Báo Tri thức xin trích đăng bài viết Bác Hồ với ông vua H'mông ở Đồng Văn của tác giả Nguyễn Tuấn Liêu - trong cuốn Hồ Chí Minh - Người mang lại ánh sáng do NXB Thời đại và tạp chí Xưa & Nay phát hành vào năm 2011.
Đồng Văn là một huyện biên giới vùng cao, có Lùng Cú là điểm cực Bắc, giáp Trung Quốc. Trước khi tách ra thành ba huyện, Đồng Văn bao gồm cả huyện Mèo Vạc và huyện Yên Minh ngày nay, rộng trên 1.000 km2, có trên 10 dân tộc cư trú với khoảng trên 5 vạn dân, trong đó đa số là người H'Mông.
Khi Cách mạng tháng Tám - 1945 nổ ra, Việt Nam Quốc dân đảng do Hoàng Quốc Chính cầm đầu từ Trung Quốc kéo về, chiếm đóng thị xã Hà Giang, gây cơ sở ở các huyện, kể cả Đồng Văn. Quân Quốc dân đảng Tàu, sang giải giáp vũ khí quân Nhật, khi đi qua Đồng Văn cũng cài một số sĩ quan, đặc vụ ở lại (Trưởng tham mưu Diếp Chính Tường... ) lôi kéo người cầm đầu các dân tộc phục vụ âm mưu lâu dài của chúng. Thực dân Pháp không bao lâu sau cũng ngầm cài gián điệp trở lại. Còn ta cũng gây dựng được cơ sở ở một vài nơi nhưng còn yếu và hẹp, chưa đủ lực lượng nổi lên cướp chính quyền ở tỉnh và huyện. Khi đó, Đồng Văn về cơ bản vẫn nằm dưới sự thống trị của người cầm đầu các dân tộc ở từng vùng. Tình hình vô cùng phức tạp.
Giữu lúc đó, được tin Chính phủ ta do cụ Hồ làm Chủ tịch đã được thành lập ở Hà Nội, để rõ thực hư, ông Vương Chí Thành, người đứng đầu dân tộc H'Mông quyết định về Hà Nội xin gặp cụ Hồ, bất chấp sự ngăn cản của Hoàng Quốc Chính khi đến thị xã Hà Giang. Đến Bắc Quang, các đồng chí Thanh Phong và Mai Trung Lâm hướng dẫn Vương về Tuyên Quang và từ đó về Hà Nội. Bác Hồ tiếp nhận và đã nhiều lần gặp ông, nhận ông làm em nuôi, đổi họ là Hồ Chí Thành, cử ông làm Chủ tịch châu Đồng Văn, giao cho ông trở về mời một số người cầm đầu đại diện các đan tộc khác, lập chính quyền châu.
Ông Vương Chí Thành thời trẻ (thứ 2 từ phải qua). Ảnh tư liệu. |
Bác Hồ còn viết thư gửi nhân dân châu Đồng Văn và giao cho đồng chí Võ Khải Ca - lúc đó là cán bộ Tuyên Quang được giao đưa ông Vương về Hà Nội - đi Đồng Văn cùng ông Vương thực hiện những điều Bác đã giao. Dĩ nhiên, trong tình hình vô cùng phức tạp lúc đó, có nhiều khả năng ông Vương về Hà Nội không chỉ có gặp Hồ Chủ tịch. Đến cuộc Tổng tuyển cử 6/1/1946, Bác Hồ và Chính phủ đã giới thiệu ông Vương Chí Thành ứng cử làm đại biểu Quốc hội khóa I.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra và bên Trung Hoa nội chiến Quốc - Cộng lại bùng lên, bọn thực dân cáo già cũng rất thính. Chính vì thế, tháng 5/1947, Marius Moutet, Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại, đã dặn dò tướng Salan trước khi sang nhậm chức Tư lệnh quân đội Pháp ở miền Bắc: "Nước Trung Hoa đỏ đang nổi lên và bắt đầu tiến xuống phía Nam rồi, tôi yêu cầu ông phải làm mọi cách để không cho Việt Minh có thể tiếp xúc được với các đơn vị của Mao"...
Đặt chân tới Hà Nội, tướng Salan lập tức quan tâm ngay đến vấn đề đó. Chiến dịch đầu tiên tổ chức ở Bắc kỳ từ tháng 10/1947, ngoài những mục tiêu khác, còn nhằm khóa chặt biên giới Trung Hoa.
Bác Hồ còn nhìn xa và nhạy bén hơn, thấy được vị trí quan trọng của huyện biên giới Đồng Văn, nên vào cuối năm 1946, Hồ Chủ tịch đã cử đồng chí Bùi Công Trừng lên Hà Giang, thay mặt cho Chính phủ trao tặng ông Vương một thanh gươm với dòng chữ: "Tận trung báo Quốc, tất thụ nô lệ" (hết lòng trung với nước, quyết không chịu làm nô lệ). Thanh gươm của Bác ấp ủ lời ủy thác, nhắc nhở, động viên, chứa đựng ý nghĩa sâu xa. Chắc chắn nó có tác động đến tình cảm và hành động của ông Vương. Chẳng thế mà ông thường kể lại sự kiện này cho cán bộ ta nghe nhiều năm về sau, với niềm vinh dự tự hào.
