Ngay cả khi bước vào giai đoạn cuối của ung thư, các biện pháp điều trị giúp thuyên giảm bệnh cũng có tác động tích cực đáng kể tới người bệnh. Ảnh: Freepik. |
Các triệu chứng ban đầu của ung thư thường được chú ý nhiều hơn giai đoạn muộn. Bởi việc phát hiện sớm bệnh ung thư có thể giúp người bệnh được điều trị tốt hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMC Palliative Care cho thấy những điều khác.
Các nhà nghiên cứu tìm cách đánh giá mức độ nghiêm trọng trong triệu chứng của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại một đơn vị điều trị giảm nhẹ ở Đài Loan (Trung Quốc). Đồng thời, họ khám phá các yếu tố liên quan việc cải thiện triệu chứng.
Theo Cancer Research UK, mục đích của điều trị giảm nhẹ là giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nó có thể được sử dụng ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh nếu có các triệu chứng đáng lo ngại, chẳng hạn đau hoặc ốm.
Tổ chức này cho biết ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, điều trị giảm nhẹ có thể giúp ai đó sống lâu hơn và thoải mái hơn, ngay cả khi họ không thể chữa khỏi.
Cường độ triệu chứng được đo bằng “biểu mẫu báo cáo triệu chứng” và phân loại theo thang điểm 0-4, tương ứng với mức độ đau đớn tăng dần. Bệnh nhân được đánh giá vào ngày thứ nhất, thứ 3, thứ 5 và thứ 7 trong đơn vị chăm sóc giảm nhẹ. Dữ liệu nghiên cứu bao gồm hồ sơ lâm sàng thông thường và dữ liệu nhân khẩu học của bệnh nhân.
Trong số 824 bệnh nhân tham gia dự án, họ đều là những người mắc ung thư giai đoạn cuối. Những người này báo cáo 3 triệu chứng phổ biến và nghiêm trọng nhất ở giai đoạn này là đau, chán ăn và táo bón.
Điều cần lưu ý là những triệu chứng này cũng có thể xuất hiện ở các giai đoạn sớm hơn của bệnh.
Ngoài ra, độ tuổi của những người tham gia cũng có ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà họ trải qua. Bệnh nhân trên 65 tuổi có điểm số về mức độ đau, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và lo âu thấp hơn đáng kể so với những người dưới 65 tuổi. Bệnh nhân nữ có điểm số ở các tình trạng nôn, chán ăn, phù nề (sưng tấy), trầm cảm và lo âu cao hơn so với bệnh nhân nam.
Các bệnh nhân cũng thường có nhiều phản ứng và cảm giác khác nhau về việc mắc bệnh ung thư giai đoạn muộn. Một số người có thể cảm thấy sốc và khó hiểu. Số khác thấy sợ hãi về tương lai hoặc tức giận.
Theo Macmillan Cancer Support, những cảm giác này thường trở nên dễ kiểm soát hơn theo thời gian và khi bệnh nhân bắt đầu đưa ra quyết định, kế hoạch cho cuộc đời họ. Người thân, gia đình và bạn bè có thể là nguồn hỗ trợ quan trọng khi ai đó chống chọi với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối.