Bà Trần Uyên Phương vừa thông báo tiếp tục bán hơn 1 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (YEG) vào ngày 25/10 do mục đích "đầu tư cá nhân". Đây đã là lần thứ 6 liên tiếp cá nhân này thông báo rút dẫn vốn khỏi doanh nghiệp trong năm nay.
Lần đầu tiên bà Phương thoái vốn là cuối tháng 7 khi bán hơn 251.000 cổ phiếu YEG với thị giá khoảng 15.000 đồng (chưa bằng phân nửa giá lúc đầu năm). Bốn đợt bán sau đó diễn ra trong nửa đầu tháng 8 với thị giá nằm trong khoảng 15.000-19.000 đồng.
Đợt thoái vốn lần thứ 6 này diễn ra lúc cổ phiếu YEG vẫn ở mức thấp dù chốt phiên tăng trần lên mức 16.300 đồng/cổ phiếu. Tạm tính cá nhân có thể thu về gần 18 tỷ đồng.
Việc liên tục rút vốn đã đẩy tỷ lệ sở hữu của vị doanh nhân này về mức gần 3,5 triệu cổ phiếu YEG, tương ứng còn 11,15% vốn. Bà còn được biết đang là phó tổng giám đốc và là con gái của nhà sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Bà Phương từng mạnh tay chi tiền để gom số lượng lớn cổ phiếu YEG thời điểm đầu năm 2020 với mức giá khá cao khoảng 50.000 đồng cho mỗi đơn vị. Đến nay thị giá đã giảm đến 70% so với giá mua.
Giá cổ phiếu YEG liên tục rơi về mức thấp khi cổ đông lớn thoái vốn. Đồ thị: TradingView. |
Số cổ phần mua lại từ việc thỏa thuận nhận chuyển nhượng một phần lượng sở hữu của chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống và tổng giám đốc Đào Phúc Trí.
Sau giao dịch đó, Yeah1 và Tân Hiệp Phát còn ký thoả thuận hợp tác chiến lược với kỳ vọng đưa Yeah 1 trở lại guồng quay sau sự cố vận hành với Youtube vào giữa tháng 5/2019.
Yeah1 cũng nhanh chóng giới thiệu "át chủ bài" mới là mảng kinh doanh thương mại đa kênh M2C khởi đầu là app khuyến mãi Mega1, sau này phát triển thành hệ sinh thái Giga1.
Tuy nhiên các bước đi mới chưa mang về nhiều tín hiệu tích cực. Đầu tháng 7 năm nay, Yeah1 đã thông qua việc chuyển nhượng 51% cổ phần có quyền biểu quyết tại Giga1.
Còn về kết quả kinh doanh, lũy kế nửa đầu năm, Yeah1 ghi nhận doanh thu tăng 37% lên mức 600 tỷ đồng nhưng lai lỗ lớn 202 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là mảng thương mại đa kênh (bán lẻ) từ sự ảnh hưởng nặng nề của các đợt dịch.
Liên tục thua lỗ và mức lỗ lũy kế tới ngày 30/6 đã cao hơn 184 tỷ đồng. Do vậy HoSE phải tiếp tục duy trì diện kiểm soát đối với cổ phiếu YEG và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu đơn vị này sau khi có BCTC hợp nhất năm 2021 được kiểm toán.