Phát biểu tại lễ công bố "Sáng kiến nhà ở vừa túi tiền” tại TP.HCM ngày 6/1, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA khẳng định đây là phát động kịp thời của doanh nghiệp gắn với mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ giá rẻ mà TP.HCM đang quyết tâm thực hiện.
"Nếu có chính sách hỗ trợ, TP.HCM sẽ có sản phẩm căn hộ không vượt quá 25 triệu đồng/m2", ông Châu nói.
Liên minh sau dịch
Một điểm chung để dẫn đến quyết tâm thực hiện sáng kiến liên minh xây nhà ở vừa túi tiền của ông Nguyễn Đình Trung – chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Võ Quốc Thắng – chủ tịch Đồng Tâm Group, ông Mai Hữu Tín – chủ tịch Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, là muốn người lao động ổn định cuộc sống sau cơn bão Covid-19 vừa qua, trong đó chuyện an cư với một chỗ ở lâu dài được đặt lên hàng đầu.
“Hàng chục nghìn người chưa có nhà ở đã buộc phải rời bỏ các tỉnh, thành phố lớn quay về quê hương với khó khăn chồng chất. Trải qua đại dịch, bài toán nhà ở vừa túi tiền dành cho người có thu nhập thấp lại càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay và một tinh thần quyết liệt, quyết tâm cùng tìm ra lời giải”, ông Nguyễn Đình Trung bộc bạch.
Dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến nền kinh tế và thu nhập người dân, khiến cơ hội sở hữu nhà càng xa tầm với của người có thu nhập vừa và thấp. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Có chung mối quan tâm, ông Võ Quốc Thắng cho biết bên cạnh mảng vật liệu xây dựng, ông đã đầu tư vào lĩnh vực khu công nghiệp 20 năm qua với hàng chục nghìn lao động, nên làm sao giúp người lao động an cư, nhất là sau đợt dịch vừa qua, là một trăn trở lớn.
“Lãnh đạo tỉnh Long An cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Bí thư tỉnh nói tôi với cương vị là chủ tịch Hội Doanh nghiệp Long An, có phương án nào để cùng tỉnh giải quyết bài toán này hay không. Quyết định tham gia vào sáng kiến này, chúng tôi không đặt mục tiêu lợi nhuận, mà đề cao trách nhiệm xã hội”, ông Thắng nói.
Ông Mai Hữu Tín – chủ tịch Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, với địa bàn hoạt động chính tại Bình Dương gồm 3 nhà máy thì cho hay cả 3 doanh nhân đều chung mục tiêu và quyết tâm, nên thúc đẩy sáng kiến này rất nhanh.
“Tôi cảm thấy còn mắc nợ với hàng chục nghìn người lao động của mình. Và chính đại dịch Covid-19 ập đến đã giúp 3 chúng tôi ngồi lại với nhau bàn sự hợp tác, chứ không phải là kéo lợi ích về cho doanh nghiệp mình. Chúng tôi sẵn sàng giở sổ sách ra để thấy lời lãi thế nào, từ đó xem xét, thống nhất cách làm sao cho tiết kiệm nhất khi triển khai xây dựng”, ông Tín giãi bày.
20-25 triệu đồng/m2?
Theo tính toán của ông Lê Hoàng Châu, tại TP.HCM, giá nhà ở vừa túi tiền có thể làm được ở mức 25-30 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào có hay không có chính sách hỗ trợ của thành phố và các ngành liên quan.
Điểm hỗ trợ mà ông Châu nói ở đây là ngoài liên minh giữa doanh nghiệp bất động sản với đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng, thì chính sách đất đai và tín dụng rất quan trọng.
“Nói làm nhà giá rẻ thì dễ, nhưng làm sao để rẻ thì rất khó. Chúng ta khó có thể nói ngay là giá nhà bán ra sẽ bao nhiêu, vì còn tùy thuộc vào quỹ đất, nằm ở vị trí nào, thuộc tỉnh thành nào”, ông Võ Quốc Thắng nói. Ông cũng nhấn mạnh vai trò hỗ trợ về quỹ đất, tín dụng… của Chính phủ, địa phương.
Cần sự bắt tay của Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước và các chủ đầu tư để cung cấp nguồn cung nhà ở vừa túi tiền cho người dân. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ông Mai Hữu Tín thì cho rằng sẽ không áp mục tiêu mức giá 25 triệu/m2 như ở TP.HCM. “Rất nhiều yếu tố tác động lên giá thành sản phẩm, như quỹ đất đó nằm ở đâu, hạ tầng ra sao, thuế chuyển quyền sử dụng đất thế nào..? Trách nhiệm của các doanh nghiệp cùng hợp tác như chúng tôi phải làm sao tiết giảm để cho ra mức giá rẻ nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng”, ông Tín nói và tự tin với kinh nghiệm phát triển, phân phối dự án hàng đầu của Hưng Thịnh, nguồn lực cung ứng vật liệu xây dựng của Đồng Tâm và Trường Thành, Sứ Thiên Thanh (đã sáp nhập vào TTF), mức giá bán ra ở địa phương lân cận TP.HCM sẽ dưới 20 triệu đồng/m2, thậm chí có thể rẻ hơn.
Trong báo cáo tổng kết 2021 và định hướng năm 2022, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Chi tiết là triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt. Tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, phân khúc thu nhập thấp và trung bình; khắc phục việc mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở.
Đồng thời bám sát Chương trình phục hồi nền kinh tế giai đoạn 2022-2023 để kịp thời đề xuất các giải pháp phù hợp, tăng cường hợp tác quốc tế và học hỏi kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội của các nước có bối cảnh tương đồng.