Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bà Clinton sẽ thắng, nếu người Mỹ còn tỉnh táo

Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang có lợi thế lớn trước cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 này sau một loạt sai lầm của Donald Trump gần đây.

Tính theo lịch sử thì tỷ phú Donald Trump có lợi thế lớn trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Kể từ thời Eisenhower cách đây hơn 60 năm, hầu hết các đảng ở Mỹ chỉ giữ được Nhà Trắng trong 8 năm (trừ ngoại lệ giai đoạn Reagan - Bush cha). Sau hai nhiệm kỳ cùng đảng, cử tri Mỹ thường muốn thay đổi mới.

Clinton dẫn 9 điểm

Tuy nhiên, các thăm dò trước và ngay sau hai kỳ đại hội đảng cho một kết quả khác: bà Clinton đang lợi thế, và đang dẫn mạnh tại một loạt các bang tranh chấp (swing states). Cuộc thăm dò mới nhất của CNN/ORC cho thấy bà dẫn ông Trump tới 9 điểm % trên phạm vi toàn quốc.

Điều này không bất ngờ khi mà giới phân tích đã chỉ ra từ lâu điểm yếu cốt tử của Trump: những nhóm cử tri quan trọng ở các bang tranh chấp như da đen, người Mỹ Latin, phụ nữ, người nhập cư đều thù ghét tỷ phú kiêm ngôi sao truyền hình thực tế này.

Các thăm dò cho thấy bà Clinton đang gia tăng sự ủng hộ sau đại hội đảng Dân chủ. Ảnh: BBC

Tỷ phú bất động sản người New York bắt đầu cuộc bầu cử của mình bằng cách gọi người Mexico là “những kẻ cưỡng hiếp và tội phạm”, sỉ nhục phụ nữ và chỉ trích cựu binh John McCain - người được sự ủng hộ lớn của các nhóm cựu binh và đa số dân Mỹ,...

Lối ăn nói bỗ bã, bạt mạng của ông không phải thất bại hoàn toàn. Trump thực tế dành chiến thắng trong nội bộ phe Cộng hoà trước 16 đối thủ, trong đó có những đối thủ hết sức nặng ký như cựu thống đốc Jeb Bush, Thượng nghị sỹ Marco Rubio (đều của Florida), Thống đốc Chris Christie của New Jersey.

Những ngôn từ bất chấp lề thói và những quy chuẩn chính trị thông thường của Trump vẫn thu hút một số nhóm cử tri, đặc biệt là nhóm da trắng thất học ở các vùng nông thôn, những người coi tỷ phú New York là người có thể mang lại thay đổi.

Do cách tính đại cử tri của bầu cử Mỹ (chiến thắng tại mỗi bang dành được toàn bộ đại cử tri của bang đó) nên các ứng viên thường tập trung vào các bang tranh chấp thay vì tập trung vào các bang truyền thống của đảng. Bầu cử tổng thống Mỹ vì vậy thường chỉ gay gắt thật sự ở khoảng 10 - 11 bang tranh chấp.

Trong lúc này, ông Trump đang đối mặt khó khăn rất lớn khi phe Dân chủ liên tục thắng ở 18 bang kể từ 1992 tới nay, giúp họ đảm bảo khoảng 242 phiếu đại cử tri. Con đường chiến thắng (270 phiếu đại cử tri) của họ với các bang tranh chấp vì vậy thường rộng và có nhiều phương án hơn phe Cộng hoà.

Cuộc thăm dò mới nhất của CNN/ORC cho thấy rõ lợi thế từng ứng viên: Trong nhóm cử tri da trắng, Trump dẫn 13 điểm % trước đại hội và dẫn 14 điểm sau đại hội. Ở nhóm cử tri không phải người da trắng, bà Clinton vượt lên dẫn 71 điểm sau đại hội (so với trước đó là dẫn 48 điểm). Ở nhóm cử tri nam giới, Trump dẫn 3 điểm (trước) và 7 điểm (sau đại hội). Với nhóm cử tri phụ nữ, bà Clinton lần lượt dẫn trước 14 điểm và 23 điểm trước và sau đại hội. Trong nhóm cử tri da trắng và không bằng đại học, ông Trump dẫn 19 điểm trước đại hội và tăng lên 26 điểm sau đó. 

Hành trình đại cử tri: khó cho Trump

New York Times trích phân tích của những nhân vật kỳ cựu phe Cộng hoà chỉ ra con đường tới 270 phiếu đại cử tri của Donald Trump thực tế rất hẹp và ngày càng khó hơn. Theo tính toán, Trump sẽ buộc phải thắng bà Clinton ở ba bang tranh chấp lớn nhất: Florida (29 đại cử tri), Ohio (18) và Pennsylvania (20).

