VX ngăn chặn cơ thể tiết ra một loại enzyme có khả năng kiểm soát sự co bóp của các cơ. Điều này khiến nạn nhân bị co giật, suy hô hấp và tử vong trong khoảng thời gian ngắn. Chính atropine ngăn chặn và điều hòa quá trình này.
Atropine được điều chế trong phòng thí nghiệm vào năm 1901. Trước đó, nó từng được người Ai Cập và Hy Lạp cổ đại sử dụng. Loại khí này là "chiếc chìa khóa" kiềm chế chất độc thần kinh VX, không cho chất độc kích thích các cơ co giật, giảm triệu chứng ngộ độc, tránh suy hô hấp dẫn tới tử vong.
Nó là phương thuốc phổ biến nhất đối với nạn nhân của các cuộc tấn công hóa học trong lịch sử. Nhiều lính Mỹ luôn được trang bị atropine khi ra chiến trường, trong trường hợp bị ngộ độc, họ có thể tiêm trực tiếp thuốc này vào cơ để có hiệu quả nhanh nhất.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là thời điểm. Các nhà khoa học khẳng định nạn nhân cần được chữa trị bằng atropine sớm nhất có thể, vì chất độc thần kinh VX có khả năng giết người vô cùng nhanh chóng. Họ cần được tiêm atropine theo những chu kỳ được tính bằng phút.
Một trong hai nữ nghi phạm có dấu hiệu nhiễm độc VX và nôn mửa. Ảnh: The Star. |
Không có bất cứ chỉ định nào về liều lượng atropine, bởi điều này phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng ngộ độc. Nếu quá liều, atropine có thể phản tác dụng. Khi đó, nạn nhân sẽ cảm thấy nóng bức, mất kiểm soát thị lực và tâm lý. Vì vậy, loại thuốc này cần được sử dụng một cách dè chừng với sự kiểm soát kỹ lưỡng.
Thực tế, atropine có giá khá rẻ và được dùng rộng rãi trong y học, từ việc kích thích tim đập nhanh cho tới các cuộc phẫu thuật nhãn khoa.
Ngày 26/2, Bộ trưởng Y tế Malaysia cho biết sau khi người đàn ông nghi là Kim Jong Nam trúng độc, "các bộ phận nhanh chóng rơi vào trạng thái co rút. Liều lượng độc quá cao khiến phổi và tim nạn nhân bị ảnh hưởng ngay lập tức". Đây cũng là lần đầu tiên cơ quan y tế nước này chứng kiến một trường hợp nhiễm độc VX.
Cơ quan chức năng đang tiến hành thử nghiệm để xem xét nữ nghi phạm Indonesia Siti Aishah có bị ảnh hưởng do chất VX hay không. Trước đó, cảnh sát cho biết cô này đã nôn mửa và bị ốm trong nhà giam, bị nghi là do đã tiếp xúc với chất độc. Họ cũng không loại trừ khả năng hai nữ nghi phạm đã được dùng thuốc giải độc.
Các chuyên gia cho biết chất độc đã giết ông Kim có thể được sản xuất từ một phòng thí nghiệm tân tiến dù hiệp ước quốc tế cấm sản xuất chất này. Trước đó, 2h sáng 26/2, cảnh sát Malaysia đã hoàn thành việc tìm kiếm chất độc và tẩy rửa khu vực ga đi ở sân bay Kuala Lumpur 2.