Trong cuộc trao đổi riêng với Zing.vn, ông Phạm Quang Vinh, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ, phân tích tại sao Việt Nam là ứng viên hàng đầu cho việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Nhà ngoại giao kỳ cựu nói Việt Nam không những đủ kinh nghiệm để tổ chức một hội nghị tầm cỡ và nhạy cảm về chính trị như vậy nhưng Việt Nam "sẽ mang đến những gợi ý hay" với ít nhất ba lợi thế mà không phải nước chủ nhà nào cũng có.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong hội nghị đầu tiên ở Singapore tháng 6/2018. Ảnh: Getty Images. |
Bài học từ lịch sử quan hệ Việt - Mỹ
- Tổ chức cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim tại HN chắc chắn là sự kiện lớn của ngoại giao Việt Nam trong năm 2019. Trong mắt Mỹ và Triều Tiên, vì sao Việt Nam được chọn?
- Lý giải việc lựa chọn địa điểm có lẽ phải để cho các bên trực tiếp liên quan lên tiếng. Cảm nhận cá nhân, tôi nghĩ Việt Nam là một trong những địa điểm tốt cho cuộc gặp như này. Khi còn làm đại sứ ở Mỹ, tôi thấy trong quá trình bàn bạc, hai bên Mỹ và Triều Tiên đặt ra một số yêu cầu.
Một là hai bên vốn dĩ có khó khăn với nhau. Họ rất muốn một địa điểm có môi trường thuận lợi với cả hai, tốt nhất là có quan hệ ngoại giao với cả hai . Hai là thuận lợi về mặt địa lý đi lại, bên nào đi đến đấy cũng đều cảm thấy thuận lợi, không quá thiên bên nào.
Thứ ba là nước chủ nhà sẵn sàng đón tiếp. Thứ tư là đầy đủ cơ sở vật chất, hậu cần để bảo đảm cho một cuộc gặp lớn như vậy. Những điều đó, mình đáp ứng được, nhưng không chỉ có VN mà nhiều nước khác cũng đáp ứng được. Tôi cũng chưa biết họ lựa chọn sao.
Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh trong buổi phỏng vấn với Zing.vn. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Là người Việt, tôi nghĩ chúng ta có đủ điều kiện, thậm chí còn có lợi thế.
Lợi thế thứ nhất là lập trường của Việt Nam trong quá trình xử lý vấn đề bán đảo Triều Tiên - chúng ta đã nghiêm túc thực hiện những cam kết quốc tế Liên Hợp Quốc đề ra. Các nước cũng hiểu là Việt Nam ủng hộ giải pháp hòa bình, tức là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ta có quan hệ tốt với Triều Tiên, quan hệ tốt với Mỹ, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Hội đồng Bảo an. Chúng ta đã đóng góp vào tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thông qua nhiều khuôn khổ khác nhau như ASEAN, Diễn đàn khu vực ARF,... Có những nước thiên lệch đấy!
Lợi thế thứ hai là quá trình đưa nền kinh tế thoát khỏi chế độ bao cấp, để đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam có lẽ cũng là một gợi ý tốt.
Thứ ba là câu chuyện xử lý hậu quả chiến tranh, thù địch và quá trình hòa giải giữa Việt Nam và Mỹ cũng là một kinh nghiệm tốt.
Các nước trong cuộc sẽ là người tính toán với nhau và trao đổi với mình. Không chỉ nước ta có đủ kinh nghiệm để tổ chức một hội nghị có tầm cỡ và nhạy cảm về chính trị như vậy, nhưng Việt Nam sẽ mang đến những gợi ý hay.
- Năm ngoái, Singapore gửi đi thông điệp về "nơi kiến tạo hòa bình" thông qua tổ chức cuộc gặp. Lần này Việt Nam có thể gửi thông điệp gì?
- Chắc chắn hòa bình, hòa giải, hợp tác, phát triển là điều ai cũng mong muốn. Chúng ta muốn giúp xử lý vấn đề điểm nóng trên bán đảo Triều Tiên nơi từ thập niên 1950 chưa có hiệp định hòa bình.