Nhưng phe Dân chủ thì đang có lợi thế ở cả ba bang này. Tổng thống Obama chiến thắng ở cả ba bang trong các năm 2008 và 2012. Ngoài ra, chưa có ứng viên tổng thống Cộng hoà nào thắng ở Pennsylvania trong suốt gần 3 thập kỷ qua.

Với thông điệp chỉ trích và khiến rất nhiều cử tri nữ và Latin tức giận, ông Trump dường như đã mất cơ hội ở rất nhiều bang tranh chấp quan trọng.

Các thăm dò của cả hai phe Dân chủ, Cộng hoà cho thấy bà Clinton đang có lợi thế ở các bang như Colorado và Virginia, bang của ứng viên phó cho bà, Thượng nghị sĩ Tim Kaine. Cả hai bang này từng bỏ phiếu cho George W. Bush, người rất chú trọng việc lấy phiếu của các cử tri Latin và người trung lưu nông thôn, vốn là điều mà Trump thể hiện rất tệ.

Phe Cộng hoà cũng rất lo lắng ở North Carolina, một bang vốn thường nghiêng về phe Cộng hoà mà có số đông cử tri da đen và những người trắng có học, nhưng cả hai đều là nhóm cử tri mà Donald Trump không được ủng hộ.

Thông điệp của Trump được ủng hộ mạnh mẽ trong những nhóm cử tri da trắng thất học hoặc tại nông thôn. Ảnh: NBC

Với tình hình các nhóm cử tri hiện tại, ông Trump được đánh giá chỉ có thời gian và tiền bạc để tập trung vào khoảng 3 - 4 bang mà ông có thể được coi là có thể thắng cử.

Dù Donald Trump chưa có ý định bỏ hết cả 11 bang tranh chấp, các cố vấn phe Cộng hoà ngày càng xác định rằng con đường chiến thắng thực tế nhất của Trump là thắng cả ba bang tranh chấp lớn nhất và giữ được bang North Carolina tiếp tục ủng hộ phe Cộng hoà.

John Brabender, chiến lược gia phe Cộng hoà từng hoạt động nhiều ở Pennsylvania và vùng Trung Tây nước Mỹ, cho rằng ông Trump vẫn còn khả năng chiến thắng nhưng với số lượng bang tranh chấp có thể cạnh tranh được thấp hơn nhiều so với các ứng viên tổng thống khác.

Và thách thức của ông là phải thắng được ở Pennsylvania, nơi mà chưa ứng viên Cộng hoà nào thắng trong suốt gần 30 năm qua.

“Trump phải thắng ở cả ba bang lớn nhất? Đương nhiên”, ông Brabender nói với tờ Times. “Nhưng việc mà phải thắng cả ở Pennsylvania mới thắng cử được cho thấy nhiệm vụ lần này rất khó khăn”.

Sự tự tin của phe Dân chủ

Việc Trump không thể mở rộng bản đồ tranh chấp sẽ khiến các cử tri của Clinton vui hơn, dù rất nhiều cử tri phe Dân chủ không hài lòng việc Trump tiếp tục được sự ủng hộ đáng kể trong các cuộc thăm dò.

Thống đốc Terry McAuliffe của Virginia, đồng minh chính trị lâu năm của nhà Clinton, nói Hillary có thể bóp chết chiến dịch của Trump bằng chiến thắng ở bang Virginia và một bang tranh chấp khác như Florida.

“Nếu anh lấy được cả Florida và Virginia, phe Cộng hoà sẽ không thể nào thắng cử được”, ông McAuliffe nói. “Trên góc độ Đại cử tri, chúng tôi đang có thế rất mạnh lúc này”.

Trong giai đoạn đầu của tranh cử, ông Trump hy vọng việc thu hút được cử tri lao động da trắng và các cử tri độc lập có thể giúp tạo áp lực ở các bang truyền thống của phe Dân chủ như New York và Massachusetts.

Giám đốc tranh cử của Trump, Paul Manafort, nói Trump từng định tranh cử ở cả các bang mà phe Dân chủ mạnh như New Jersey và Oregon. Ông Manafort nói, “Chúng tôi có rất nhiều cách, nhiều hơn Romney nhiều”.

Nhưng trong các cuộc họp kín, các cố vấn của Trump nhìn lạnh lùng hơn về bản đồ tranh cử. Phe Cộng hoà tin rằng hiện Donald Trump có ít phương án chiến thắng hơn rất nhiều so với Romney hay là McCain sau các thông điệp làm các cử tri như phụ nữ và các cử tri da màu căm ghét.

Ngoài ra, Donald Trump tranh cử trong khi kém hơn bà Clinton rất nhiều về cả khả năng tổ chức cũng như là tài chính để có thể cạnh tranh trên tất cả các bang. Cho đến cuối tháng 6, Donald Trump chỉ còn khoảng một nửa số tiền mặt so với bà Clinton: 20 triệu so với 44 triệu của bà Clinton.

