Đầu tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết giới cố vấn quân sự của ông phản đối kế hoạch thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
"Quân đội cho rằng chuyến thăm diễn ra lúc này không phải ý tưởng hay. Nhưng tôi cũng không biết kế hoạch đó giờ như thế nào", Tổng thống Biden nói, theo Nikkei Asia.
Chính phủ Mỹ không ủng hộ chuyến thăm?
Một ngày sau khi Tổng thống Biden tiết lộ sự phản đối của quân đội Mỹ, báo giới đề nghị bà Pelosi cho biết về kế hoạch thăm Đài Loan.
"Tôi sẽ không thảo luận về các kế hoạch thăm viếng của mình. Đó là vấn đề an ninh", chủ tịch Hạ viện Mỹ cho biết.
Về lý do giới chức quốc phòng phản đối chuyến thăm, bà Pelosi nói có lẽ điều Tổng thống Biden muốn truyền đạt là quân đội Mỹ sợ "máy bay có thể bị Trung Quốc bắn rơi".
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự nhận định khả năng Trung Quốc bắn rơi một máy bay quân sự Mỹ đang chở người thứ hai trong danh sách kế nhiệm tổng thống là điều không tưởng.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ảnh: Reuters. |
Thực tế, lo ngại của giới chức quốc phòng chủ yếu thuộc về bản chất chuyến thăm, chứ không liên quan các mối đe dọa quân sự, các chuyên gia nhận định.
"Quân đội Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ địa điểm mà chiếc máy bay chở bà Pelosi cất cánh. Trong quá khứ, máy bay chở theo các yếu nhân Mỹ đến Đài Loan thường khởi hành từ Hàn Quốc", Koichi Sobe, cựu tư lệnh đơn vị bộ binh thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, cho biết.
Ông Isobe và các chuyên gia quân sự dự đoán trong một cuộc đụng độ giả định giữa Mỹ và Trung Quốc tại eo biển Đài Loan, không lực Mỹ ở Hàn Quốc sẽ tham chiến. Do đó, các chuyến bay từ Hàn Quốc tới Đài Loan có thể được sử dụng như một loại diễn tập.
Financial Times là tờ báo đầu tiên đưa tin về chuyến đi của bà Pelosi. Theo đó, vị chủ tịch Hạ viện Mỹ sẽ dẫn đầu phái đoàn nghị sĩ thăm Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Indonesia và Malaysia.
Đoàn quan chức dự kiến cũng thăm Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tại Hawaii.
Theo ông Isobe, chính quyền Tổng thống Biden đã cố gắng giữ kín các chuyến công du nước ngoài nhạy cảm của quan chức cấp cao.
Việc thông tin chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Pelosi bị tiết lộ trước ngày khởi hành không giống với phong cách của chính quyền ông Biden, theo ông Isobe. Có lẽ vì thế, dường như Nhà Trắng không quá nhiệt tình với chuyến thăm.
Elbridge Colby, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho rằng tình hình Đài Loan ngày càng trở nên phức tạp. Bởi vậy, Washington cần cẩn trọng với những thông điệp gửi đi.
"Trung Quốc đang ở rất gần khả năng phát động một chiến dịch quân sự nhắm vào hòn đảo. Trong tình hình ấy, chúng ta cần nhanh chóng, quyết liệt tăng cường sức mạnh phòng thủ. Những hành động biểu tượng lúc này là không cần thiết", ông Colby nói.
Cựu quan chức Lầu Năm Góc cho rằng cả Washington và Tokyo đều đã phát đi những tín hiệu đáng chú ý thể hiện ủng hộ Đài Loan. Điều mấu chốt lúc này là Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan cần mau chóng củng cố khả năng tự vệ thực sự của hòn đảo.
Thế khó cho mọi bên
Chuyến thăm của bà Pelosi, nếu thành sự thực, sẽ diễn ra trong thời điểm rất nhạy cảm, đặc biệt với Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị tham dự hội nghị Bắc Đới Hà, với sự có mặt của các nguyên lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cuộc họp, tổ chức tại một khu nghỉ dưỡng cùng tên tại tỉnh Hà Bắc, là nơi giới lãnh đạo đảng đương chức và về hưu đánh giá hoạt động của chính phủ hiện tại, bàn về các vấn đề trọng đại của đất nước.
Một phần lý do Bắc Kinh muốn sớm tổ chức hội đàm trực tuyến giữa ông Tập và ông Biden là nhằm thể hiện rằng giới lãnh đạo hiện nay đang quản lý tốt quan hệ với Mỹ theo nguyên tắc bình đẳng.
Do đó, chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan sẽ tác động đến thể diện của Trung Quốc. Bắc Kinh khi đó sẽ không có lựa chọn khác ngoài biện pháp đáp trả cứng rắn, có nguy cơ leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Nếu máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập sâu hơn vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan, bao gồm đảo chính của Đài Loan, hành động này có thể làm thay đổi nguyên trạng quan hệ giữa hai bên. Trung Quốc cũng có thể cáo buộc Mỹ đã có hành động gây hấn trước.
Đài Loan tiến hành tập trận. Ảnh: Reuters. |
Ryan Hass, chuyên gia Viện nghiên cứu Brookings, cho rằng cần đánh giá lại thời điểm chuyến thăm của bà Pelosi. Nếu bà đặt chân đến Đài Loan vào đầu tháng 8, sát ngày kỷ niệm thành lập quân đội Trung Quốc cũng như thời gian tổ chức Bắc Đới Hà, chuyến đi sẽ khiến Bắc Kinh phản ứng ở mức dữ dội nhất.
"Bà Pelosi có thể công khai ủng hộ Đài Loan trong tháng 8 và hứa hẹn thăm trong tương lai. Bất kể điều gì xảy ra trong bầu cử giữa nhiệm kỳ, bà ấy vẫn sẽ là Chủ tịch Hạ viện cho đến 3/1/2023. Bà ấy vẫn có thể thăm Đài Loan với tư cách Chủ tịch Hạ viện vào cuối năm, thời gian đó sẽ bớt gây ra phản ứng hơn", ông Hass nhận định.
Chuyên gia Viện Brookings cho rằng mục tiêu của Mỹ kể từ thập niên 1950 là duy trì hòa bình, ổn định tại eo biển Đài Loan.
"Trong trường hợp muốn tăng cường mức độ can dự của Mỹ với Đài Loan, nên tiến hành theo cách nhằm đạt được mục tiêu, chứ không phải tạo ra những thách thức công khai với Bắc Kinh", ông Hass nhận định.
Derek Grossman, chuyên gia quốc phòng tại tổ chức tư vấn chính sách RAND Corp, nhấn mạnh chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi "đẩy tất cả các bên vào thế khó".
Trung Quốc sẽ phải phản ứng hoặc bị ảnh hưởng uy tín. Với Đài Loan, hòn đảo có nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa nếu chuyến đi diễn ra. Nếu chuyến đi bị hủy vào phút chót, quan hệ giữa Đài Loan và Washington sẽ bị sứt mẻ.
Với Mỹ, nước này sẽ bị xem là bên leo thang căng thẳng không cần thiết nếu chuyến đi diễn ra, nhưng nếu chuyến đi bị hủy thì sẽ giống như Washington nhượng bộ trước sức ép của Bắc Kinh.
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 21/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói Quốc hội Mỹ là một phần của chính phủ, vì thế chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi sẽ "vi phạm nghiêm trọng" nguyên tắc Một Trung Quốc mà chính phủ Mỹ đã cam kết tôn trọng.
"Nếu phía Mỹ kiên quyết tổ chức chuyến thăm, Trung Quốc sẽ có hành động mạnh mẽ, cương quyết có biện pháp trả đũa. Chúng tôi nói là sẽ làm", ông Vương cảnh báo.