Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng (Mỹ Tú, Sóc Trăng) Lâm Xưng kể rằng: “Trước đây, Thuận Hưng là xã nghèo của huyện Mỹ Tú, tỷ lệ người dân tộc Khmer gần 60%, tỷ lệ hộ nghèo trên 9%, không biết bò sữa là gì. Nay xã có 1.100 con bò, trong đó 800 con đang cho sữa hàng ngày, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả”.
Như gia đình ông Thạch Diên ở ấp Bố Liên 3, ban đầu nuôi 12 con bò Sind (bò thịt), thấy bò sữa hiệu quả hơn nên bán bò thịt để chuyển sang nuôi bò sữa. Từ 4 con ban đầu năm 2009, đến nay gia đình ông có 23 con bò, trong đó 9 con cho sữa. Ông cười cởi mở: “Mỗi ngày gia đình tôi thu về gần một triệu đồng từ việc bán sữa bò, mức thu nhập mà mấy năm trước ở xứ nghèo này mơ cũng không dám”.
Ông Sơn Chanh ở ấp Tà Ân A1, có 7 con bò, 3 con cho sữa mỗi ngày gần 50 lít. Tính ra, mỗi tháng gia đình ông thu nhập từ sữa bò hơn 3 triệu đồng, cũng là niềm mơ ước mấy năm trước, khi phải chạy ăn từng bữa. Ông Sơn Chanh chia sẻ: “Nghề này lời hơn lúa vì trồng lúa 3 tháng mới được thu hoạch, còn nuôi bò sữa, chừng nửa tháng lấy tiền một lần tại điểm thu mua nên đỡ lắm”.
Chuồng nuôi bò sữa của một hộ Khmer. |
Bà Đoàn Thị Nhân đã 77 tuổi ở ấp Trà Lây 1 kể: “Trước đây cuộc sống người dân Khmer chúng tôi nghèo khó lắm, có người cả đời không biết đến giọt sữa bò. Mấy năm nay được chính quyền hỗ trợ nên sữa bò thơm lừng khắp phum, ấp, uống thoải mái trong nhiều nhà. Trẻ con khỏe mạnh, linh lợi. Làm ăn khấm khá nên xây dựng đường đi, trường học, trạm y tế, trạm cấp nước như ngoài thị trấn huyện”.
Chủ tịch xã Lâm Xưng cho biết, hiệu quả nhanh chóng là nhờ địa phương phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ bà con vay vốn phát triển sản xuất. Nhờ đó hộ nghèo cũng có vốn nuôi bò sữa. Trong vài năm, đàn bò sữa ở xã tăng nhanh, giúp nhiều hộ thoát nghèo, nhiều hộ khác vươn lên khá giàu.
“Nghề này vốn xa lạ mà nay đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của xã. Bò sữa cũng giúp tận dụng tối đa những vùng đất trước đây bỏ hoang để trồng cỏ, tạo thức ăn thường xuyên cho bò”, Chủ tịch Xưng cười sảng khoái.
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú, ông Thái Đức Thông, cho biết, huyện đang tiếp tục hỗ trợ chuyển giao cho bà con nông dân về khoa học kỹ thuật, con giống để không ngừng phát triển đàn bò sữa. “Thuận Hưng đã thành xã điểm nuôi bò sữa của tỉnh, sẽ giúp nhiều gia đình Khmer thoát nghèo, làm giàu hơn nữa”, ông Thông nói.