Chiến dịch của bà Clinton tự tin ở những bang tranh chấp. Ảnh: Reuters

 

Chênh lệch lực lượng: 70 đối đầu 700

Đội ngũ nhân viên của ông Trump có là khoảng 70, so với khoảng 700 của bà Clinton. Trong tháng 6, phe bà Clinton chi khoảng 26 triệu USD cho quảng cáo trong khi phe của Trump chỉ chi chưa đầy 2 triệu USD.

Ở vài bang tranh chấp chính, chiến dịch của ông Trump chưa phê chuẩn ngân sách cuối cùng cho các hoạt động ở các bang này khiến phe Cộng hoà ở các bang này không rõ liệu ông có thể tiến hành các chiến dịch quảng cáo hay vận động cử tri bỏ phiếu ở đây được hay không.

Và tại một số bang quan trọng, Trump tiếp tục đối mặt với sự phản đối của chính các đảng viên của mình: ở Ohio, ông mâu thuẫn công khai với thống đốc John Kasich, người từng từ chối không tuyên bố ủng hộ ông. Ở Florida, một số nhân vật Cộng hoà ảnh hưởng thuộc các nhóm Latin đã không tuyên bố ủng hộ ông.

Khó khăn của Donald Trump có thể thấy rõ khi một loạt những nhân vật quan trọng của phe Cộng hoà không tuyên bố ủng hộ ông: Thượng nghị sỹ John McCain, cha con nhà Bush, và gần đây nhất là tỷ phú Michael Bloomberg, cựu thị trưởng New York và là người nguyên là thuộc đảng Cộng hoà.

Đặc biệt, anh em nhà Kochs, hai tỷ phú giàu bậc nhất nước Mỹ và là người đứng đầu hệ thống những nhà quyên góp quan trọng nhất của phe Cộng hoà, đến lúc này vẫn không ủng hộ Trump. Lời khuyên của anh em Kochs cho hệ thống quyên góp của mình là: “Hãy cắt lỗ với Trump”.

Joel Benenson, chiến lược gia trưởng của bà Clinton, nói Trump chưa len được vào bất cứ bang tranh chấp nào mới. “Chưa có bang nào mà họ khiến chúng tôi phải phòng thủ cả, và đó là chúng tôi vẫn chưa tung hết sức”, ông Benenson nói.

Nhưng năm nay là một năm lạ kỳ. Nhìn lại sẽ rất ít người hiểu được vì sao Donald Trump, nhân vật được Huffington Post ban đầu chỉ xếp vào mục “Giải trí” khi đưa tin tranh cử lại thắng được ở phe Cộng hoà với đầy rẫy anh tài vậy. Nhu cầu thay đổi của cử tri thực tế là có thật và họ đã lựa chọn một nhân vật khác thường từ bên ngoài chính trường. 

David Brooks, cây viết nổi tiếng của New York Times thiên hướng thân phe Cộng hoà, viết sau hai kỳ đại hội: “Phe Dân chủ đã có kỳ đại hội tốt hơn. Nhưng khả năng cuối cùng và đáng sốc của điều này: trên góc độ về chính trị, nó chẳng tạo ra thay đổi gì”.

Theo ông, cuộc chơi mà phe Dân chủ thống lĩnh có thể là “cuộc chơi của quá khứ rồi” và thực tại đã khác đi.

“Có thể chính trong khoảnh khắc sợ hãi, những cay độc, lo lắng và bi quan cực độ này mà rất nhiều cử tri sẽ cho rằng văn minh là sự thất bại, rằng lạc quan là thứ thuốc phiện của những kẻ ngu dốt và rằng sự khiêm tốn và nền nã đơn giản sẽ thất bại trước những kẻ đồ tể ISIS.”

“Nếu điều này là đúng thì không chỉ nền chính trị này đã thay đổi, mà nước Mỹ cũng đã không còn như xưa”, ông viết. 

72 giờ tồi tệ của ứng viên tổng thống Donald Trump

Liên tiếp phạm sai lầm biến những ngày đầu tháng 8 trở thành cơn ác mộng với tỷ phú Donald Trump, ứng viên tổng thống chính thức của đảng Cộng hòa.

Làn sóng theo Hillary: Phe Cộng hòa rối loạn vì Donald Trump

Trong cùng ngày, nhiều nhân vật ảnh hưởng ở đảng Cộng hòa tuyên bố quay lưng với Donald Trump để bỏ phiếu cho bà Hillary với tinh thần đặt lợi ích quốc gia trên hết.

Thanh Tuấn

Bạn có thể quan tâm