Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ba lần 'bay' vào thị trường Việt Nam bất thành của AirAsia

Sau ba lần thất bại trong việc bước vào thị trường hàng không Việt, ông lớn AirAsia vẫn không từ bỏ tham vọng và tiếp tục với cơ hội thứ 4.

Hiếm có một hãng hàng không nào kiên trì với thị trường Việt Nam như AirAsia, và cũng hiếm có thị trường nào mà gã khổng lồ tới từ Malaysia quyết tâm gia nhập như Việt Nam.

Ba lần "bén duyên" không thành, AirAsia quyết tâm thử sức lần thứ 4, khi liên doanh với Gumin và Hải Âu thành lập hãng hàng không mới, tìm cho mình một miếng bánh trong thị phần hàng không Việt.

Ba lần liên doanh bất thành

Liên doanh với các doanh nghiệp nội địa dường như là con bài giúp AirAsia có chỗ đứng trong thị phần hàng không tại nhiều quốc gia trong khu vực.

ba lan vao viet nam bat thanh cua AirAsia anh 1
AirAsia trung thành với chiến lược liên doanh với doanh nghiệp nội để tiếp cận thị trường Việt Nam, dù 3 lần thất bại. Ảnh minh họa: VJA.

Sử dụng lại chiến thuật làm nên tên tuổi, AirAsia quyết tâm bước chân vào thị trường Việt Nam vào năm 2005.

Thời điểm đó, hãng hàng không đến từ Malaysia nhìn ra cơ hội từ sự kiện Chính phủ muốn tái cơ cấu Pacific Airlines. Đây là hãng hàng không không thuộc sở hữu Nhà nước đầu tiên nhưng do hoạt động không hiệu quả, Pacific Airlines nhiều lần đổi chủ.

Nhìn ra thời cơ thị trường hàng không Việt Nam còn sơ khai, AirAsia tham gia cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của Pacific Airlines. Tuy nhiên, phần thắng trong cuộc đua lại thuộc về Qantas của Australia, và Pacific Airlines chính thức đổi thành Jetstar Pacific, chân rết giá rẻ đầu tiên của Qantas tại khu vực Đông Nam Á.

Sau lần đầu "bén duyên" không thành, AirAsia thử sức lần hai vào năm 2007. Tiếp tục kiên trì với chiến lược liên doanh với các đơn vị nội địa để thành lập hãng hàng không mới, đối tác lựa chọn lần này là Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Hai bên đã đạt được thỏa thuận chung. Theo đó, AirAsia sẽ lo về phần bay và góp 30% vốn, Vinashin lo các thủ tục, giấy phép với các cơ quan điều hành để thành lập hãng hàng không.

Tuy nhiên, giấc mơ bay tại Việt Nam của gã khổng lồ hàng không Đông Nam Á lại đổ bể, vì Chính phủ không chủ trương cấp phép thành lập hãng hàng không mới, nhất là hãng bay có vốn đầu tư nước ngoài.

Cơ hội cho AirAsia lại nhen nhóm vào năm 2010, khi Vietjet Air, hãng hàng không tư nhân chưa đạt được nhiều thành công và muốn bay trở lại trước khi bị rút giấy phép vào cuối năm 2010. Phù hợp với chiến lược, Vietjet Air nhanh chóng được hãng bay tới từ Malaysia tiếp cận, với mong muốn mua lại 30% cổ phần, trở thành đối tác chiến lược.

ba lan vao viet nam bat thanh cua AirAsia anh 2
Kiên trì sau 3 lần thất bại, liệu AirAsia có thành công trong lần thứ 4? Ảnh: Bloomberg.

Liên doanh với thương hiệu Vietjet AirAsia dự kiến cất cánh trong năm 2010 đã vấp phải phản đối từ Vietnam Airlines.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam gửi kiến nghị lên Cục Hàng không. Cục Hàng không cũng khuyến nghị Vietjet Air phải có thương hiệu, biểu tượng riêng, không được nhầm lẫn với bất kỳ hãng hàng không nào khác, nhất là hãng hàng không nước ngoài.

Thất bại trong việc mang thương hiệu AirAsia vào Việt Nam, hãng này thoái vốn khỏi liên doanh với Vietjet Air, "ngậm đắng" lần thứ 3 tại thị trường hàng không Việt.

Quá tam ba bận?

Đầu tháng 4, AirAsia khiến giới quan sát bất ngờ về sự kiên trì với thị trường Việt Nam, khi tuyên bố liên doanh với Gumin và Hải Âu để thành lập hãng hàng không mới, dự kiến cất cách đầu năm 2018.

Vẫn với chiến lược cũ đã ba lần thất bại, lần này AirAsia góp 30% vốn cổ phần của liên doanh trị giá khoảng 44 triệu USD (tương đương 1.000 tỷ đồng), 70% còn lại do Công ty TNHH Gumin của doanh nhân Trần Trọng Kiên nắm.

ba lan vao viet nam bat thanh cua AirAsia anh 3
Thị trường hàng không Việt đã thay đổi mạnh mẽ với sự góp mặt của Vietjet Air trong phân khúc giá rẻ. Đồ họa: Ngô Minh.

Không khó lý giải quyết tâm của AirAsia khi thị trường hàng không Việt Nam hiện tăng trưởng 28% một năm, gấp ba lần tốc độ tăng trưởng của các thị trường trong khu vực.

Lớn thứ 5 trong khu vực, lưu lượng hành khách của thị trường Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ năm 2013, và tầng lớp trung lưu dự kiến chiếm 1/4 dân số tính đến 2010.

Với nhiều kinh nghiệm trong ngành lữ hành và hàng không, Tập đoàn Thiên Minh, công ty mẹ của Hải Âu, nhiều khả năng giúp AirAsia thành công trong lần tiếp cận thứ 4. Tuy nhiên, thử thách cho ông lớn hàng không giá rẻ để có được thị phần cho riêng mình là không hề nhỏ.

Sau hơn 10 năm theo đuổi với 3 lần thất bại, AirAsia nếu bước thành công vào thị trường Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, do thị trường đã không còn sơ khai như thời điểm năm 2005. Vietjet Air chật vật kinh doanh năm 2010 nay cũng chiếm hơn 40% thị phần nội địa, và rất mạnh ở phân khúc giá rẻ, phân khúc mà AirAsia hướng đến tại thị trường Việt Nam.

Ông Trịnh Văn Quyết chi 700 tỷ đồng lập hãng hàng không mới

Người đứng đầu tập đoàn FLC thể hiện tham vọng lấn sân sang lĩnh vực hàng không, khi bất ngờ công bố nghị quyết thành lập một hãng bay mới.



Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm