Con đường Phạm Thị Yến đến với bóng chuyền khá gập ghềnh và phải nhờ có tình yêu lớn với môn thể thao này thì cô mới vươn tới thành công. |
Sinh ra trong một gia đình không liên quan gì đến thể thao tại Hà Nam, Yến đến với bóng chuyền một cách ngẫu nhiên nhờ thông tin từ một bác hàng xóm để rồi “trốn” lên tỉnh đăng ký vào lớp năng khiếu bóng chuyền.
Nghiệp bóng của thiếu nữ 14 tuổi tưởng như bị “chặn đứng” ngay từ đầu khi cả nhà, đặc biệt bà nội kiên quyết phản đối. Càng đáng buồn hơn bởi chính HLV ban đầu nhận Yến vì thích chiều cao, sau đó lại khuyên thật “em không nên theo vì không có năng khiếu đâu”.
Với người khác có thể mọi chuyện sẽ dừng lại nhưng cả hai thách thức đó lại khiến Yến quyết tâm cao độ khi cam kết với gia đình cùng HLV “chỉ xin đúng 1 năm để thể hiện, nếu không thành công tự xin về”.
Trên sân bóng chuyền, hình ảnh của Phạm Yến luôn rất đẹp. |
Và chưa cần hết thời hạn ấy, nhờ nỗ lực bền bỉ, gắn với một cách tập luyện chơi bóng sớm có nét riêng, Yến nổi lên như VĐV trẻ xuất sắc nhất của đội. Đến nỗi, chính HLV của đội đã phải về nhà vận động cho Yến gắn bó lâu dài với thảm đấu.
Tài năng chớm nở, Yến lại gặp một nghịch cảnh lớn khi đội nữ Hà Nam bị giải tán vào năm 2001, và chị là một trong vài trường hợp được giữ lại thêm một thời gian chờ lãnh đạo… hậu xét.
Trong cảnh bơ vơ như vậy, chủ công trẻ vẫn miệt mài tập luyện, mọi chỉ số chuyên môn đều tốt lên trông thấy. Và chính điều đó đã tạo ra một cơ may mang tính bước ngoặt cho Yến khi lọt vào mắt xanh của HLV “lò” Thông tin trong một lần xuống cơ sở.
Cô là một trong những nữ cầu thủ giàu thành tích nhất của bóng chuyền Việt Nam. |
Cũng phải rất khó khăn, đội bóng quân đội mới đưa được Yến về đội, song kết quả có được mỹ mãn ngoài dự kiến. Chỉ sau đúng 1 năm ăn tập tại đây, cô học trò “ngoại nhập” duy nhất hội đủ mọi yếu tố để vươn tới đỉnh cao. Với thể lực sung mãn, khả năng di chuyển linh hoạt, mức bật đà 3,05 m để có thể tung ra những cú dứt điểm như “búa bổ” trong mọi tình huống, Yến luôn là nỗi ác mộng của mọi đối thủ.
Từ năm 2003, Yến khuynh đảo các sân chơi quốc nội và cùng với Bùi Huệ tạo thành cặp “sát thủ” ở đội tuyển quốc gia. Chưa có thống kê chính thức, song tính trong khoảng 10 năm trở lại đây, Yến chắc chắn là chủ công ghi nhiều điểm nhất nước ở giải vô địch quốc gia, cũng như trên Tuyển, với hiệu suất trung bình trên 20 điểm mỗi trận.
Đến nay, khi đã 29 tuổi và kiêm nhiệm ghế HLV nhưng Yến vẫn duy trì đẳng cấp và phong độ rất cao. Ít ai biết, Yến từng suýt mất nghiệp bởi “kẻ thù giấu mặt” chấn thương.
Cô có rất nhiều fan hâm mộ, thậm chí nhận được nhiều thư tỏ tình của fan nam nhưng đến nay vẫn lẻ bóng. Yến lý giải rằng cái duyên chưa tới. |
Mới 21 tuổi, chủ công số 1 này bất ngờ dính chấn thương đầu gối. Ban đầu, Yến chỉ nghĩ đó là chấn thương đơn giản nhưng nó kéo dài dai dẳng và phức tạp khiến cô vài lần phải nghỉ dài hạn để chữa trị.
Chỉ riêng năm 2011, chấn thương của Yến tái phát hai lần ở mức độ nghiêm trọng, mà ai cũng đoan chắc chị phải giải nghệ. Tuy nhiên, nhờ ý chí, nỗ lực và phần nào đó cả may mắn, Yến thoát hiểm theo cách khá kỳ lạ.
Và đáng nói hơn, sau mỗi đợt phải nghỉ chữa chấn thương quay trở lại, chị lại khiến giới chuyên môn, người hâm mộ ngỡ ngàng vì sức sống mới trên thảm đấu. Nếu như trước chấn thương, lối chơi của Yến thiên về thể lực, thì sau này thay vào đó lại là những pha xử lý khéo léo, thông minh.
Phạm Yến là đàn chị và HLV của chủ công đang lên là Trần Thị Thảo. |
Ngoài trọng trách của một chủ công số 1, mới đây, Phạm Thị Yến được bổ sung vào thành phần BHL tuyến 1 của đội đương kim vô địch quốc gia Thông tin LV Post Bank.
Phạm Thị Yến cùng với Phạm Kim Huệ chính là hai nữ cầu thủ được hâm mộ nhất, và cũng có sức ảnh hưởng nhất của bóng chuyền nữ lâu nay. Mỗi khi đến sân hay bật TV xem, nhiều người hâm mộ có câu cửa miệng: “Có Phạm Yến đấu không?” hay “Phạm Yến đâu rồi?”.
Chị liên tục nhận được thư tay giờ đã đủ kê đầu gường không cần gối, trong đó ngoài những nội dung kết bạn, bày tỏ tình cảm còn có cả… lời tỏ tình và cầu hôn. Hàng loạt đàn em đã đam mê rồi theo bóng chuyền đều phấn đấu đúng mẫu hình, lối chơi của chị Yến.
Trong làng thể thao, Yến cũng nổi tiếng có “gu” thời trang. Hầu hết thường phục đều do chị tự thiết kế, rồi tự chọn vải, đặt hàng hiệu may. Yến còn hỗ trợ nhiều đồng đội khác.
Không thiếu sự lựa chọn song đến giờ ngôi sao từng đoạt giải Miss VTC Cup 2008 hãy còn lẻ bóng, đơn giản vì với chị chuyện tình cảm, kết hôn còn… tùy duyên.
Rất thú vị, Phạm Thị Yến cũng chính là em con cô ruột của một chủ công hàng đầu Việt Nam khác là Đỗ Thị Minh. Yến đã dẫn đường và hỗ trợ bà chị họ kém mình 3 tuổi đến với nghiệp bóng chuyền, và họ từng là một cặp đôi ăn ý ở đội tuyển quốc gia.