Mẫu tai nghe AirPods Max vừa được Apple công bố cũng không ngoại lệ. Với mức giá 549 USD, không ai có thể chắc đây sẽ là sản phẩm thành công, nhất là khi mảng âm thanh không phải sở trường của Táo khuyết.
Đôi lúc giá bán cao có thể khiến sản phẩm của Apple thất bại, điển hình như loa HomePod đời đầu và người dùng không nên bất ngờ trước khả năng “hét giá” của hãng. Chiến lược định giá của Apple thay đổi liên tục qua từng năm và tùy vào từng sản phẩm nhưng nhìn chung, tất cả đều xoay quanh 3 nguyên tắc.
Dù có giá cao ngất ngưỡng, chúng ta chưa thể nói trước được gì về tương lai của AirPods Max. Ảnh: Apple. |
"Chúng tôi không bán sản phẩm giá rẻ"
Apple sẽ không dẫn đầu phân khúc giá rẻ trong một danh mục sản phẩm bất kỳ. Dù các nhà phê bình luôn cho rằng sản phẩm của Apple bao giờ cũng có giá cao, trên thực tế, hãng không quan tâm đến việc làm sản phẩm để cạnh tranh trong phân khúc giá rẻ.
Mặc dù thừa sức tạo nên một chiếc MacBook giá 499 USD hay iPad giá 199 USD để tiếp cận được nhiều khách hàng nhưng đây không phải điều Apple hướng tới. Thứ mà Apple quan tâm là tạo ra sản phẩm cao cấp giúp duy trì bản sắc và độ nhận diện thương hiệu.
Chắc chắn chúng ta sẽ không thể nhìn thấy một chiếc MacBook có độ hoàn thiện kém trên thị trường, bởi Apple luôn ca ngợi và tự hào về những sản phẩm mình làm ra. Việc cắt giảm chất lượng để đổi lấy giá bán thấp hơn liệu có mang lại lợi ích cho Apple hay chỉ làm xấu hình ảnh thương hiệu trong mắt người dùng?
Sẽ không bao giờ có một chiếc MacBook giá rẻ có chất lượng hoàn thiện kém. Ảnh: TechRadar. |
Apple luôn biết cách “móc túi” khách hàng khiến họ chi nhiều hơn để đổi lấy chất lượng sản phẩm. Nếu muốn sở hữu một chiếc MacBook giá rẻ, người dùng sẽ tốn 999 USD cho MacBook Air và có được một chiếc laptop tương xứng.
Giá bán luôn ngoài dự đoán
Nếu một sản phẩm nào đó của Apple được đồn đại có giá 499 USD thì khi ra mắt, giá bán phải cao hơn thế. Đó là lý do Apple trở thành công ty giá trị nhất thế giới.
Để dễ hiểu hơn, hãy hình dung về một sản phẩm Apple sắp công bố, tất nhiên phải là thứ người dùng muốn mua. Kế đến là nghĩ về giá bán, con số thực tế do Apple công bố luôn cao hơn những gì chúng ta tưởng.
Nhưng dù đã nâng giá bán, khách hàng vẫn tự nhủ rằng mình có thể mua nó. Cuối cùng, tăng thêm 50-100 USD cho những tùy chọn bổ sung là sẽ ra mức giá Apple niêm yết.
Sở hữu những tính năng cao cấp, người dùng khó mà mong đợi sản phẩm của Apple có giá phải chăng. Ảnh: The Verge. |
Áp dụng cánh tính này cho bất kỳ sản phẩm, người dùng sẽ không bị thất vọng trước những gì Apple công bố và thậm chí có lúc, họ còn phải ngạc nhiên khi Apple định giá sản phẩm thấp hơn dự đoán.
Giá niêm yết không hẳn là mức giá cuối cùng
Ngày trước, Apple được biết đến là hãng chuyên giữ giá sản phẩm tốt. Điển hình như iPhone, dù đã lên kệ một thời gian chúng vẫn có giá bán không đổi so với thời điểm vừa ra mắt.
Người dùng có thể tìm mua sản phẩm tại Apple Store và các bên phân phối với chung một mức giá. Trừ một số trường hợp khuyến mãi để dọn kho và nhập hàng mới, hiếm khi Apple triển khai chương trình ưu đãi.
So với smartphone Android, giá bán iPhone luôn ổn định qua thời gian. Ảnh: The Verge. |
Tuy nhiên, điều này không còn đúng ở thời điểm hiện tại. Apple đã thay đổi chiến lược kinh doanh khi định giá sản phẩm cao hơn đôi chút nhằm tạo điều kiện cho các đợt giảm giá, khuyến mãi và tiếp thị.
Từ năm 2018, chiến lược mới thể hiện rõ khi Apple trình làng MacBook Air màn hình Retina giá 1.099 USD. Trước đó, đại đa số người dùng đều kỳ vọng mẫu máy sẽ có giá 999 USD như phiên bản tiền nhiệm, song mọi thứ đều nằm ngoài dự đoán.
Nhưng điều buồn cười là ngay sau khi được giới thiệu, nhiều nhà bán lẻ trực tuyến đã thường xuyên giảm giá máy xuống còn 999 USD. Có vẻ như giá niêm yết sẽ dành cho những ai không muốn bỏ công chờ và tìm ưu đãi giảm giá.
Apple đã thay đổi chiến lược định giá trên Mac M1 nhờ việc chuyển sang chip tự sản xuất. Ảnh: The Verge. |
Hiện tại, chiến lược này vẫn đang được áp dụng trên Mac M1. Một số trang bán hàng đang chào mời Mac M1 với giá khá tốt. Có thể thấy, Apple ngày nay đã thay đổi khi không còn cứng nhắc trong việc định giá sản phẩm. Chính vì thế, người dùng đừng nóng vội mua sản phẩm Apple khi vừa ra mắt và chờ một thời gian để có giá tốt hơn.
Sức mạnh thương hiệu là điều cốt yếu
Với những chiếc tai nghe AirPods Max giá 549 USD, người dùng sẽ tự hỏi rằng liệu Apple có đang “ảo tưởng”? Câu trả lời là tùy vào chính họ.
Nếu AirPods Max bất ngờ xuất hiện trên Amazon với giá 475 USD và khách hàng đổ xô mua, có lẽ chiến lược tiếp thị của Apple đã phát huy tác dụng. Ngược lại, nếu doanh số bán không được như kỳ vọng, đây lại là một sản phẩm thất bại, tiếp bước loa HomePod.
Logo quả táo cắn dở vẫn là thứ gì đó thu hút người dùng. Ảnh: Lê Trọng. |
Nếu thích một chiếc tai nghe chụp tai gắn mác Apple nhưng không thể bỏ ra 549 USD để sở hữu nó, người dùng có quyền cảm thấy thất vọng. Đây chính là một phần của sức mạnh nhãn hiệu. Apple có thể khiến người dùng thất vọng nếu tạo ra một sản phẩm mà họ không mua được.
Nếu không thể mua bất kỳ sản phẩm hấp dẫn nào của Apple vì mức giá quá cao, lời khuyên dành cho mọi người là hãy kiên nhẫn, tìm ưu đãi và đợi các chương trình giảm giá. Nếu giá thực sự quá cao, Apple sẽ sớm điều chỉnh. Nhưng về bản chất, các sản phẩm của Apple vẫn luôn đắt đỏ và sẽ không bao giờ thay đổi.