Bà Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch công ty Dược Hậu Giang, một trong 2 CEO Việt duy nhất lọt vào top 50 nữ doanh nhân có thành tích xuất sắc nhất châu Á năm 2013 của Forbes tâm sự: “Ấn tượng đầu tiên khi tôi tận mắt nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp đó là khuôn mặt phúc hậu, nhìn không giống vẻ của một tướng lĩnh quân sự mà tôi tưởng tượng. Không "đằng đằng sát khí" mà phúc hậu từ lúc trẻ cho tới cả khi đã về già”.
Ngoài ra, bà Nga còn nhớ mãi trong ký ức của mình về nụ cười của người được coi là "Anh hùng châu Á" này. “Lúc nào tôi cũng thấy ông cười” - bà Nga nói.
Chủ tịch Dược Hậu Giang: "Tôi ấn tượng với tướng Giáp vì lúc nào cũng thấy ông cười". |
Sau chuyến công tác dài ngày, lần đầu tiên, bà Nga nghe tin ông Giáp mất qua câu chuyện truyền tai nhau của mọi người trong công ty. “Khi nghe tin bác mất, nhớ về những hình ảnh, những gì Đại tướng đã làm cho đất nước, cho dân tộc mà tôi thấy buồn. Về tình cảm, chúng ta rất tiếc thương nhưng trên thực tế, một vị tướng sau bao năm cực khổ, sống trọn vẹn 103 tuổi, tôi nghĩ cụ thọ như vậy là tuyệt vời. Tôi phải dùng đúng một từ “tuyệt vời” để bày tỏ” - “người đàn bà thép” Phạm Thị Việt Nga chia sẻ.
Cũng theo bà Nga, có lẽ tướng Giáp là người được dân thương mến, trân trọng thực sự thứ 2 sau bác Hồ. “Tôi thấy thông tin đại chúng đăng thông tin nhiều, cả dân tộc khóc thương, mới thấy rằng: dân Việt Nam yêu cụ nhiều đến vậy!” - bà Nga nói.
Cũng là người đi ra từ kháng chiến, bà Nga cho biết: Công ty Dược Hậu Giang đã học hỏi được nhiều bài học từ tấm gương của cụ. Với bài học về “chiến tranh du kích”, Dược Hậu Giang đã đi từ một doanh nghiệp nhỏ - doanh nghiệp địa phương, không có thế mạnh như các doanh nghiệp lớn có thương hiệu tầm cỡ khác nhưng đã lấp kẽ hở của thị trường để dần dần lớn lên.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu áp dụng đường lối, chiến thuật quân sự của Đại tướng vào kinh doanh sẽ giúp Việt Nam phát triển hơn nữa. |
Ngoài ra, điều thứ hai mà vị Chủ tịch Dược Hậu Giang học được từ tướng Giáp đó là tình cảm đồng đội, tinh thần quân dân như một. Nhờ đó, bà Nga đã tạo nên văn hóa nhân nghĩa trong công ty, luôn đối xử với nhân viên “có trước có sau”.
“Thêm vào đó, tôi cũng học được từ tướng Giáp bài học chớp thời cơ để chiến thắng. Khi có cơ hội, tôi luôn nắm bắt và quyết tâm theo đuổi đến cùng để đạt được thành công” - bà Nga nhấn mạnh.
Cũng cùng chung niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của vị Đại tướng Tổng tư lệnh, Anh Cả của Quân đội, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội xây dựng Việt Nam chia sẻ: Đại tướng tuổi đã cao như lá vàng trên cây, cho nên về mặt tư tưởng, việc Đại tướng qua đời không có gì quá đột ngột đối với ông cũng như một số người khác.
Nhưng ông Liêm cũng nói thêm, “tôi cũng rất tiếc thương cụ vì những năm tháng cuối đời khi nằm ở bệnh viện, tuy không còn làm việc được nữa nhưng cụ là một người tiêu biểu cho đất nước Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam, cũng là một hạt nhân để đoàn kết dân tộc Việt Nam. Những người bất đồng chính kiến bất kỳ ở đâu, có thể có ý kiến này hay ý kiến khác nhưng với Đại tướng vẫn luôn bày tỏ lòng kính trọng.
Thậm chí, những người ở bên kia trận tuyến với chúng ta ngày xưa, ở trong nước và nước ngoài cũng đều bày tỏ một lòng kính trọng. Do đó, Đại tướng tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam và là hạt nhân đoàn kết dân tộc Việt Nam”.
Với tư cách là một người làm kinh tế, ông Liêm cho hay: Ông đã thường xuyên đọc các tác phẩm của Đại tướng, các hồi ký cũng như nhiều cuốn sách viết về Đại tướng. Ông đã tìm cách vận dụng lý luận quân sự Việt Nam, nghệ thuật quân sự Việt Nam vào phát triển kinh tế. Tuy vậy, mặc dù đã có một số suy nghĩ, đường lối cụ thể nhưng vì tuổi cao, ông Liêm cũng chưa ứng dụng được nhiều!
“Nên tôi mong, thế hệ trẻ ngày nay tiếp tục thực hiện nguyện vọng của bản thân tôi. Vì tôi thấy giá trị đó rất lớn, nếu áp dụng được sẽ đưa kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa” – ông Liêm kết luận.