Mình có đủ bốn điều kiện nói trên mà quốc gia tổ chức hội nghị cần có, kể cả khi ông Trump và ông Kim gặp nhau lần thứ nhất. Nhưng với đặc thù của bán đảo Triều Tiên, của quan hệ Mỹ - Triều, mình còn có ba điểm mà cũng có thể là kinh nghiệm hay như đã nói trên. Tổ chức cuộc gặp ở Việt Nam, chính những điều đó đã là thông điệp rồi.
Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế lớn. Trong ảnh là đoàn xe của Tổng thống Mỹ Donald Trump đi qua cầu Rồng tại Đà Nẵng trong Tuần lễ Cấp cao APEC tháng 11/2017. Ảnh: Tiến Tuấn. |
"Việt Nam chắc chắn sẽ làm tốt"
- Với kinh nghiệm đối ngoại lâu năm, theo ông, đâu là những điều chúng ta cần lo trong khâu tổ chức?
- Trong 10 năm qua chúng ta đã tổ chức nhiều hội nghị lớn, kể cả những hội nghị quan trọng như APEC. Tất cả đều không là vấn đề với Việt Nam. Việt Nam chắc chắn sẽ làm tốt khi tổ chức cuộc gặp Trump - Kim. Chúng ta không có gì phải lo lắng, kể cả các yêu cầu về cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật, những yêu cầu đột xuất, cũng như cả về lòng hiếu khách.
- Ông có cho rằng Việt Nam có thể đóng vai trò lớn hơn trong phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, không chỉ dừng lại ở tổ chức cuộc gặp?
- Đây không phải là điều mà bây giờ chúng ta mới làm. Lập trường của Việt Nam lâu nay là ủng hộ hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cộng với bảo đảm an ninh khu vực, kèm theo đối thoại giữa hai miền Triều Tiên.
Thứ hai là chúng ta đóng góp thông qua các diễn đàn khác nhau, đặc biệt là trong khuôn khổ ARF, ASEAN. Nếu mọi người còn nhớ, chính khi hội nghị 6 bên về Triều Tiên đổ vỡ, một phần bên lề hội nghị ASEAN tại Singapore năm 2007 đã được sử dụng để thảo luận về vấn đề này.
Thứ ba là trong quá trình thảo luận với các bên liên quan, chúng ta đã trao đổi những kinh nghiệm về xử lý những vấn đề an ninh, cải cách phát triển kinh tế, mở cửa. Tôi cho rằng Việt Nam đã có vai trò, với mục tiêu chung là hòa bình ổn định và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cả về quan hệ với từng nước riêng lẻ lẫn trong khuôn khổ chung, trong đó có ASEAN.
Tin về vụ thử tên lửa của Triều Tiên trên thời sự Hàn Quốc tháng 7/2017. Ảnh: Getty Images. |
- Truyền thông Mỹ tiết lộ giới tình báo Mỹ và Triều Tiên trong quá khứ đã luôn có kênh đối thoại bí mật kéo dài tới cả thập kỷ, góp phần rất lớn cho cuộc gặp sau này giữa lãnh đạo hai nước. Ông đánh giá thế nào vai trò của kênh bí mật như vậy trong thúc đẩy đối thoại chính thức?
- Tôi không rõ cụ thể họ đã trao đổi như thế nào. Nhưng nếu có những dịp, những kênh khác nhau để chia sẻ thông tin và hiểu nhau hơn, sẽ giúp tháo gỡ khúc mắc và phát triển các lợi ích song trùng dễ hơn. Vì vậy chia sẻ thông tin nói chung, trong đó chia sẻ thông tin tình báo để hiểu nhau hơn, cùng tháo gỡ khó khăn và đóng góp vào hòa bình chung, là điều tốt.
- Ông đánh giá sao về ý nghĩa của hội nghị Trump - Kim sắp tới?
- Trước hết là phải thấy hội nghị lần này có những thách thức mới rất khác với Singapore. Cuộc gặp tại Singapore là quyết sách chính trị lớn và là cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử giữa lãnh đạo đương nhiệm hai nước, hai người tưởng chừng khó có thể gặp nhau nếu không phải ông Trump.
Nhưng khi đã có cuộc gặp lần đầu rồi thì trong lần gặp nhau lần hai, việc hai bên sẽ đưa ra được cái gì là điều rất quan trọng. Nếu cuộc gặp Singapore có thể nói là mang tính biểu tượng, thì cuộc gặp lần hai, người ta sẽ trông đợi xem có kết quả gì cụ thể.
- Xin cảm ơn ông!