Một số quy định trong thông tư này đang được đánh giá là khó khả thi, không thực chất và có nguy cơ trở thành một “giấy phép con”!
Tới đây, những người bán hàng ăn vỉa hè như thế này sẽ phải có giấy chứng nhận đủ kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Là chủ một cơ sở sản xuất caramen, sữa chua, nếp cẩm, bánh bông lan khá lớn ở Cầu Giấy, Hà Nội, cách đây ba năm, gia đình anh Thắng - chị Hoa được UBND phường cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thực phẩm.
Chuyên bán cho mối quen nên sản phẩm của gia đình anh chị không cần dán nhãn hàng, cứ sản xuất đến đâu hết ngay đến đấy.
Chị Hoa cho biết các hộ bán phở, xôi, bánh mì cùng khu phố cũng thường xuyên được mời đến phường học kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Quan trọng là kiến thức học được có thực chất hay không. Bà bán phở gần nhà tôi đến nghe giảng tai nọ sang tai kia, cuối buổi mỗi người phải đóng 200.000 đồng, nên sau này người ta gọi bà ấy không đi nữa. Nhà tôi bận, tôi chưa đi học lần nào, xung quanh đây cũng nhiều người chưa đi” - chị Hoa nói.
Phải thi kiến thức
Trong đó, chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh sẽ phải trải qua kiểm tra kiến thức an toàn thực phẩm, phải trả lời được 80% câu hỏi ở hai phần kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành mới được cấp xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.
Ông Trần Quang Trung, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết mặc dù
TP.HCM: tuần sau bàn kế hoạch thực hiện
Ngày 3/5, ông Huỳnh Lê Thái Hòa - chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM - cho biết chi cục đã tổ chức tập huấn cho 24 quận huyện của TP để chuẩn bị, tiến hành thực hiện ngay khi thông tư 13 có hiệu lực. Chi cục cũng đề nghị các quận huyện có ý kiến về những khó khăn, vướng mắc có thể gặp khi triển khai thực hiện thông tư này. Tuy nhiên, do đang là ngày lễ và ngày nghỉ cuối tuần nên chi cục chưa nhận được thông tin gửi về.
Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Phát - phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) - cho biết theo kế hoạch vào ngày 7/5, đại diện các sở gồm Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương và Sở Y tế sẽ họp bàn triển khai kế hoạch thực hiện thông tư 13.
Ông Trung cho rằng do chưa có tập huấn kiến thức, nhiều nông dân không biết sau khi phun thuốc trừ sâu bao nhiêu ngày thì mới được hái rau, họ cứ phun thuốc xong hôm sau hái, gây ngộ độc thực phẩm.
“Việc tập huấn kiến thức chắc chắn là có hiệu quả, hướng dẫn cho dân biết quy định về an toàn thực phẩm, giải thích cho người ta hiểu và thay đổi hành vi để khi chế biến thực phẩm họ biết cách làm an toàn hơn” - ông Trung nhấn mạnh.
Ông Trung cũng thừa nhận sẽ rất khó đảm bảo đủ 100% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có “thi” và xác nhận kiến thức, nhưng phải phấn đấu đạt 70-80%. Đó là chưa kể hiệu quả của tập huấn kiến thức có thể rất hạn chế bởi hầu hết là cho các bà bán phở, xôi, cháo, chè, cơm bình dân...
Theo ông Trung, các phường, xã sẽ mời người sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia tập huấn chung, còn các doanh nghiệp có đông nhân viên thì giảng viên trực tiếp đến doanh nghiệp hướng dẫn về an toàn thực phẩm, rồi cấp xác nhận đã tập huấn kiến thức tập thể cho họ.
“Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước khác cũng vẫn làm như vậy, nhưng họ có biện pháp khả thi hơn là có thể trả lời câu hỏi về an toàn thực phẩm trên mạng, rồi cung cấp mã công dân và nhận xác nhận qua mạng, nếu chưa đạt thì phải học lại, thi lại. Việt Nam chưa làm được việc này nhưng tiến tới sẽ làm” - ông Trung nói.
Khó khả thi
Luật an toàn thực phẩm hiện hành giao ba bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng tham gia quản lý thực phẩm.
Vì thế, có những mặt hàng bị “giẫm chân lên nhau”, cùng là mặt hàng rượu thì rượu bổ do Bộ Y tế quản, rượu bia thông thường giao Bộ Công thương; hay cùng mặt hàng sữa thì sữa bổ sung vi chất là việc của Bộ Y tế, còn lại giao Bộ Công thương quản lý.
Thông tư liên tịch này có tác dụng phân công phân nhiệm rõ ràng mặt hàng nào của bộ nào quản lý, có điểm tiến bộ là một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan nhà nước, thanh tra, kiểm tra không chồng chéo giữa các ngành, các cấp.
Tuy nhiên, bác sĩ Trần Tuấn - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng - cho rằng cái quan trọng để quản lý an toàn thực phẩm là mô hình chuẩn nhưng Việt Nam chưa có. Nếu cứ hướng dẫn chung chung, người dân rất khó triển khai.
“Ví dụ, nếu có mô hình bún chả thế nào là sạch, an toàn thì những người bán bún chả cứ thế làm theo, còn không có mẫu chuẩn, cứ nói chung chung sẽ rất khó thực thi trong điều kiện người sản xuất, kinh doanh thực phẩm kiến thức hạn hẹp, vệ sinh thực phẩm lại là vấn đề đa dạng” - ông Tuấn phân tích.
Ông Tuấn cũng lo ngại khả năng thực thi của địa phương, đồng thời khuyến cáo nên chọn “điểm” trước khi thực thi trên diện rộng. “Ngay như siêu thị là khu vực dễ kiểm soát do hàng hóa đều có dán nhãn, có hóa đơn chứng từ nhưng chất lượng thực phẩm vẫn chưa ổn. Đơn giản thế mà chưa làm được, làm sao làm được vấn đề lớn hơn”- ông Tuấn khuyến cáo.
TS Nguyễn Sơn, Viện Kinh tế chính trị thế giới, cũng nói nếu quy định chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ phải có giấy xác nhận đủ kiến thức về an toàn thực phẩm, rồi từ đó cấm hay phạt những cơ sở chưa có loại giấy này kinh doanh thì đó sẽ là một hình thức “giấy phép con”.
Chủ cơ sở và người kinh doanh thực phẩm đúng là cần có kiến thức an toàn thực phẩm. Các nước họ cũng đặt yêu cầu về an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, nhưng thường là họ kiểm tra các cơ sở nếu đủ điều kiện an toàn thì cấp phép và họ thực hiện nghiêm.
Còn tại Việt Nam, với quy định trên, làm sao để đảm bảo tính khả thi khi đặc thù ở Việt Nam có hàng vạn hộ bán cơm bụi, thậm chí hàng rong? Nếu những đối tượng này cũng thuộc diện phải lấy giấy xác nhận thì khó khả thi.
“Đáng ra, nên phân loại đối tượng để thực hiện từng bước, tránh tình trạng cứ đặt ra quy định, sau đó không thực thi được, hoặc chỉ làm được một phần. Cần cân nhắc xem nếu chưa đủ khả năng thực hiện một cách đầy đủ, thì nên chuyển sang hình thức hỗ trợ, có thể phân phát tờ rơi, tổ chức phát tài liệu về an toàn thực phẩm thay vì bắt người dân đăng ký, nộp phí rồi cấp giấy” - TS Sơn nhấn mạnh.
Đây không phải là lần đầu tiên có một văn bản có nguy cơ khó khả thi khi thực hiện trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Trước đó, quy định về vệ sinh thức ăn đường phố, hàng rong, quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thực phẩm đối với nhà hàng, quán ăn... cũng được triển khai nhưng rất chậm.
Sau khi có quy định mới thì sự thay đổi trên thực tế về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được coi là không đáng kể.
Theo thông tư liên tịch số 13/2014, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm với các mặt hàng: ngũ cốc, rau củ quả, chè, cà phê, sữa tươi nguyên liệu, trứng, thịt tươi và đông lạnh, phụ phẩm ăn được của gia súc gia cầm, sản phẩm chế biến từ thịt, thủy sản, các thực phẩm có chứa thủy sản, các loại sản phẩm có chứa thịt như xúc xích, jambon, thực phẩm biến đổi gen...
Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm các mặt hàng: bia, rượu, nước giải khát, một số loại sữa đã qua chế biến (không gồm sữa bổ sung vi chất, thực phẩm chức năng), bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo...
Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm các mặt hàng: nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, phụ gia và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước đá uống và các sản phẩm khác không có trong danh mục quản lý của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương.
Thông tư cũng nêu chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ phải có giấy xác nhận đủ kiến thức về an toàn thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) sẽ là các cơ quan đầu mối tổ chức việc cấp giấy xác nhận.