Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bà già mang boot chiến' của phong trào Occupy Wall Street qua đời

Dorli Rainey, “bà già mang boot chiến đấu” và là biểu tượng của phong trào biểu tình Occupy Wall Street ở Mỹ, đã qua đời ở tuổi 95, AP đưa tin hôm 21/8.

Bà Rainey, nhà hoạt động chính trị lâu năm, qua đời vào ngày 12/8.

Bà Rainey là người gắn bó với phong trào tiến bộ của địa phương trong nhiều thập kỷ. Bà biểu tình đòi công bằng chủng tộc, nhà ở và phương tiện công cộng giá cả phải chăng, cũng như chống chiến tranh, vũ khí hạt nhân, và “big bank” - chỉ các ngân hàng lớn sử dụng chiến thuật tài chính để chiếm đoạt tiền và thao túng các khoản thanh toán của khách hàng.

Tháng 11/2011, trong những ngày đầu của phong trào Occupy Wall Street (tạm dịch: Chiếm phố Wall) ở thành phố Seattle, bà Rainey, khi đó 84 tuổi, đã cùng đám đông người biểu tình đứng chặn ở các ngã tư trung tâm thành phố Seattle. Bà đã bị xịt trúng khi cảnh sát Seattle dùng bình xịt hơi cay để giải tỏa đám đông.

Người biểu tình xung quanh đã đổ sữa lên mặt bà để làm dịu cơn đau. Một nhiếp ảnh gia của trang web seattlepi.com, Joshua Trujillo, đã chụp được hình ảnh đôi mắt bà đỏ hoe trong khi sữa vương đầy trên mặt.

bieu tuong Occupy qua doi anh 1

Bức ảnh đưa bà Dorli Rainey trở thành biểu tượng của phong trào Occupy Wall Street. Ảnh: Joshua Trujillo.

Bức ảnh trở thành biểu tượng trên toàn thế giới cho phong trào này. Bà được các báo lớn như Washington Post, Atlantic, Associated Press và Guardian đưa tin.

“Đó là một bức ảnh khủng khiếp. Tôi lúc đó trông thực sự rất tệ”, bà nói với AP.

Thị trưởng Mike McGinn sau đó đã xin lỗi và ra lệnh xem xét lại vụ việc. Bà Rainey đã trở lại đường phố để biểu tình vài ngày sau đó.

“Dorli là huyền thoại, và bà xứng đáng được gọi như vậy vì hoạt động tích cực của bà”, Thị trưởng McGinn nói hôm 19/8. “Bà có mặt ở khắp mọi nơi, đặt lương tâm và tiếng nói của mình vào lời kêu gọi sự thay đổi. Tôi thật sự kính trọng bà sâu sắc”.

Cuộc biểu tình Occupy Wall Street tại New York được phát động từ ngày 17/9/2011, với 5.000 người tràn vào khu Hạ Manhattan và chiếm đóng phố Wall. Thành phần tham gia nhóm phản kháng này chủ yếu là những người "học cao, thu nhập thấp" bất mãn với những điều bất hợp lý và cả bất công của xã hội tư bản.

Bà Rainey sinh ra ở Áo vào năm 1926. Bà là y tá của Hội Chữ thập đỏ và sau đó làm việc ở châu Âu với tư cách là phiên dịch viên cho quân đội Mỹ trong 10 năm. Bà và chồng chuyển đến Seattle vào năm 1956.

Bà từng là người biện hộ đặc biệt do tòa án chỉ định, đại diện cho những trẻ em từng bị bạo hành hoặc bị bỏ rơi. Bà cũng từng mở một đại lý bất động sản.

Bà làm việc trong Hội đồng Trường Issaquah và tranh cử vào Hội đồng hạt King cách đây nửa thế kỷ. Bà cũng có một thời gian ngắn tranh cử chức thị trưởng Seattle vào năm 2009.

Biểu tình sục sôi ở Mỹ sau khi 8 cảnh sát bắn chết người da đen

Vài trăm người hôm 3/7 đã tập trung để biểu tình ở Akron, Ohio, sau khi video quay cảnh cảnh sát bắn chết một người đàn ông da đen bằng hàng chục viên đạn được công bố.

Vì sao chiếc mắc áo xuất hiện trong làn sóng biểu tình khắp nước Mỹ?

Hình ảnh những chiếc mắc áo liên tục xuất hiện trong các cuộc biểu tình phản đối phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ, nhằm gợi lại những ký ức kinh hoàng từ thời kỳ "tiền Roe".

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm