Trong vai học giả, một phụ nữ Trung Quốc đã dành nhiều năm để viết lại lịch sử Nga thời trung cổ trên Wikipedia tiếng Trung, bịa ra các quốc gia, trận chiến, cổ vật giả tưởng, trở thành một trò lừa lớn nhất trên trang bách khoa toàn thư trực tuyến.
Vụ lừa đảo chỉ bại lộ vào tháng 6 bởi tiểu thuyết gia Trung Quốc Yifan khi đang nghiên cứu để phục vụ cho việc viết sách. Ban đầu, Yifan nghĩ rằng bản thân tìm thấy tài liệu thú vị cho một cuốn tiểu thuyết. Ông không ngờ rằng toàn bộ chi tiết vừa đọc là hoàn toàn hư cấu, bịa đặt bởi một người dùng có tên Zhemao.
Chỉ đến khi Yifan kiểm tra lại thông tin, ông mới nhận ra mình bị lừa. Các trang tin và những cuốn sách mà Zhemao tham khảo đều không tồn tại. “Các thông tin giàu chi tiết đến mức khiến cả trang Wikipedia tiếng Anh và tiếng Nga phải xấu hổ”, Yifan viết trên trang web hỏi đáp Zhihu.
Một bài viết hư cấu đã bị xoá của Zhemao trên Wikipedia. Ảnh: Vice. |
Kể từ 2019, người phụ nữ Trung Quốc này đã thay đổi hoàn toàn sự thật bằng một loạt bài hư cấu công phu trong nhiều năm. “Nội dung cô ấy viết có chất lượng cao và kết nối với nhau, tạo ra một hệ thống thông tin hoàn chỉnh. Zhemao đã tự mình phát minh ra phương thức mới để phá hoại Wikipedia”, người dùng Wikipedia kỳ cựu John Yip chia sẻ với VICE World News.
Quy mô của trò lừa đảo chỉ được phơi bày sau khi một nhóm biên tập viên tình nguyện và những người dùng Wikipedia khác kiểm tra lại những đóng góp của cô trong gần 300 bài viết. Bài viết dài nhất cô đóng góp có độ dài ngang với cuốn tiểu thuyết The Great Gatsby, trình bày chi tiết 3 cuộc nổi dậy của người Tartar vào thế kỷ 17 đã để lại ảnh hưởng lâu dài cho nước Nga với một bản đồ tự chế chi tiết.
Trong một bài viết khác, cô mô tả chi tiết việc người gốc Hoa bị đuổi khỏi Liên Xô vào thập niên 1920 và 1930. Bài viết chi tiết đến nỗi nó được dịch ra nhiều thứ tiếng khác như tiếng Anh, Nga, Arab, gián tiếp mang sự bịa đặt tới nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Tổng lại, Zhemao gần như viết nội dung trên Wikipedia tiếng Trung mỗi ngày trong gần 3 năm. Cuối cùng, Zhemao thú nhận hành động của mình trong một lá thư xin lỗi trên tài khoản Wikipedia của mình vào tháng 6.
Cô thừa nhận mình không nói được tiếng Anh, tiếng Nga và mình là một bà nội trợ chỉ có bằng cấp ba. Cô bắt đầu chỉnh sửa trang web với ý định vô thưởng vô phạt.
Không thể hiểu các bài báo nước ngoài, Zhemao đã ghép các câu lại bằng một công cụ dịch thuật và điền vào những chỗ trống bằng trí tưởng tượng của mình. Dần dần, những bài viết của cô dài hàng chục nghìn ký tự. “Như người ta nói, để bảo vệ một lời nói dối, bạn phải nói dối nhiều hơn,” cô viết.
“Các tình nguyện viên đang tiếp tục xem xét các bài viết khác có thể bị ảnh hưởng. Đôi khi các hành vi phá hoại hoặc tiêu cực xảy ra trên Wikipedia, tương tự như bất kỳ nền tảng trực tuyến dựa trên sự đóng góp của cộng đồng. Những kiểu hành vi này không phổ biến trên Wikipedia”, một phát ngôn viên của Wikimedia Foundation chia sẻ với VICE World News.
Hầu hết bài viết của cô nay đã bị xóa. Một số người dùng Wikipedia thậm chí đã viết thư cho các chuyên gia, tìm kiếm sự giúp đỡ để loại bỏ các thông tin bịa đặt.