Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bà nội, bà ngoại ở khu cách ly Covid-19

“Được ôm cháu nội cả ngày, tôi thầm cám ơn Nhà nước vì đã tạo điều kiện cho những người như cháu tôi được về quê hương”, bà Lành cười nói.

Cach ly tap trung khi ve nuoc anh 1


Đêm trước khi vào Nha Trang với cháu ngoại, bà Vui thức trắng. Cháu ngoại gần một tuổi nhưng lâu nay bà chỉ được nhìn thấy qua điện thoại. Cảm giác sắp được bế bồng, trực tiếp chăm sóc cháu khiến bà rưng rưng.

Những người được cách ly bất đắc dĩ

Sắp vào vụ mùa nhưng bà Vui bàn với cả nhà tạm gác công việc để đi chăm cháu ngoại. Đề xuất của bà được cả gia đình đồng tình. Lo cho cháu là ưu tiên hàng đầu lúc này.

Cach ly tap trung khi ve nuoc anh 2

Thiếu úy Đặng Thanh Tịnh, thăm khám cho cháu ngoại của bà Vui trong khu cách ly. Ảnh: An Bình.

Những ngày trước khi vào Nha Trang bà Vui thổn thức, một phần vì chưa đi máy bay bao giờ. Nhưng điều bà lo hơn là sức khỏe của cháu ngoại, vì nó không có bố, mẹ đi cùng trên chuyến bay từ Hàn Quốc về Cam Ranh.

“Lúc làm xong thủ tục nhận cháu, tôi mới thở phào. Lúc đó tôi vui lắm vì thấy cháu an toàn, khỏe mạnh”, bà Vui nhớ lại.

Bà kể con gái lấy chồng rồi hai đứa đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc. Khi mang bầu, con bà không thể về quê vì công việc. Lúc sinh, cháu cũng không có ông bà nội, ngoại bên cạnh. “Giờ chỉ mong con gái an tâm làm ăn bên đó, cháu đã về đây an toàn, có ông bà và mọi người chăm sóc chu đáo”, bà Vui nhắn gửi.

Cũng như bà Vui, tại khu cách ly tập trung của Trung tâm bồi dưỡng kiến thức an ninh quốc phòng (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa) đang có hơn 20 bà nội, ngoại ở nhiều tỉnh thành vào đây chăm sóc cháu.

Bà Lành ở trong khu cách ly cùng với cháu được 8 ngày. Bà vẫn nhớ rất rõ cảm giác ngày đầu biết tin cháu nội một mình đi máy bay từ Hàn Quốc để về Việt Nam. “Khi nghe tin, cả nhà lo không ngủ được. Cháu mới 5 tháng, lỡ có chuyện gì thì ân hận lắm”, bà kể.

Bà vẫn còn nhớ cảm giác đó, nhưng giờ nỗi sợ không còn nữa. “Được ôm cháu nội cả ngày, tôi thầm cám ơn Nhà nước vì đã tạo điều kiện cho những người như cháu tôi được về quê hương”, bà Lành cười nói.

Ông bố duy nhất trong khu cách ly

Gần 30 cháu nhỏ về từ Hàn Quốc thì chỉ 3 bé có người thân đi cùng. Anh Hải, quê Phú Thọ, ông bố duy nhất trong khu cách ly tập trung.

Anh và vợ cùng đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, rồi 2 người có con. Đúng dịp này, anh hết hợp đồng, nhưng vợ thì chưa. Hai cha con lên chuyến bay về nước với gần 30 đứa trẻ khác.

Cach ly tap trung khi ve nuoc anh 3

Anh Hải và con trai. Ảnh: An Bình.

Anh nói "người tính không bằng trời tính". Chính đợt về quê theo chính sách của Nhà nước, rồi phải vào khu cách ly tập trung 14 ngày, anh có cơ hội được ở gần, ôm ấp con cả ngày.

“Hồi bên Hàn Quốc, mình đi làm, rồi tăng ca nên gần như không có thời gian chăm sóc, gần con. Mọi việc do mẹ cháu đảm nhận. Giờ về đây, mình mới có thời gian chăm con cả ngày lẫn đêm. Điều đó làm mình thấy thật sự hạnh phúc”, anh tâm sự.

Anh Hải nói rằng rất mong hết thời gian cách ly để được về quê, đưa con trai đầu lòng ra mắt ông bà nội, ngoại và hàng xóm.

Còn ít ngày nữa hết thời gian cách ly, bà Vui lại đứng ngồi không yên. Bà bảo ở đây sống thoải mái quá. Việc đó khiến bà trước khi làm hay nói gì cũng có dư thời gian để đắn đo, suy nghĩ.

“Hết cách ly cháu sẽ về quê thăm ông bà nội ở Hà Nội. Ông bà nội đã chuẩn bị hết cả rồi, từ vé cho đến xe đón ở sân bay. Nghĩ đến, tôi lại không ngủ được”, bà Vui nói.

Còn bà Lành, việc đầu tiên bà nghĩ đến khi về quê là sẽ làm mâm cơm để báo cáo với ông bà tổ tiên về đứa cháu nội.

"Dịp này cháu cũng sắp tròn 1 tuổi, tôi bàn với gia đình sẽ làm tiệc đãi họ hàng, báo cáo về thằng cháu mới ở nước ngoài về", bà Lành cười.

"Các cháu coi tôi như cha"

7h sáng, thiếu úy Đặng Thanh Tịnh (cán bộ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa) có mặt tại phòng cách ly của gần chục cháu bé để đo thân nhiệt. Hôm nay, anh không phải pha trò trước khi đưa máy đo thân nhiệt lên.

“Những ngày đầu, các cháu thấy người lạ, mình lại bịt kín mặt mũi nên các bé nhất định không cho lại gần. Hôm nay, các cháu quen rồi”, anh Tịnh kể.

Nơi cách ly tập trung 30 trẻ em về từ Hàn Quốc "Tôi đo nhiệt độ, thăm khám nhiều nên các cháu tưởng tôi là cha", thiếu úy Đặng Thanh Tịnh chia sẻ.

Đi đón các cháu từ lúc tàu bay hạ cánh ở sân bay Cam Ranh. Anh và các đồng đội chăm các cháu gần như 24/24. Thiếu úy Tịnh nói một số cháu đã coi anh như cha.

“Ngày 3-4 lần đo nhiệt độ, rồi thăm khám, lo từng viên thuốc khi có bé nào ho, sốt. Vài cháu đã coi tôi như cha”, thiếu úy Tịnh chia sẻ.

Trung tá Nguyễn Ánh Dương, Phó trung đoàn 974 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa), cho biết đây là lần đầu trung tâm đón các cháu 5-12 tháng tuổi. Vì thế mọi việc được trung tâm chuẩn bị rất kỹ.

"Thức ăn cho các cháu được chúng tôi nghiên cứu rất kỹ và chế biến phù hợp theo độ tuổi. Các chiến sĩ cũng chuẩn bị sẵn nước sôi, khăn ướt và các đồ dùng thiết yếu để các bà chăm cháu", trung tá Dương cho hay.

Sản phụ sinh bé trai nặng 3,1 kg khi đang cách ly

Tại khu cách ly tập trung, sản phụ 33 tuổi có dấu hiệu chuyển dạ nên được nhân viên y tế đưa tới bệnh viện để sinh con.

An Bình

Bạn có thể quan tâm