Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bà Mai Kiều Liên trượt top phụ nữ quyền lực nhất châu Á

Tạp chí Forbes Asia mới công bố danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á (Asia's Power Businesswomen) năm 2016. Việt Nam có 3 đại diện, nhưng không có tên bà Mai Kiều Liên.

Việt Nam có 3 doanh nhân, đều là nữ tướng đến từ những tập đoàn, công ty lớn. Đó là bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm CEO Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm đồng sáng lập Sovico Holdings (Sovico hiện sở hữu Vietjet Air và HD Bank) và bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH và Bắc Á Bank.

Năm 2015, Việt Nam chỉ có 2 đại diện là bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và bà Thái Hương. Như vậy, năm nay Việt Nam đã tăng thêm 1 đại diện.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là bà Mai Kiều Liên, người từng 4 lần liên tiếp (2012 - 2015) lọt vào danh sách trên, đã vắng mặt trong danh sách top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2016.

Vinamilk anh 1
Bà Mai Kiều Liên.

Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên đã xây dựng Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn được kính trọng trên khắp châu Á. Vì vậy, bà thường xuyên xuất hiện hàng đầu trong danh sách vinh danh những doanh nhân hàng đầu Việt Nam cho cả nam và nữ. Mới đây, tháng 3/2016, tạp chí Forbes Việt Nam cũng xếp bà đứng thứ 4 trong danh sách 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam trong mọi lĩnh vực.

Trước đó, năm 2015 bà Liên cũng được kênh truyền hình CNBC của Mỹ ví von như "Margaret Thatcher của Việt Nam". Bà cũng là người Việt Nam duy nhất được nhận giải thưởng “Kinh tế và đổi mới doanh nghiệp" tại giải thưởng Nikkei châu Á lần thứ 20 tổ chức tại Nhật Bản.

Kết quả kinh doanh của Vinamilk năm 2015 tiếp tục tăng trưởng mạnh so với năm trước đó khi doanh thu đạt hơn 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.773 tỷ đồng, tăng 28%.

Trong khi Vinamilk ngày một tăng trưởng và khẳng định vị thế thì “linh hồn” của công ty là bà Mai Kiều Liên lại vắng mặt đáng tiếc tại danh sách trên của Forbes Asia.

Nguyên nhân, theo đánh giá của một số chuyên gia, có thể đến từ tiêu chuẩn của Forbes. Trong đó, nữ doanh nhân được chọn phải đến từ các công ty lớn, doanh thu thường là phải 1 tỷ USD, hiếm khi dưới 100 triệu USD. Bên cạnh đó, vai trò của nữ doanh nhân trong công ty cũng giữ vai trò quan trọng, nếu nữ doanh nhân là người lãnh đạo công ty thì đó sẽ là một lợi thế lớn trong quá trình đánh giá.

Bất lợi đối với bà Mai Kiều Liên là tháng 7/2015, Hội đồng quản trị Vinamilk đã tổ chức cuộc họp để bầu lại vị trí chủ tịch HĐQT nhằm tách chức danh Chủ tịch và Tổng giám đốc theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Kết quả, bà Lê Thị Băng Tâm, thành viên HĐQT được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT thay thế bà Mai Kiều Liên. Tuy nhiên, bà Liên vẫn giữ chức chức Tổng giám đốc, đồng thời là thành viên HĐQT Vinamilk.

Lý do chính là bà Liên đến tuổi nghỉ hưu nên không còn là đại diện cho SCIC, cổ đông lớn nhất với 45% vốn tại Vinamilk. Việc không còn giữ chức Chủ tịch HĐQT của Vinamil được cho là lý do Forbes Asia cho rằng quyền lực của bà Mai Kiều Liên đã giảm sút.

40 năm của 'người đàn bà thép' ở Vinamilk

Được kênh CNBC (Mỹ) ví như "Margaret Thatcher", bà Mai Kiều Liên đưa Vinamilk từ một doanh nghiệp Nhà nước trở thành công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.


Phương Diệp

Bạn có thể quan tâm