Sau Thu Đông 1947, quân Pháp đã chiếm được dọc biên giới phía Bắc nước ta suốt từ Lai Châu, Lào Cai, Hoàng Xu Phì (Hà Giang), Cao Bằng, Lạng Sơn đến Móng Cái, nơi duy nhất chưa chiếm được là Vị Xuyên, Đồng Văn của Hà Giang. Khi nguy cơ quân giải phóng Trung Hoa vượt sông Dương Tử, tiến sát biên giới nước ta không còn là chuyện xa với, Pháp xúc tiến âm mưu bít kín nốt biên giới nước ta ở đoạn còn lại của Hà Giang. Một mặt, chúng dùng lực lượng quân sự từ Hoàng Su Phì, một đường đánh ra Bắc Quang, một đường vượt Tây Côn Lĩnh đánh Thanh Thủy ra thị xã Hà Giang.
Mặt khác, chúng âm mưu lôi kéo hứa hẹn nếu Vương Chí Thành hợp tác với chúng thì chúng để cho ông được cai quản từ Làng Đán trở lên Đồng Văn, Pháp chỉ chiểm đóng từ Pắc-Xum trở xuống thi xã Hà Giang. Cùng với việc đánh trả địch về quân sự, ta xúc tiến phá âm mưu chia rẽ về chính trị của địch. Không phải ngẫu nhiên vào khoảng hè thu 1948, Bác Hồ cử đồng chí Trần Đăng Ninh làm đặc phái viên của Chủ tịch nước gặp Chủ ông Chủ tịch huyện Đồng Văn Vương Chí Thành, giảng giải cho ông rõ thời cuộc để không sa vào mưu địch.
Chuyến đi có trục trặc đáng tiếc nhưng kết cục âm mưu bít kín biên giới ta ở Hà Giang của Pháp đã thất bại. Điều đó đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho ta đẩy mạnh cuộc khác chiến, mở đầu bằng chiến thắng Biên giới tháng 10/1950. Mấy năm sau, do thua ở chiến trường chính, địch âm mưu thả biệt kích gây phỉ ở hậu phương như vụ thả Dương Mí Sàng xuống Mèo Vạc... để buộc ta phải phân tán lực lượng, nhưng đều thất bại.
Do lợi ích giai cấp và dòng họ và là đối tượng được nhiều thế lực phản động lôi kéo, đồng thời lợi dụng trình độ dân trí thấp, dễ bề mê muội và địa thế biên cương hiểm trở, nên trên bước đường đi theo cụ Hồ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp của ông Vương Chí Thành không phải là suôn sẻ.
Tư tưởng hùng cứ một phương, cùng với chính sách dao động của ông cũng dẫn đến nhiều mặt mặt tiêu cực và khó khăn trong việc thi hành những chính sách của Chính phủ. Nhưng đây không phải là nội dung chính của bài viết này. Có điều rõ ràng là suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, trong một tình hình vô cùng phức tạp như đã nêu trên mà ta giữ được Vương Chí Thành đi theo cụ Hồ, giữ được an ninh, không để xảy ra bạo loạn, giặc Pháp không đặt chân tới được Đồng Văn, tránh được tổn thất về xương máu của bộ đội và nhân dân các dân tộc, giữ được đường biên giới tiếp xúc với nước bạn, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh cuộc kháng chiến đồng thời từng bước xóa dần các tàn tích phong kiến cát cứ ở Đồng Văn là một thắng lợi lớn, vượt ra cả ngoài địa giới Hà Giang.
Có được thắng lợi đó trước hết là nhờ chính sách đoàn kết dân tộc rộng rãi, sáng suốt, nhờ tầm nhìn xa về chiến lược kết hợp với tính kiên trì và khoan dung của Hồ Chủ tịch.
Bác là người đầu tiên đặt nền móng chính sách đoàn kết dân tộc cho Đồng Văn. Đúng vậy, khi giao cho đồng chí Võ Khải Ca cùng với ông Vương về Đồng văn lập chính quyền cuối 1945, Bác dặn đi dặn lại đồng chí Ca: "Phải nắm người cầm đầu, qua đó đoàn kết nhân dân các đan tộc, phải hết sức thận trọng, không được áp đặt, chú ý các dân tộc ít người, quan tâm đời sống nhân dân, giúp những thứ dân thiếu như nông cụ và muối..." .
Lời Bác dặn giản dị mà sâu sắc. Cùng với việc cử ông Vương Chí Thành làm Chủ tịch châu, nhận làm em nuôi, tặng kiếm, giới thiệu ông ứng cử làm đại biếu Quốc hội khóa I, thậm chí ở cả Quốc hội khóa II, sau khi vừa xảy ra vụ bạo loạn ở Đồng Văn cuối năm 1959. Tất cả những cái đó thể hiện chính sách đoàn kết dân tộc rộng rãi của Người, nó còn thể hiện nhãn quan chính trị nhìn xa và nhạy bén kỳ lạ, kết hợp một cách tự nhiên với tính khoan dung đầy tính thu phục lòng người của Bác. Lời dạy của Bác và những bài học trên đây đến nay vẫn còn nguyên giá trị.