'Bà hoàng' đồng nát đất Hà thành
Chưa vừa lòng với đống lộn xộn được xem là đồng nát, bỏ đi, bà Mỹ đang có ý định kinh doanh nước gạo, cơm thừa. Nếu thế thì đối với bà chả có cái gì là không thể mua bán.
30 năm... ăn ngủ với đồng nát
Ở cái tuổi 60, bà Mỹ (ngụ Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) có phần trẻ hơn tuổi và còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tháo vát. 60 năm tuổi đời và 30 năm gắn bó với nghề, tưởng chừng bà ăn ở với đống đồ cũ nhiều hơn với chồng, với con. Hai lần đò lận đận, bà sinh ra 9 người con, đủ nếp đủ tẻ, rồi cũng một thân một mình nuôi chúng ăn học nên người, trải qua bao sóng gió gian nan. Không được đi học, không có nghề nghiệp, bà bám lấy đống đồ cũ mà nuôi con, nuôi thân. Hỏi sao bà lại chọn cái nghề này để mưu sinh, bà chỉ cười.
Bà đến với nghề kinh doanh đồ cũ từ suy nghĩ rất thường tình. Bà nói rằng, xã hội này đâu chỉ có những người giàu có, thừa thãi, có những người nghèo khó, khổ cực cả đời như bà, chưa một lần biết đến manh áo mới, làm sao có đủ tiền đi mua này sắm nọ.
"Siêu thị đồ cũ" nằm ngay cạnh đường vào thôn Trung Văn. |
Vì thế, bà bán đồ cũ còn dùng được cho người nghèo, cho sinh viên nghèo, để cuộc sống của họ bớt đi phần nào cảnh thiếu thốn khốn cùng, bà có đồng ra đồng vào mà lại vui. Bà kể, để có được cái chỗ ngồi buôn bán, ra vào như thế này, bà cũng đã phải dịch chuyển nhiều nơi. Ngày trước, bà ngồi ở khu đất phía đầu làng, xong rồi đất giải tỏa mặt bằng, người ta đến yêu cầu chuyển đi. Mỗi lần chuyển đi là một lần bà vất vả với đồ này vật nọ, thậm chí mất mát mà thua thiệt đủ đường.
Bà Mỹ bên đống đồ cũ giá trị bao quanh. |
Di chuyển mãi rồi đến chỗ đất này, bà phải thuê, trả tiền theo tháng cho người ta. Vì nó là bãi đất trống, chẳng có tường rào bao bọc, bà cũng chỉ xếp đồ lung tung trên bãi đất, thành thử ra, chẳng có sức nào mà giữ được của trước bọn nghiện.
"Cứ rời mắt ra là mất, hồi tết tôi còn mất cả chục chiếc xe đạp cũ, rồi đồ đạc linh tinh. Của một đống tiền, xót lắm, nên có dám đi đến đâu đâu. Đi đâu là nó vào nó khua hết thì lấy gì mà bán", bà than thở.
Chú "giám đốc kỹ thuật kiêm bảo vệ" đang cần mẫn sửa đôi giày cho khách. |
Dù đã được xem là già nhưng hàng ngày vẫn tham công tiếc việc, và hăng hái hơn cả thanh niên. Bà từ rất lâu chẳng biết đến bữa cơm gia đình, suốt ngày quanh quẩn bên đống đồ cũ kỹ, bầu bạn với cơm hàng cháo chợ. Khi thì bà nhờ mua hộ suất cơm hàng, lúc là cái bánh mì, bánh đúc ăn qua ngày. Hỏi bà sao không chịu nghỉ ngơi, bà thở dài: "Bỏ sao được cái nghề gắn bó cả đời người, tôi coi nó như sinh mạng của mình, bỏ thì buồn lắm! Với lại, tôi còn trẻ còn khỏe, nghỉ ngơi sao được, lại làm phiền con phiền cháu".
"Mua của người chán, bán cho người cần"
Trên cái bãi đất trống ven đường vào thôn Trung Văn, xã Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội, bà Mỹ buôn bán đủ thứ trên đời, mà người dân gọi nó là cái "siêu thị đồ cũ" cũng chẳng sai. Giày dép, túi xách bà treo thành dây, giăng khắp lối đi vào. Phía trước của "siêu thị", bà bày bán đủ loại giày dép đẹp nhất để "phô hàng", và những thứ giá trị hơn cả thì bà xếp quanh người.
Một góc "siêu thị" chứa đầy cặp xách, balo. |
Bà ngồi trên một cái "tổ", xung quanh là đầy đồ đạc, đủ thứ mũ nón, quần áo, ví da, và ti tỉ những thứ không thể kể được tên. Siêu thị của bà đủ mọi ngóc ngách, lối ra lối vào chật kín đồ đạc. Tuy nhiên, khách muốn mua gì cứ "ới" bà một câu, bà chắc chắn biết là có hay không, khách chẳng bao giờ mất công đi tìm. Bà ngồi một chỗ, nhưng bà thông tỏ tất cả, tường tận từng cái dây giày đến cái giường đơn.
Bà mua lại đồ cũ từ đồng nát, từ dân làng xung quanh, rồi bán ra một ngày không biết bao nhiêu là đồ, lỉnh kỉnh các loại. Khách đến hàng bà có thể mua, có thể đem đồ cũ ra đổi lấy đồ khác, hoặc mang ra bán cho bà với giá "nhỉnh" hơn giá bán đồng nát. Bà bán đồ cho khách dùng được với giá chỉ bằng 1/3, thậm chí thấp hơn nhiều so với giá hàng mới.
Một góc "siêu thị" chứa đầy đồ gia dụng thiết yếu trong gia đình. |
Người đến mua cái chăn, người đến chọn đôi giày, rồi tìm cái nồi, cái ấm đun nước, "siêu thị" của bà chẳng lúc nào là vắng khách. Có anh trai người Vĩnh Bảo, Hải Phòng vì khâm phục ý chí, nhân cách sống của bà mà thường xuyên lui tới, thi thoảng lại mời bà café, gọi "bà" xưng "con". Lúc gặp anh, tôi cứ ngỡ anh là con trai của bà, nhưng không phải.
Anh đến giúp bà sửa lại quả địa cầu, tìm đôi giày đôi dép còn mới mà đánh bóng, quét si. Anh lại dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc giúp bà cho có trật tự. Anh nói: "Không biết bà thì thôi, chứ biết rồi lại "nghiện" bà. Bà sống tốt tính, cởi mở chân thành. Cái bãi đất này của bà giúp được bao nhiêu người đấy. Thi thoảng anh vẫn qua đây chơi, thăm nom bà, xem công việc của bà có gì cần giúp không?". Trên bãi đất trống, bà mướn thêm một chú trông nom, bảo vệ hàng và một cô giúp bà tìm hàng để bán, hoặc thi thoảng đánh bóng đôi giày, làm mới cái túi bán cho khách.
Mọi người gọi vui họ là "cặp đôi hoàn hảo", cô "giám đốc sản xuất" và chú "giám đốc kỹ thuật kiêm bảo vệ". Họ đều là những người nghèo khó, chẳng có việc làm, được bà cưu mang, cùng làm việc với bà, bầu bạn cùng bà. Ba con người trên một bãi đất nhỏ, ngày ngày làm việc và gắn bó với nhau, có khi nào họ cùng mơ về một cuộc sống đủ đầy hạnh phúc không chỉ của riêng mình?
Theo Vietnamnet