Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắc Đới Hà - kỳ nghỉ hè ven biển chi phối chính trường Trung Quốc

Dù vai trò và quy mô của hội nghị thường niên không chính thức tại Bắc Đới Hà đã thay đổi theo những thời lãnh đạo khác nhau của Trung Quốc, sự kiện luôn được giữ bí mật tuyệt đối.

Cuộc gặp giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường với Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Maria Fernanda Espinosa tại Bắc Đới Hà được truyền thông nước này thông báo vào ngày 8/8.

Thông tin đó cũng gián tiếp xác nhận cuộc họp thường niên giữa các nhân vật quyền lực nhất trên chính trường Trung Quốc đã bắt đầu ở khu nghỉ dưỡng cách Bắc Kinh hơn 280 km về phía đông.

Cuộc gặp tuyệt mật này không có lễ khai mạc hay bế mạc cụ thể, và cũng không công bố chương trình nghị sự chính thức. Cách gọi cho chuỗi sự kiện thậm chí không được thống nhất là "cuộc họp" hay "kỳ nghỉ hè" của các lãnh đạo. 

Trong hơn 6 thập niên qua, những điều diễn ra tại Bắc Đới Hà như tấm gương phản chiếu sự chuyển dịch trên chính trường Trung Quốc, South China Morning Post (SCMP) nhận định.

cuoc hop Bac Doi Ha anh 1
Ông Đặng Tiểu Bình (phải) đến Đới Bắc Hà nghỉ hè vào tháng 7/1987. Ảnh: Tân Hoa xã.

'Trại David' của Trung Quốc

Bắt đầu từ năm 1953, chủ tịch Mao Trạch Đông đã khởi xướng việc tổ chức cuộc gặp thường kỳ giữa các lãnh đạo đảng và chính phủ bên ngoài thủ đô. Thay vì họp tại Bắc Kinh, tất cả các cuộc gặp quan trọng vào mùa hè được tổ chức ở thị trấn nghỉ dưỡng duyên hải của tỉnh Hà Bắc.

Những căn biệt thự ven biển đầu tiên tại Bắc Đới Hà được người phương Tây xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Sau khi cách mạng Trung Quốc giành thắng lợi vào năm 1949, thị trấn được chuyển đổi thành nơi nghỉ hè cho lãnh đạo chính phủ và những công nhân đạt thành tích lao động xuất sắc. 

cuoc hop Bac Doi Ha anh 2
Bắc Đới Hà là tên một quận của tỉnh Hà Bắc, đồng thời là khu nghỉ dưỡng cách Bắc Kinh hơn 280 km về phía đông. Bản đồ: Google Maps.

Không chỉ là địa điểm nghỉ dưỡng, vào mùa hè Bắc Đới Hà trở thành trung tâm chính trị của đất nước. Nơi này được mệnh danh là Trại David của Trung Quốc (Trại David là nơi các tổng thống Mỹ thư giãn và nhóm họp với các cố vấn, tiếp đón các lãnh đạo nước ngoài).

SCMP cho hay đây là nơi các lãnh đạo Trung Quốc đưa ra những quyết sách quan trọng trong lịch sử.

Tháng 8/1958, chính tại khu nghỉ dưỡng bên bờ biển Bột Hải, giới lãnh đạo Trung Quốc đã phác thảo chiến lược Đại nhảy vọt, thống nhất xây dựng mô hình công xã ở khắp các vùng thôn quê trên cả nước.

Cũng trong mùa hè năm đó, ông Mao Trạch Đông ra lệnh dội pháo vào đảo Kim Môn do chính quyền Tưởng Giới Thạch tại Đài Loan kiểm soát.

Họp mặt tại Bắc Đới Hà bị "đóng băng" trong gần 2 thập niên từ khi Cách mạng Văn hóa nổ ra vào năm 1966. Sau cái chết của Mao Trạch Đông, ông Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh đạo quyền lực nhất đất nước và cho tái khởi động các cuộc gặp vào năm 1984.

cuoc hop Bac Doi Ha anh 3
Ông Đặng Tiểu Bình gặp 14 kỹ sư và nhà nghiên cứu đạt thành tích xuất sắc của Trung Quốc vào năm 1987 tại Bắc Đới Hà. Ảnh: Global Times.

'Hộp đen' bên bờ biển

Mùa hè năm 1987, chính trong sự kiện không chính thức ở Bắc Đới Hà, Bộ Chính trị và các nhân vật lão thành của đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã quyết định về thế hệ lãnh đạo mới của đất nước trước thềm đại hội toàn quốc vào cuối năm đó.

Thông qua mô hình này, ông Đặng có thể kiểm soát quyền lực trên chính trường Trung Quốc trong một thời gian dài, mặc dù ông không nắm vị trí then chốt nào trừ chức chủ tịch Quân ủy Trung ương. 

Trả lời SCMP, người thân một cựu lãnh đạo cấp cao của CPC cho biết cuộc gặp tại khu nghỉ dưỡng ven biển Bột Hải dưới thời ông Đặng thường bắt đầu vào giữa tháng 7 và kéo dài gần 2 tháng.

"Những nhân vật cấp cao trong đảng, từ thành viên bộ chính trị trở lên, được quyền đưa một người nhà theo cùng. Họ được sắp xếp đến Bắc Đới Hà bằng xe lửa. Chuyến tàu đặc biệt mỗi ngày chỉ chở một lãnh đạo", người này cho biết.

Không chỉ riêng khu nghỉ dưỡng được thắt chặt an ninh, hành trình di chuyển của lãnh đạo đến thị trấn duyên hải tỉnh Hà Bắc cũng được bảo vệ cẩn mật. Dọc theo tuyến đường sắt gần 300 km từ Bắc Kinh đến Bắc Đới Hà, cứ mỗi 200 m lại có một chốt gác của cảnh sát vũ trang nhằm đảm bảo an ninh cho các chuyến tàu chở lãnh đạo.

cuoc hop Bac Doi Ha anh 4
Ông Giang Trạch Dân tiếp ông Joe Biden, khi đó còn là một thượng nghị sĩ Mỹ, tại Bắc Đới Hà. Ảnh: Reuters.

Sau khi ông Đặng qua đời vào năm 1997, cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân tiếp tục duy trì những luật lệ bất thành văn này.

Tất cả những thay đổi then chốt trong bộ chính trị cũng như báo cáo kế hoạch 5 năm đều được ông Giang trình bày với các cựu lãnh đạo đảng. Sau khi nhận được sự đồng thuận nội bộ, ông Giang mới tiến hành những thay đổi trong kỳ đại hội toàn quốc vào cuối năm 1997.

Trong một bài bình luận vào năm 2012,  Economist đã ví Bắc Đới Hà như "hộp đen" của chính trường Trung Quốc, nơi ghi lại những biến động quan trọng nhất của nước này nhưng không ai bên ngoài có thể biết được.

Giảm sóng gió hậu trường

Tuy nhiên, đến nhiệm kỳ của mình, ông Hồ Cẩm Đào lại quyết định phá vỡ truyền thống chỉ 1 năm sau khi được bầu làm tổng bí thư.

"Theo quyết định của Trung ương, các lãnh đạo Thường vụ, Quốc vụ viện (Nội các), Quốc hội, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Toàn quốc (Chính hiệp) và Quân ủy Trung ương sẽ không đến Bắc Đới Hà để làm việc nữa", People's Daily thông báo vào tháng 7/2003.

Tờ báo còn nhấn mạnh rằng mọi bộ trưởng và chủ nhiệm ủy ban trực thuộc trung ương đều bị cấm đặt chân đến Bắc Đới Hà vào mùa hè. Đây là dấu hiệu rõ rệt báo hiệu nhà lãnh đạo thế hệ thứ 4 của Trung Quốc muốn thay đổi cách quản lý các vấn đề nội bộ đảng so với người tiền nhiệm, New York Times năm đó nhận định.

Bắc Đới Hà được xem là biểu tượng cho những đặc quyền và quyền lực của giới lãnh đạo CPC. Sự kiện tại khu nghỉ dưỡng ven biển Bột Hải trở thành mục tiêu cho chiến dịch vận động lối sống đơn giản mà ông Hồ Cẩm Đào phát động.

Cũng trong thời gian đó, ông cấm tổ chức các buổi lễ long trọng tiễn lãnh đạo công du nước ngoài. Trung Quốc cũng bắt đầu cho công khai thời điểm và nội dung các cuộc họp của bộ chính trị, điều đi ngược lại không khí bí mật tuyệt đối của sự kiện Bắc Đới Hà.

cuoc hop Bac Doi Ha anh 5
Nhân viên an ninh Trung Quốc canh gác bên ngoài một khu nhà dành cho lãnh đạo tại Bắc Đới Hà. Ảnh: SCMP.

Sau quyết định năm 2003, trừ các quan chức đương nhiệm, các cựu lãnh đạo vẫn duy trì họp mặt không chính thức tại tại khu nghỉ dưỡng, theo Reuters.

"Trong những thập niên 1980 và 1990, thường có ít nhất 1 hoặc 2 vấn đề nghị sự được lên lịch bàn luận tại Bắc Đới Hà. Hiện giờ thì chẳng ai biết trước liệu có vấn đề gì được bàn luận tại khu nghỉ dưỡng hay không, dù chắc chắn các lãnh đạo cấp cao của đảng sẽ đến thị trấn này trong kỳ nghỉ hè", một nguồn tin của SCMP cho biết.

Phải đến khi Trung Quốc bước sang thế hệ lãnh đạo thứ 5 và ông Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư CPC, truyền thống này mới được khôi phục nhưng mức độ tác động đến hoạch định chính sách quốc gia đã không còn đáng kể, một nguồn tin của SCMP nhận định.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang, kỳ nghỉ hè năm nay tại khu nghỉ dưỡng ven biển Bột Hải có thể cơ hội để ông Tập lắng nghe những đánh giá và quan điểm khác biệt. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá cuộc gặp khó tạo nên biến động nào lớn trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc.

Bảy lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc ra mắt Bảy thành viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa 19 được công bố hồi tháng 10/2017 là những nhân vật quan trọng nhất lãnh đạo đất nước này trong 5 năm tới.

Lãnh đạo Trung Quốc có thể đang họp bí mật tại Bắc Đới Hà

Việc Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường không xuất hiện trên bản tin thời sự Trung Quốc những ngày qua là dấu hiệu cho thấy hội nghị Bắc Đới Hà có thể đang diễn ra.

Nội bộ rạn nứt, TQ 'xuống nước' trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?

Bắc Kinh dường như đang muốn thay đổi thông điệp sau làn sóng chỉ trích nhắm vào những người được cho là cổ súy chủ nghĩa dân tộc quá mức, thổi phồng sức mạnh của Trung Quốc.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm