Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ba ý nghĩa chuyến thăm Mỹ lịch sử của Tổng Bí thư

Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quan hệ ngoại giao, nhận định 3 ý nghĩa từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Tổng thống Mỹ. Ảnh: Zimbio
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Tổng thống Mỹ. Ảnh: Zimbio

* Chuyến thăm của Tổng Bí thư có ý nghĩa thế nào trong việc tăng cường quan hệ Việt - Mỹ?

- Chuyến thăm của Tổng Bí thư đang diễn ra tại Mỹ có ý nghĩa đặc biệt và rất quan trọng trên nhiều phương diện:

1. Củng cố giữ vững môi trường hòa bình ổn định của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay.

2. Góp phần tranh thủ nguồn lực rất to lớn trong quan hệ với Mỹ để phục vụ cho việc xây dựng đất nước trong giai đoạn hội nhập.

3. Đối với bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam, tính biểu tượng của chuyến đi đó là việc siêu cường số 1 thế giới công nhận tính chính danh và hệ thống chính trị của Việt Nam.

Trong chuyến đi này, Tổng Bí thư trực tiếp gặp lãnh đạo cao nhất của Mỹ là Tổng thống Barack Obama, gặp rất nhiều thượng nghị sĩ, chính giới khác nhau.

Khi lãnh đạo cao nhất của 2 đất nước ngồi lại với nhau để trao đổi trực tiếp, thẳng thắn cởi mở, có lẽ đó là biện pháp tốt nhất để xây dựng lòng tin giữa 2 nước.

Trong các cuộc gặp này, 2 bên trao đổi thẳng thắn trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau về các vấn đề 2 bên còn khác biệt ví dụ vấn đề dân chủ, nhân quyền, tình hình thế giới và khu vực.

TS Trần Việt Thái. Ảnh: Q.Trung
TS Trần Việt Thái. Ảnh: Q.Trung

* Ông từng nhận định chuyến thăm sẽ gỡ bỏ “một số khó khăn, trở ngại” trong quan hệ Việt - Mỹ. Cụ thể là trở ngại nào?

- Việt Nam và Mỹ hiện nay có 3 khác biệt chính:

1. Mỹ nhìn Việt Nam ở góc nhìn toàn cầu và phần nào đấy ở khu vực, họ có chiến lược của một siêu cường toàn cầu. Việt Nam nhìn Mỹ chủ yếu ở góc độ song phương và một phần ở ASEAN. Do vậy, quan trọng là phải làm thế nào để dung hòa 2 quan điểm này để giúp chúng xích lại gần nhau.

2. Việt Nam ưu tiên cho thương mại, đầu tư vì hiện nay chúng ta rất cần điều này. Mỹ lại có vẻ ưu tiên hơn cho an ninh, quốc phòng và các lĩnh vực khác như dân chủ, nhân quyền.

3. Vấn đề cuối là khác biệt do lịch sử như vấn đề chất độc da cam, hậu quả chiến tranh, một bộ phận Việt kiều bên Mỹ.

Chúng tôi không mong rằng chuyến đi này sẽ giải quyết hết các trở ngại và khác biệt này. Chúng tôi kỳ vọng chuyến đi sẽ gỡ ra một nút thắt quan trọng, để người Mỹ thấy rằng hãy nhìn về Việt Nam - đừng nhìn từ khía cạnh chế độ chính trị, kỳ vọng Mỹ nêu cao Việt Nam là một đất nước hội nhập, một đất nước đổi mới, năng động và hãy đến Việt Nam để chứng kiến những thực tế đang diễn ra.

Hãy cùng nhau xây dựng quan hệ đối tác vì lợi ích 2 bên và hãy gạt bỏ những hận thù quá khứ, những vấn đề ý thức hệ.

* Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lợi như thế nào cho tương lai Việt Nam?

- Cái lợi lớn nhất là tính biểu tượng. Người Mỹ muốn chứng minh với thế giới rằng với ai thì người Mỹ cũng làm việc được, nên những nước như Myanmar và Triều Tiên có thể nhìn vào những bài học này.

Việt Nam có rất nhiều điều lợi. Mỹ là một nhân tố chiến lược trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà chúng ta chưa sử dụng hết. Chúng ta sẽ thu được nhiều lợi ích về hợp tác thương mại, giáo dục, khoa học, giao lưu nhân dân và những lĩnh vực khác.

Trong vấn đề Biển Đông, đừng kỳ vọng một chuyến đi này thay đổi cả chiến lược của người Mỹ. Chúng ta hy vọng một nước Mỹ giương cao ngọn cờ công khai minh bạch, ngọn cờ luật pháp và chuẩn mực quốc tế và hãy là một nhân tố kết nối các quốc gia trong khu vực vì hòa bình, độc lập.

Người Việt Nam bình thường nhất cũng hiểu rằng nước Mỹ không đứng ra bảo vệ Việt Nam nếu có vấn đề nào xảy ra.

* Có ý kiến cho rằng chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư sẽ tạo điều kiện cho những chuyến thăm tương tự cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp. Dự kiến Tổng Bí thư cũng sẽ gặp nhà Clinton. Nó cho thấy điều gì trong quan hệ Việt - Mỹ?

- Chúng ta cần kỳ vọng cao hơn thế. Không chỉ là những chuyến đi tương tự trong tương lai mà còn hướng tới một nền tảng ổn định, bền vững cho quan hệ song phương, hướng tới một sự công nhận lẫn nhau và sự hợp tác giữa hai thể chế chính trị khác biệt.

Trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ, gia đình Clinton có một chỗ đứng nhất định. Nếu ông Bill Clinton là người biến thù thành bạn, bà Clinton biến bạn bè trở thành đối tác ngày càng gần gũi của Mỹ.

Cuộc gặp mặt này mang cả ý nghĩa cá nhân lẫn ý nghĩa tình cảm dân tộc và nó còn gửi gắm những tương lai lâu dài.

Quốc tế nói gì về cuộc hội đàm cấp cao lịch sử Việt - Mỹ?

Báo chí nước ngoài đã đồng loạt đưa tin về cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama tại Phòng Bầu dục trưa 7/7 (giờ Hoa Kỳ).

Tổng Bí thư và Tổng thống Mỹ hội đàm về Biển Đông

Tổng thống Obama cho biết ông đã thảo luận với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp hàng hải ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150708/ba-y-nghia-cua-chuyen-tham-lich-su/774159.html

Theo Quỳnh Trung/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm