly, xử lý dịch.
Theo đó, Sở GTVT cấm các phương tiện đường bộ lưu thông trên đường 416 (Kim Sơn), đoạn từ Km0 đến Km0+350 (từ số nhà 1 đến 89 phố Sơn Lộc thuộc tổ dân phố số 8, phường Trung Sơn Trầm và từ số nhà 2 đến 70 phố Sơn Lộc thuộc tổ dân phố số 7, phường Sơn Lộc, Thị xã Sơn Tây).
Cơ quan này hướng dẫn các phương tiện đi theo hướng quốc lộ 21 - ngã tư Bệnh viện 105 - đường 414 (87A) - đường Tản Lĩnh - Yên Bài - đường 416 và ngược lại. Thời gian cấm đường kéo dài đến khi UBND Thị xã Sơn Tây và các cơ quan liên quan thông báo hết dịch bệnh theo quy định.
-
Đề xuất mở thêm khu cách ly tập trung ở Hà Nội
Chiều 7/5, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế, thông tin đơn vị đã ghi nhận thêm một trường hợp nhiễm nCoV tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, nâng tổng số ca mắc lên 11 người.
Với 11 trường hợp F0, lãnh đạo Sở Y tế cho biết đã ghi nhận 169 trường hợp F1 với 57 bệnh nhân, 44 người nhà và 68 nhân viên y tế. Số F1 này đã được đưa đi cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Sở Y tế đề nghị UBND huyện Thanh Trì tiếp tục rà soát, đảm bảo tuyệt đối an toàn công tác cách ly, phong tỏa tại đây.
Quân đội khử khuẩn tại Bệnh viện K Tân Triều vào chiều 7/5. Ảnh: Việt Linh.
Nói thêm về ổ dịch tại Bệnh viện K, bà Hà cho rằng tình hình đang rất phức tạp và khó lường. "Nếu như hôm qua chúng ta vừa phải đối mặt với ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thì nay đã thêm một bệnh viện nữa bị tấn công", bà Hà nói.
Sở Y tế nhận định số ca mắc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới với nguy cơ từ biến chủng virus có khả năng lây lan mạnh cộng với số mầm bệnh trong cộng đồng vẫn còn khá lớn.
Sở Y tế đề xuất mở thêm các cơ sở cách ly tập trung tại Bệnh viện dã chiến Mê Linh và Trường Quân sự Sơn Tây, làm sao đảm bảo được nơi cách ly cho 15.000 F1 trong thời gian tới.
-
Tạm dừng chạy tàu từ Hà Nội đi Lào Cai
Ngày 7/5, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết để phòng chống và hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 trong cộng đồng, công ty này tạm ngừng chạy tàu trên tuyến Hà Nội - Lào Cai.
Cụ thể, tuyến Hà Nội - Lào Cai sẽ tạm dừng chạy tàu khách số hiệu SP3 từ ngày 7/5; tạm dừng chạy tàu khách số hiệu SP4 từ ngày 9/5. Với việc tạm ngừng chạy 2 đoàn tàu này, tuyến Hà Nội - Lào Cai tạm dừng chạy tàu khách hoàn toàn.
Theo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, từ tháng 2/2020, đơn vị đã phải tạm dừng đôi tàu SP1, SP2 chạy trên tuyến do dịch Covid-19 nên khách đi tàu giảm sút.
Trước đó, ca mắc Covid-19 người Đà Nẵng từng đi tham quan nhiều điểm ở Sa Pa trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Lào Cai đã tiến hành phong tỏa các địa điểm liên quan đến ca bệnh này, đồng thời truy vết được 91 F1 của bệnh nhân. Các trường hợp này đã được cách ly và có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2.
-
TP.HCM tìm người đến quán ăn ở quận Gò Vấp
Tối 7/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM kêu gọi người từng đến quán nướng ngói Bảo Lộc, 160 đường Phạm Văn Đồng, phường 3, quận Gò Vấp, lúc 18h45 đến 20h30 ngày 4/5 tự theo dõi sức khỏe cá nhân, khai báo với cơ sở y tế khi có triệu chứng hô hấp.
Đây là thời gian và địa điểm trường hợp tái dương tính virus SARS-CoV-2 ngụ trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM, từng ghé tới.
Cũng liên quan đến ca tái dương tính này, phường 11 (quận 5, TP.HCM) mới phát thông báo kêu gọi người từng đi tới siêu thị Bách Hóa Xanh (290 Trần Hưng Đạo) và phòng gym (131, Triệu Quang Phục) đến cơ sở y tế gần nhất. Tại quận 4, lực lượng chức năng cũng căng dây, hạn chế ra vào đối với một nhà hàng trên đường 48.
Lực lượng chức năng phun khử khuẩn tại chợ ẩm thực Hồ Thị Kỷ, do đây là nơi ca tái dương tính từng ghé tới. Ảnh: Chí Hùng.
-
Bệnh nhân mắc Covid-19 đến nhiều địa điểm ở Huế
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế, bệnh nhân 3086 ở Đà Nẵng có đến nhiều địa điểm ở Huế. Theo lịch sử dịch tễ, bệnh nhân liên quan đến ổ dịch ở Bar Phương Đông (Đà Nẵng). Người này ra Huế 2 ngày và đến nhiều địa điểm.
Khoảng 15h ngày 24/4, bệnh nhân lưu trú tại khách sạn ÊMM ở 15 Lý Thường Kiệt, TP Huế. Tối cùng ngày, người này đi ăn bánh canh quán Bà Đợi ở 1 Dương Văn An; ghé ăn vặt ở số 7 Nguyễn Huệ và quán chè hẻm ở đường Hùng Vương, TP Huế.
Đến 20h, bệnh nhân đi thuyền rồng Sông Hương, sau đó về lại khách sạn ÊMM nghỉ đêm.
Ngày 25/4, bệnh nhân ăn sáng ở quán bà Loan, đường Phan Chu Trinh. Đến 9h, người này đi chợ Đông Ba, sau đó có ăn bún cô Hồng ở chợ;
Đến trưa, BN3086 di chuyển về Đà Nẵng, trên đường đi có ghé quán Gái Đẵng ở huyện Phú Lộc ăn trưa lúc 13h.
Qua truy vết, lực lượng chức năng thống kê có 35 F1, 101 F2. Các địa điểm ca bệnh ghé đến đã được phun xử lý môi trường.
-
Hải Phòng phong tỏa quán karaoke có nữ nhân viên mắc Covid-19
Chiều tối 7/5, cơ quan chức năng TP Hải Phòng tổ chức phong tỏa, tiến hành phun khử khuẩn quán karaoke New KTV, có địa chỉ ở lô 16, đường Lê Hồng Phong, phường Đằng Lâm, quận Hải An, Hải Phòng.
Đây là một cơ sở kinh doanh karaoke có tiếng ở Hải Phòng. Cơ sở này bị phong tỏa liên quan cô gái mắc Covid-19 tên N.T.T. (21 tuổi, trú xã Tân Tiến, huyện Gia Lộc, Hải Dương), bạn của bệnh nhân số 3051 (Đ.D.T., 32 tuổi, quê huyện Cẩm Giàng, Hải Dương).
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hải Dương, cô gái này từng bắt taxi từ Hải Dương xuống Hải Phòng và ở khách sạn Blue Sea cùng bệnh nhân 3051.
Kết quả truy vết xác định cô gái này làm việc, phục vụ rót bia tại quán New KTV Hải Phòng và có di chuyển đi nhiều nơi khác ở thành phố.
Theo khai báo trước đó, khoảng 16h ngày 27/4, chị T. đi taxi (không nhớ hãng xe) từ đầu ngõ 107 Vũ Hựu đến khách sạn Blue Sea (Hải Phòng) ở cùng bệnh nhân Đ.D.T. đến chiều 4/5. Bệnh nhân Đ.D.T. là người được xác định mắc Covid-19 vào ngày 6/5 và chưa xác định được nguồn lây.
Lực lượng chức năng căng dây, cắm biển phong tỏa quán New KTV. Ảnh: H.P.
-
Bắc Ninh xét nghiệm cho gần 15.000 dân ngay trong đêm
Tính đến 17h ngày 7/5, Bắc Ninh ghi nhận thêm 14 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh lên 29 ca. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang hết sức phức tạp.
Đặc biệt tại xã Mão Điền (huyện Thuận Thành) đã có 20 ca dương tính với SARS-CoV-2, đều có liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành địa phương thần tốc truy vết đối với các trường hợp F1, F2, F3 và xét nghiệm diện rộng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngay trong đêm 7/5, Sở Y tế Bắc Ninh sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 15.000 nhân khẩu của xã Mão Điền.
-
Hải Dương tạm đóng cửa nhiều dịch vụ từ 0h ngày 8/5
Ngày 7/5, UBND tỉnh Hải Dương đưa ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm tăng cường phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, kể từ 0h ngày 8/5, tỉnh này tạm dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Chính quyền yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng; khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế. Các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, sát trùng tay, ngồi giãn cách, thực hiện giám sát về y tế.
Từ ngày 29/4 đến nay, Hải Dương ghi nhận 3 ca mắc Covid-19. Ảnh: Thạch Thảo.
Hải Dương tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, văn hóa thể thao, giải trí tại các địa điểm tập trung từ 20 người trở lên. Tỉnh này cũng tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, gồm: khu di tích, khu vui chơi, giải trí, giải thi đấu thể thao, phòng tập gym, yoga, cơ sở làm đẹp, gội đầu, karaoke, phòng trà, phòng hát giao lưu văn nghệ, bar, vũ trường, rạp chiếu phim....
Chính quyền Hải Dương sẽ vận động nhân dân tạm dừng tổ chức đám cưới, tổ chức đám tang nhanh gọn; nhà hàng, quán ăn không phục vụ tại chỗ. Ngoài ra, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo thẩm quyền quyết định các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác cần tạm dừng hoạt động.
-
Phú Thọ xét nghiệm xuyên đêm cho 2.000 công nhân
Tối 7/5, Sở Y tế Phú Thọ cho biết đơn vị này sẽ làm xuyên đêm để lấy mẫu xét nghiệm cho trên 2.000 công nhân thuộc Công ty TNHH Namuga (KCN Thuỵ Vân, TP Việt Trì). Trước đó, một nữ công nhân làm việc tại đây đã được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Qua điều tra, truy vết sơ bộ, ngành chức năng địa phương xác định hiện có 29F1, 199 F2 liên quan đến trường hợp chị D. Các trường hợp F1, F2, F3 khác đang tiếp tục được truy vết.
Ảnh: Sở Y tế Phú Thọ.