Sáng 23/11, công ty CP chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) tổ chức buổi họp báo công khai việc chuyển giao quyền điều hành cho ông Nguyễn Tấn Thanh từ tay bà Trần Ngọc Sương (tự Ba Sương).
Ông Trần Văn Trí - Chủ tịch HĐQT Sohafood cho biết, Sở KH-ĐT TP.Cần Thơ đã cấp giấy phép kinh doanh mới và ông Nguyễn Tấn Thanh (SN 1974) là người đại diện theo pháp luật cho Sohafood, chịu trách nhiệm trả nợ và đưa nhà máy sản xuất trở lại.
Sẽ làm rõ trách nhiệm
Với tư cách là Chủ tịch HĐQT, ông Trí cho biết, ngay từ buổi đầu không muốn tham gia vào Công ty Sohafood, nhưng trước tình thế bà Ba Sương trở về Nông trường Sông Hậu gặp khó khăn nên mới tham gia. “Với tâm nguyện, gỡ rối giúp chị Ba (Ba Sương - PV) trước vòng vây nợ nần, tôi hiểu chị về với Sohafood là không muốn doanh nghiệp này phá sản. Bởi, đó là đứa con tinh thần mà chị ấy tạo dựng” - ông Trí cho hay.
Bà Trần Ngọc Sương (bên trái); ông Trần Văn Trí (đứng phát biểu); ông Nguyễn Tấn Thanh (áo vàng) tại cuộc họp báo. |
Liên quan đến vấn đề tài chính làm ăn thua lỗ hàng chục tỷ đồng, ông Trí cho biết, Công ty đã cho niêm phong tất cả các chứng từ, tài liệu có liên quan mà trong đơn cầu cứu bà Ba Sương gửi Bộ Công an trước đó.
“Sẽ tiến hành làm minh bạch tài chính, số tiền lỗ lãi hơn 70 tỷ đồng, vay nợ ngân hàng thuộc trách nhiệm của ai, ở thời kỳ nào sẽ được làm rõ. Công ty nợ ai, ai nợ công ty và nợ tiền cá của dân bao nhiêu. Vấn đề này nếu vượt tầm xử lý của HĐQT thì yêu cầu cơ quan pháp luật can thiệp” - ông Trí thông tin.
Ông Trần Văn Trí chúc mừng bà Trần Ngọc Sương hoàn thành tâm nguyện và bàn giao quyền lãnh đạo Sohafood. |
Còn việc ông Nguyễn Tấn Thanh (GĐ Sohafood), ông Trần Thanh Long (nguyên Chủ tịch HĐQT) với số tiền thất thoát, dự nợ bao nhiêu cũng phải được làm rõ. Ông Trí nhấn mạnh trách nhiệm:“Không thể tự dưng nghỉ làm giữa chừng, rồi trách nhiệm để lại cho người sau gánh chịu. Ông Long hay ông Thanh sai ở đâu sẽ được Ban kiểm soát độc lập kiểm tra, đối chứng rõ ràng”.
Lộ trình trả nợ nông dân
Sau khi nhận chức Tổng giám đốc - ông Nguyễn Tấn Thanh, cho biết, sẽ tự bỏ tài sản của mình ra để vay đối ứng Ngân hàng, vay nợ từ 20-30 tỷ đồng và cho Sohafood vay lại. Mục đích là vừa có tiền trả nợ cá cho hơn 40 hộ nông dân (55 tỷ đồng-PV), vừa có tiền để đảm bảo sản xuất tại Công ty Sohafood.
"Mỗi tuần chúng tôi sẽ trả nợ trước mắt cho nông dân từ 3-5 tỷ đồng và sẽ trả hết nợ cá vào tháng 6/2014. Đầu tuần tới Nhà máy sẽ hoạt động trở lại và hơn 800 công nhân sẽ bắt đầu làm việc bình thường” - ông Thanh thông tin.
Bà Ba Sương (ngoài cùng bên trái) được báo chí quan tâm tại cuộc họp. |
Trao đổi với báo chí, bà Trần Ngọc Sương, cho biết, việc trở về điều hành Sohafood là không muốn nhìn “đứa con mình đẻ ra” bị phá sản. Mục đích nữa là để an dân, không muốn người dân mất tiền bán cá mà doanh nghiệp không thể hoạt động.
“Tôi về đây không tranh giành chức quyền, về với một khoản nợ lớn thì tranh giành làm gì? Tâm huyết của tôi là tìm được nhà đầu tư, tìm phương án tái cấu trúc và trả nợ cho Sohafood” - bà Ba Sương nói. Bà Sương cũng nêu ra dự định, sắp tới phải để Sohafood đi bằng “2 chân” là vừa chế biến thủy sản và nông sản thì mới phát triển bền vững, lâu dài.
Theo ông Trí, việc đưa thêm chế biến nông sản xuất khẩu là theo nguyện vọng của chị Ba Sương.
“Có được ngày hôm nay, phải nhớ đến người quá cố đã khai hoang, thuần hóa vùng đất úa phèn này. Cội nguồn chính là ông Năm Hoằng và chị Ba Sương” - ông Trí nhấn mạnh.Ngoài ra, ông Trí còn gửi lời cảm ơn đến Tổng cục An ninh 2 (Bộ Công an) đã cử cán bộ trực tiếp theo dõi, chấn an nhằm ổn định người dân; Công an TP.Cần Thơ cùng chính quyền địa phương và cơ quan thông tấn báo chí đã thông tin đa chiều.