Xuất hiện trong khoảng thời gian những năm 1940, thuật ngữ “block buster” (bom tấn) ám chỉ những bộ phim có ảnh hưởng lớn về mặt thương mại. Từ này từng được sử dụng nhiều đến mức cứ nhắc đến nó, người ta lại hình dung ngay đến một tác phẩm bùng nổ vượt xa trí tưởng tượng ra sao.
Dù khán giả yêu thích bom tấn bởi câu chuyện hay thước phim mãn nhãn thế nào, không thể phủ nhận, kiếm tiền mới là mục đích tối cao của chúng. Gần đây, các dự án như Black Adam hay Avatar: The Way of Water gây được nhiều chú ý. Mối quan hệ giữa những phim này với khía cạnh tài chính của ngành công nghiệp điện ảnh bất đắc dĩ được đưa ra làm chủ đề bàn tán.
Dù nhận được phản hồi tích cực từ người hâm mộ, kết quả phòng vé Black Adam dập tắt hi vọng cho sự xuất hiện của phần phim tiếp theo. Trong khi đó, tương lai loạt phim viễn tưởng do James Cameron đạo diễn cũng lệ thuộc rất nhiều vào doanh thu Avatar 2 đang chiếu.
Áp lực sinh ra từ kỳ vọng
Dễ thấy, kỳ vọng dành cho những phim kinh phí lớn trong thời điểm này dường như tăng lên đáng kể. Không đơn thuần là một tác phẩm phục vụ giải trí, bom tấn mang trên mình trọng trách “kiếm lời khủng” cho nhà sản xuất. Một số hãng phim thậm chí còn chọn cách tái phát hành phim cũ để cố gắng tăng lợi nhuận.
Bất chấp những nỗ lực đó, một số dự án đình đám lại bất ngờ gây thất vọng. Đơn cử, Black Adam là quả “bom xịt” đúng nghĩa của vũ trụ điện ảnh DC. Thống kê ban đầu cho biết bộ phim siêu anh hùng này tiêu tốn gần 200 triệu USD. Tuy nhiên, một vài báo cáo gần đây cho thấy số tiền này bị đội lên tới 260-280 triệu USD do nhiều cảnh quay phải thực hiện lại. Với kinh phí “khủng” như vậy, Black Adam ước tính phải cán mốc 500 triệu USD để bắt đầu sinh lời.
Thực tế, doanh thu dự án này vẫn đang chới với trước thềm cột mốc 400 triệu USD. Dù trước đó, The Rock – diễn viên chính– đã tìm mọi cách thu hút khán giả ra rạp, những cố gắng này có lẽ không đủ để cứu vớt phim trước nguy cơ thua lỗ nặng nề. Lý giải cho thất bại này, nhiều chuyên gia nhận định do Black Adam không được cấp phép ở thị trường Trung Quốc. Chưa kể, thời điểm ra mắt phim cũng bị đánh giá là sai lầm. “Bom xịt” nhà DC công chiếu chỉ chưa đầy một tháng trước Black Panther 2 – bom tấn quan trọng nhất khép lại giai đoạn đầy tranh cãi của hãng phim tỷ đô Marvel.
Đáng nói, Black Adam dẫu sao vẫn kiếm được nhiều tiền hơn Shazam! (366 triệu USD). Nhưng trong khi Shazam! được sản xuất phần tiếp theo, Black Adam lại không có được may mắn đó. “Có vẻ như những phim kinh phí lớn được kỳ vọng làm được nhiều điều hơn là chỉ thu về lợi nhuận. Các hãng phim mong chờ dự án nhượng quyền của họ sẽ có thành tích đáng kể để xứng đáng được sản xuất phần tiếp theo”, cây bút Sean Migalla nhận định.
Chuyển dịch cơ cấu điện ảnh
Không riêng Black Adam, rất nhiều phim kinh phí cao được kỳ vọng nhưng lại thất bại ê chề, nhận về cái mác “bom xịt”. Tiêu biểu, các phim thương hiệu X-Men của 20th Century Fox chưa bao giờ khiến nhà đầu tư thất vọng xuyên suốt hai thập kỷ. Cho tới khi Dark Phoenix ra mắt năm 2019. Hồi kết của vũ trụ điện ảnh dị nhân bị cả khán giả và giới phê bình chỉ trích, thu về vỏn vẹn 252,4 triệu USD từ phòng vé toàn cầu.
Đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19, nền điện ảnh thế giới hứng chịu cuộc “khủng hoảng” nghiêm trọng. Chẳng những số lượng, ngay cả chất lượng các dự án phim cũng giảm sút đáng kể. Trong khi đó, những tác phẩm ấn tượng hiếm hoi trong mắt giới chuyên gia lại không gây được sự chú ý của khán giả. Kể từ 2020 tới nay, chỉ có hai phim duy nhất cán mốc tỷ đô (Top Gun: Maverick và Spider-man: No Way Home). Các bom tấn từ thương hiệu đình đám Marvel hay DC như The Batman, Dr. Strange 2 và Thor 4 cũng chưa để lại tiếng tăm lớn.
Với việc những dự án kinh phí cao liên tục thất bại ở phòng vé, nhiều hãng phim manh nha trở lại xu hướng sản xuất phim kinh phí thấp hơn. Demon Slayer the Movie: Mugen Train hay A Quiet Place: Part II được sản xuất với hầu bao tương đối nhỏ, khiến doanh thu phòng không cần quá cao vẫn thu được lợi nhuận lớn.
Một ví tiêu biểu khác cho chiến lược này phải kể tới Get Out của Jordan Peele. Tác phẩm đã kiếm được hơn 250 triệu USD so với ngân sách 4,5 triệu USD khiêm tốn. So sánh với “bom xịt” Black Adam, tiêu tốn gần 200 triệu USD để thực hiện mà không thể tạo ra lợi nhuận, đây rõ ràng là chiến lược phù hợp trong thời kỳ này.
Get Out thu lãi hàng trăm triệu USD dù chỉ là dự án nhỏ. |
Trái lại, một số chuyên gia cho rằng các hãng phim có thể mạo hiểm tính đến việc tăng gấp đôi số lượng phim nhượng quyền để xác suất thành công nhiều hơn. Nghe có vẻ “điên rồ”, nhưng đây thực chất là một ý kiến có cơ sở. Bởi 9 trong số 10 phim có doanh thu cao nhất năm 2022 là hậu truyện hoặc một phần của loạt phim lớn.
Mặc dù tiêu tốn rất nhiều chi phí sản xuất, nhưng phương án này không phải không khả thi. Ngành công nghiệp điện ảnh đã bắt đầu lộ rõ xu hướng chuyển dịch. Một trong số đó là việc thị hiếu những năm gần đây dần hướng tới những vũ trụ điện ảnh có tiếng tăm lớn.
Dẫu vậy, “high risk - high return” (lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn). Nếu thất bại, khoản lỗ mà nhà sản xuất phải gánh chịu có thể đẩy họ tới bờ vực phá sản.
Chiến lược nào cho “Avatar 2”?
Sau thành tích “khủng” của Avatar (2009), James Cameron nhanh chóng công bố kế hoạch phát hành thương hiệu 5 phần phim. 13 năm sau khi bản gốc được công chiếu, The Way of Water cuối cùng đã ra mắt khán giả.
Theo công bố của nhà sản xuất, dự án này được đầu tư với kinh phí khổng lồ 350-460 triệu USD. Điều đó biến Avatar 2 trở thành một trong những siêu bom tấn đắt đỏ nhất mọi thời đại. Chính đạo diễn cũng thừa nhận rằng, bản thân ông đang “đặt cược” với ván bài đầy rủi ro này: “Nếu phần một không kiếm được bộn tiền, có lẽ chẳng ai dám rót vốn cho tôi làm tiếp”.
Chưa dừng ở đó, James Cameron gây sốc khi tuyên bố The Way of Water cần thu về tối thiểu 2 tỷ USD để hòa vốn. Nhiều khán giả và người hâm mộ tỏ ra nghi ngờ trước thông tin này. Tuy nhiên, con số 2 tỷ USD hoàn toàn có cơ sở vì phần 2 và 3 đều được quay cùng thời điểm, khiến dự án bị đội vốn. Chỉ có điều, nước đi này có tính mạo hiểm rất lớn. Bởi “kỳ vọng” một lần nữa lại là áp lực đè nặng lên vai Avatar 2. Bom tấn này phải lọt top 5 phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại mới bắt đầu sinh lãi.
Avatar 2 mang kỳ vọng đem thời hưng thịnh của Hollywood trở lại. Ảnh: 20th Century Studios. |
Với tình hình khả quan tại phòng vé hiện tại, James Cameron cùng hãng phim giảm bớt được một phần áp lực. Tuy nhiên, nhìn nhận lại từ bài học của Black Adam, nhà sản xuất gần đây tuyên bố Avatar 2 muốn hướng tới một cuộc đua phòng vé dài hơi. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh thu mở màn không quá quan trọng.
Điều mà bom tấn này hướng tới là khả năng trụ rạp. Ngoài ra, thành công của phim phụ thuộc nhiều vào WOMM (Marketing truyền miệng), dựa trên danh tiếng vốn có của chính thương hiệu Avatar và cái tên James Cameron.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.