Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ba căn bệnh phổ biến nhất của người Việt

Hầu hết người Việt đều có vấn đề về răng miệng, đặc biệt là tỷ lệ sâu răng ở trẻ em rất cao. Bên cạnh đó, bệnh phụ khoa ở phụ nữ cũng cũng phổ biến vì chị em "lười" đi khám.

90% người Việt có vấn đề răng miệng

Theo PGS.TS Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội Răng hàm mặt Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương, các kết quả điều tra sức khỏe răng miệng cho thấy có trên 90% người Việt bị viêm lợi, viêm quanh răng, 85% trẻ em 6-8 tuổi có sâu răng sữa và trung bình mỗi trẻ em lứa tuổi này có trên sáu răng đã bị sâu.

85% trẻ em 6-8 tuổi có sâu răng sữa và trung bình mỗi trẻ em lứa tuổi này có trên sáu răng đã bị sâu - Ảnh: M.Lăng.

Đa số người Việt Nam chỉ tìm đến bác sĩ khi răng miệng có biểu hiện bệnh rõ rệt. Điều đó chứng tỏ ý thức chăm sóc răng miệng định kỳ ở người dân còn thấp. Bên cạnh đó, kiến thức chăm sóc răng miệng hạn chế, thói quen ăn “tạp”, tùy tiện, nhưng thiếu canxi, flour cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đáng báo động này.

Điển hình, người Việt thường chải răng theo chiều ngang khó sạch khuẩn, sử dụng bàn chải lâu ngày, lười lấy cao răng. Ăn uống quá nhiều cùng lúc cũng làm phá hoại lớp men gây sâu răng và hôi miệng.

Việc cao răng tích tụ lây ngày nhưng không được làm gây nên các bệnh về răng miệng như: viêm lợi (chảy máu khi đánh răng, hơi thở có mùi,…), viêm nha chu (ê buốt răng, lung lay, rụng răng,…), thậm chí viêm tủy ngược dòng.

Vì vậy, để giữ gìn hàm răng chắc khỏe, chúng ta cần đánh răng 2 lần/ngày, mỗi lần 2 phút, thay bàn chải thường xuyên (3-4 tháng/lần). Dùng chỉ tơ nha khoa thay tăm để loại bỏ những mảng bám. Hạn chế thực phẩm có đường, không sử dụng thức ăn quá nóng hoặc lạnh, tránh xa thuốc lá, sử dụng nước súc miệng hàng ngày. Khám nha sĩ 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh về răng miệng.

50% người Việt mắc bệnh trĩ

PGS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm Chủ tịch Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam cho biết 50% người Việt mắc bệnh trĩ, trong đó người miền Bắc mắc tới 65%.

Bệnh trĩ, hay còn gọi là lòi dom, được tạo thành do các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn bị giãn quá mức. Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm - Chủ tịch Hội Hậu môn trực tràng, đây là chứng bệnh rất phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn đến nhập viện. Tại Việt Nam, cứ 10 người lại có 5 người mắc bệnh trĩ và hiện đứng trong danh sách nước có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất thế giới.

Đặc biệt, bác sĩ này khẳng định bệnh trĩ không thể chữa khỏi hoàn toàn. Người bệnh sau khi được điều trị vẫn có thể tái phát nếu không tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về chế độ ăn uống, sinh hoạt, sử dụng thuốc.

Tuy vậy, bác sĩ Nhâm cho biết có thể phòng tránh và hạn chế tái phát bằng chế độ sinh hoạt lành mạnh như tập thói quen đại tiện đều đặn hàng ngày; điều chỉnh sở thích ăn uống, tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà; uống nước đầy đủ; ăn nhiều rau quả; vận động thể lực đều đặn.

Đối với những bệnh nhân đã mắc trĩ, PGS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm tư vấn việc vệ sinh tại chỗ bằng phương pháp ngâm nước ấm 2-3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút rất hiệu quả, giúp người bệnh dịu nhẹ cơm đau, giảm nhiễm trùng, phù nề. Nếu bệnh ở thể nhẹ, chỉ cần điều trị bằng phương pháp uống thuốc thông thường. Ở thể nặng hơn, các bác sĩ sẽ sử dụng thủ thuật như chích xơ, thắt trĩ bằng vòng cao su, phẫu thuật.

Khoảng 70% phụ nữ viêm nhiễm phụ khoa

Theo thống kê của Bộ Y tế trong vòng 5 năm (2009-2013), tỷ lệ mắc bệnh viêm phụ khoa ở phụ nữ là 65-75,6%, trong đó chủ yếu là bệnh viêm nhiễm âm hộ, âm đạo do vi khuẩn, nấm chiếm tới trên 85% trong tổng số các ca bệnh.

Đầu năm 2014, Hội Nữ hộ sinh Việt Nam kết hợp với các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế tiến hành nghiên cứu trên 2300 phụ nữ thuộc 13 xã ở miền Trung đưa ra tỷ lệ mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa là 63,9%. Đây là một con số đáng báo động đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Viêm nhiễm phụ khoa là bệnh hay gặp ở phụ nữ, nhất là ở lứa tuổi sinh đẻ. Bệnh thường có các triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu, vùng kín có mùi hôi... ảnh hưởng xấu tới sức khỏe sinh sản.

Trả lời trên báo Sức khỏe đời sống, bác sĩ Nguyễn Thu cho biết nhiều trường hợp chị em phụ nữ khi mắc bệnh ngại ngùng không điều trị, dẫn tới diễn tiến dai dẳng và gây nhiều biến chứng như viêm cổ tử cung, viêm vòi trứng có thể gây vô sinh.

Để phòng ngừa và hạn chế tái mắc bệnh, việc vệ sinh vùng kín hàng ngày, đúng cách là yếu tố rất quan trọng.

Chị em phụ nữ cần lưu ý tắm rửa thường xuyên (đặc biệt trong thời kỳ kinh nguyệt). Vệ sinh âm hộ hằng ngày và sau mỗi lần đi tiểu, đi đại tiện. Luôn giữ cho bộ phận sinh dục ngoài khô, sạch, không sử dụng khăn, vật lạ đưa vào trong âm đạo để lau. Tránh mặc quần chật, lội và ngâm mình lâu ở vùng nước ô nhiễm, thay quần lót thường xuyên. Trong kỳ kinh phải dùng băng vệ sinh phải đảm bảo sạch, đủ thấm và còn thời gian sử dụng (4 giờ phải thay một lần). Cần vệ sinh cho cả hai người trước, sau khi quan hệ tình dục.

Không nên dùng nước ao hồ, kênh rạch, xà phòng hay các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín. Trên thị trường có rất nhiều loại sản phẩm rửa phụ khoa, tuy nhiên các bạn gái nên đọc kỹ thành phần, tác dụng để lựa chọn cho mình một sản phẩm phù hợp.

A.H (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm