Sau khi lắng nghe hơn 20 ý kiến của người dân, 2 vị đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian để trao đổi về những tồn đọng của vấn đề Thủ Thiêm và công việc giám sát tiến độ giải quyết của các cơ quan chức năng.
Không né tránh vấn đề Thủ Thiêm
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết tại đầu kỳ họp thứ 4, Đoàn đại biểu Quốc hội của TP.HCM đã có văn bản khá tổng quát về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Dân nguyện Quốc hội.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho hay không né tránh vấn đề Thủ Thiêm. Ảnh: Sỹ Đông. |
Ban Dân nguyện đã gửi 4 văn bản đến các cơ quan: Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ để cùng phối hợp giải quyết những thông tin xoay quanh khiếu kiện của người dân Thủ Thiêm. “Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM không né tránh những vấn đề mà cử tri mong mỏi”, ông Khuê khẳng định.
Còn việc khu đô thị mới Thủ Thiêm có thành 1 đề mục thảo luận của Quốc hội hay không thì đoàn sẽ xem xét, nếu kỳ họp có đặt vấn đề làm việc với Thanh tra Chính phủ xoay quanh vấn đề giải quyết đơn thư khiếu nại, khiếu kiện thì Đoàn đại biểu Quốc hội của TP.HCM sẽ đề cập vào buổi trao đổi đó. "Thậm chí là chất vấn Thanh tra Chính phủ về công tác thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với vấn đề Thủ Thiêm", ông Khuê nói.
Ông Khuê cho hay bản thân ông hiểu được sự nôn nóng của cử tri khi vấn đề Thủ Thiêm bị kéo dài quá lâu. "Chúng tôi cũng rất nóng ruột vì sự việc kéo dài quá lâu nên đến lúc này, việc giải quyết các kiến nghị xác đáng của người dân phải được thực hiện khẩn trương hơn", Khuê nói thêm.
Cử tri bức xúc trước việc giải quyết các bức xúc của người dân Thủ Thiêm kéo dài. Ảnh: Sỹ Đông. |
Thừa nhận việc giải quyết các vấn đề của Thủ Thiêm có chậm, ông Khuê cho hay đoàn đại biểu quốc hội đang vừa giám sát vừa gắn kết để giải quyết thật sớm.
Về việc cử tri yêu cầu phải thanh tra toàn diện, giải quyết thấu đáo khu 4,3 ha vì sao chưa xác định mốc ranh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM mong người dân yên tâm bởi các cơ quan ở TP đang quyết liệt giải quyết, có sự gắn kết với các cơ quan Trung ương.
“Do quá trình thực hiện dự án hơn 20 năm và có những sai sót nên lần này không cho phép được xảy ra một sai sót nào khác, bởi vì như vậy sẽ tạo ra tiền lệ không tốt cho quá trình phát triển đô thị”, ông Khuê nhấn mạnh. Do đó, đoàn đại biểu quốc hội phải làm từng bước thận trọng và chặt chẽ, đối chiếu các hồ sơ để giám sát, thậm chí là phản biện với các cơ quan chức năng.
“Chúng tôi vẫn kiên trì"
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng khẳng định không né tránh vấn đề Thủ Thiêm vì những bức xúc của người dân cũng là vấn đề mà bà quan tâm.
Cụ thể, vấn đề Thủ Thiêm không chỉ dừng lại ở phản ánh với Quốc hội mà còn được đoàn đại biểu quốc hội giám sát, nhắc nhở nhiều lần để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết bức xúc của người dân. “Chúng tôi vẫn kiên trì”, bà Tâm nói với cử tri.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ các đại biểu đấu tranh trực diện với cơ quan Nhà nước để giải quyết thấu đáo kiến nghị cử tri. Ảnh: Sỹ Đông. |
Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc kiểm đếm có sai sót, vị đại biểu này cho rằng do dự án thực hiện trong thời gian dài, diện tích rộng và số hộ ảnh hưởng khá đông. Do đó, tổ đại biểu yêu cầu các cơ quan chức năng vừa rà soát cái chung nhưng vẫn phải rà soát cho từng trường hợp cụ thể để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân.
“Giữa sự phát triển của thành phố, của khu đô thị mới Thủ Thiêm và quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân phải được bảo đảm. Chúng ta không coi trọng cái nào hơn cái nào. Dù cho một hộ dân có quyền lợi bị ảnh hưởng thì vẫn phải được tôn trọng và xem xét khách quan, đúng quy định pháp luật”, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM nhấn mạnh.
Vị đại biểu này cũng cho rằng việc giải quyết vấn đề Thủ Thiêm quá chậm nên người dân có một số phản ứng. Nhất là khi người dân yêu cầu đối thoại với chính quyền nhưng không phải lúc nào chính quyền làm cũng tốt và kịp thời.
Bà Tâm khẳng định các đại biểu trong tổ luôn đồng hành với người dân để giải quyết thấu đáo. “Không phải cuộc làm việc nào của đoàn đại biểu mà cử tri cũng biết. Có nhiều cuộc họp với UBND quận 2, thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy thì tổ đại biểu đã trao đổi, đấu tranh trực diện”, bà Tâm chia sẻ.
Xác định lại ranh giới khu đất 4,3 ha
Tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2019, thảo luận nhiệm vụ, giải pháp cho công việc trong quý II/2019, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nêu ra những vấn đề của các sở ngành còn tồn đọng từ năm 2018 và quý I/2019, trong đó có vấn đề ranh giới địa lý của lô đất 4,3 ha đã được Chính phủ kết luận nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết Chính phủ đã đồng ý cho UBND TP.HCM xác định lại ranh giới cụ thể của khu đất 4,3 ha, dựa vào đó để làm cơ sở xem xét tái bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư cho người dân theo đúng quy định. Thường trực UBND TP.HCM đang lấy ý kiến của các sở liên quan, các bộ, ngành Trung ương để sớm đi đến thống nhất, tìm giải pháp tốt nhất cho những khiếu nại kéo dài của người dân ở Thủ Thiêm.
Khu 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2, nằm tại góc đường Lương Định Của - Trần Não - đường 34 - đường 35, được Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với hàng trăm hộ dân ở khu vực 4,3 ha là chưa đủ cơ sở pháp lý.