Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng vừa đề xuất Bộ Công Thương ba vị trí "vàng" để chọn đưa vào quy hoạch xây Trung tâm khí điện miền Trung.
Trong ba vị trí này, địa điểm đắc địa nhất để đưa vào quy hoạch xây Trung tâm khí điện miền Trung là khu đất rộng 385 ha- phía Bắc nhà máy lọc dầu Dung Quất (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn). Đây là khu vực từng được cơ quan chức năng quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp hóa dầu, kho bể chứa…
Mỏ khí Cá Voi xanh ngoài khơi gần với Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: Minh Hoàng. |
Khu đất này nằm sát biển thuận lợi cho việc tiếp cận đường ống, cũng như kết nối ống dẫn dầu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất để cung cấp dầu DO cho Trung tâm Khí điện miền Trung. Vị trí này vừa dễ dàng kết nối để chế biến sâu và cung cấp một phần nguyên liệu cho nhà máy lọc dầu Dung Quất và các dự án hóa dầu, methanol….
Trong khi đó, hai vị trí còn lại là khu đất thuộc khu công nghiệp phía Tây Dung Quất và khu đất ở hai xã Bình Phú, Bình Hoà (huyện Bình Sơn).
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Khu kinh tế Dung Quất được Chính phủ chọn làm địa điểm phát triển các dự án công nghiệp nặng gắn với cảng biển nước sâu. Hệ thống hạ tầng sẵn có cùng với lực lượng sản xuất quy mô lớn tại chỗ là điều kiện thuận lợi để phát triển Tổ hợp khí điện gắn với Tổ hợp lọc hóa dầu để hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia góp phần tạo động lực cho Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung phát triển đột phá.
Nếu được lựa chọn, Quảng Ngãi cam kết hỗ trợ tối đa công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và áp dụng giá thuê đất ở mức ưu đãi cao nhất, đồng thời đáp ứng hạ tầng đến hàng rào nhà máy và các công trình phụ trợ.
Tập đoàn dầu khí Việt Nam đang thương thảo với Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) về giá khí sau khi đưa vào bờ. Trước đó, Exxon Mobil quyết định đầu tư dự án điện khí này có tổng vốn lên đến 20 tỷ USD. Trong đó, nhà máy điện có công suất giai đoạn một là 1.500 MW, giai đoạn hai từ 4.000 đến 5.000 MW và nhà máy xử lý khí ở khu vực miền Trung.
Theo quy hoạch, Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí từ mỏ khí Cá voi xanh thuộc các lô 117, 118, 119 vào bờ với công suất thiết kế khoảng 2-4 tỷ m3 mỗi năm. Chính phủ cũng định hướng nghiên cứu, xây dựng mới nhà máy xử lý khí ở khu vực này với lưu lượng khoảng một đến 4 tỷ m3 một năm, dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2018.
Dự án Trung tâm khí điện miền Trung do Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phối hợp triển khai. Sau khi phát hiện khí ở các lô 117, 118, 119 ngoài khơi miền Trung, Chính phủ quyết định đưa vào bờ để khai thác thương mại, phục vụ việc phát điện.