Clarkisha Kent, cây bút chuyên mục của trang Intomore, vừa đưa ra những lý do để cô không thể "nhẹ nhàng" với Asia Argento. Kent đưa ra nhiều điểm bất cập trong thực tế hoạt động của phong trào #MeToo khiến nó đi ngược lại sứ mệnh cao cả là bảo vệ những người yếu thế.
1. Phụ nữ da trắng lấn át phong trào
Một trong những bất cập đầu tiên được chỉ ra là những gương mặt như Argento và McGowan thực sự đang lấn át và được coi như đầu tàu của #MeToo chỉ vì họ thường xuyên lên tiếng nhất và lên tiếng một cách ồn ào nhất.
Cả hai đều chọn những diễn đàn quan trọng như lễ trao giải lớn ở Hollywood hay sân khấu Liên hoan phim Cannes để đưa ra những bài phát biểu có sức lan tỏa. Trước khi bị tố, Argento cũng được coi là một trong những nhân vật trung tâm của phong trào #MeToo, cùng với McGowan, với mức độ đóng góp chưa thể kiểm chứng được.
Asia Argento và Rose McGowan, 2 nhân vật mạnh miệng nhất của phong trào #MeToo. Ảnh: Shutterstock. |
Phải nói thêm rằng, đóng góp của một cá nhân cho phong trào #MeToo không chỉ được đo đếm bằng những phát biểu đanh thép, gây sốc hay những gì họ làm để bảo vệ bản thân họ. Mà quan trọng hơn, là những gì họ làm để bảo vệ các nạn nhân khác, truyền cảm hứng cho những người khác tự bảo vệ mình. Và đôi khi đó là những công việc thầm lặng nhưng lâu bền và hiệu quả.
Điều trớ trêu nhất trong sự việc của Argento là khi cô bị tố tấn công tình dục nam diễn viên Jimmy Bennett khi anh này 17 tuổi, người phải hứng chịu chỉ trích lây là Tarana Burke, người sáng lập kiêm thủ lĩnh phong trào #MeToo và là một phụ nữ da đen.
Asia Argento tại Liên hoan phim Cannes, nơi cô có bài phát biểu tố cáo nhà sản xuất Harvey Weinstein. Ảnh: Getty Images. |
Burke đã bị tấn công trên mạng bởi những cư dân mạng cực đoan, phần đông là phụ nữ da trắng, khi cô tuyên bố "Phong trào #MeToo là dành cho tất cả mọi người, kể cả những người đàn ông trẻ gan dạ dám lên tiếng".
Chính vì Argento được coi là một trong những biểu tượng của phong trào nên thủ lĩnh thực thụ và thầm lặng hơn như Burke phải gánh chịu sự phẫn nộ của dư luận khi cáo buộc hiếp dâm, nói đúng ra, là vấn đề cá nhân của Argento.
2. "Me Too" hay "Only Me Too"?
Chỉ đến khi có cáo buộc qua lại giữa Argento và Bennett, xuất phát từ một bài báo trên New York Times, nhiều người mới nhớ lại 2 thực tế thường bị bỏ qua. Thứ nhất, đàn ông cũng có thể bị hiếp dâm. Thứ hai, nạn nhân hiếp dâm ở trường hợp này cũng có thể trở thành thủ phạm ở trường hợp khác.
"Thứ nhất, đàn ông cũng có thể bị hiếp dâm. Thứ hai, nạn nhân hiếp dâm cũng có thể trở thành thủ phạm".
Những phát ngôn gây chú ý nhưng có phần cực đoan của Argento và McGowan lâu nay gây cảm giác rằng họ, và chỉ có họ, mới được quyền là nạn nhân và lên án những kẻ khác.
Hiện tại, Argento vừa tố ngược Bennett tội tấn công tình dục cô nên mọi chuyện phải đợi tòa phán xử. Nhưng qua toàn bộ sự việc, có thể khẳng định không ai là nạn nhân duy nhất hay nạn nhân mãi mãi.
3. Hiếp dâm không chỉ là hành vi nhất thời
Theo Kent, câu chuyện giữa Argento và Bennett không hề đơn giản là một vụ tấn công tình dục đơn lẻ, dựa trên thực tế rằng mối quan hệ của họ đã bắt đầu cách đây 14 năm và mang dáng dấp quan hệ mẹ con.
Đó là khi Bennett là cậu bé 7 tuổi còn Argento là một phụ nữ 27 tuổi quyến rũ. Họ đóng vai mẹ con trong một bộ phim và thường gọi nhau là mẹ con ngoài đời trong nhiều năm. Đến tận khi chuyện đã xảy ra tại khách sạn nơi cả hai hẹn gặp nhau, nam diễn viên vẫn được cho là tiếp tục nhắn tin và gọi Argento là "mẹ".
Asia Argento và Jimmy Bennett có mối quan hệ như "mẹ con" trong thời gian dài. Ảnh: Variety . |
Đó là những biểu hiện không lành mạnh. Theo phân tích của Kent, có nhiều dấu hiệu cho thấy đây có thể một mối quan hệ "grooming" - kết thân với trẻ em trong thời gian dài với mục đích tình dục. Họ trở thành hình mẫu mẹ hoặc bố - những hình mẫu được tin tưởng - đối với người trẻ hơn.
"Grooming" hay không thì vẫn chưa thể khẳng định do tính chất phức tạp của vụ tố, nhưng đúng là mối liên hệ giữa Argento và Bennett đã được xây dựng lâu dài chứ không nhất thời.
4. Giá trị kép trong việc đổ lỗi cho nạn nhân
Một trong những hành vi mà phong trào #MeToo lên án là "đổ lỗi cho nạn nhân" (victim blaming). Đó là những câu nói dạng như "không có lửa thì sao có khói" hay cho rằng nạn nhân dựng chuyện vì mục đích riêng.
Trong trường hợp của Bennett, nữ diễn viên Rosanna Arquette đã bình luận trên Twitter rằng vụ việc này là "một pha sắp đặt". Trong khi đó, nếu nói như vậy về một nạn nhân nữ giới, Arquette hẳn bị dư luận chỉ trích vì đổ lỗi cho nạn nhân.
Sự việc chưa ngã ngũ nhưng Bennett đã là đối tượng của hành vi "đổ lỗi cho nạn nhân". Ảnh: E! News. |
Những người phản đối Bennett cũng dựa vào thực tế anh là một diễn viên không tên tuổi, đang túng thiếu để đưa ra suy đoán rằng anh bịa chuyện để moi tiền của Argento.
Khi đi tìm công bằng cho các nạn nhân, người ta vô tình đối xử thiếu công bằng với những dạng nạn nhân khác nhau. Nạn nhân nam thường chịu bất công không kém nạn nhân nữ và còn có những bất công riêng do các quan niệm lối mòn về giới tính.
5. Phong trào #MeToo có cần biểu tượng?
Những nhân vật như Argento và McGowan được coi là biểu tượng của #MeToo nhưng đó không phải là danh hiệu chính thức, mà được ngầm công nhận dựa trên những phát ngôn mạnh miệng của họ. Nhưng khi một người được coi là biểu tượng của #MeToo, họ dường như luôn là nạn nhân đáng thương và không bao giờ sai?
Vấn đề là, không có ai không bao giờ sai.
Clarkisha Kent chỉ ra rằng, điều bất ổn ở những người như Argento là tính cá nhân quá lớn. "Họ không đấu tranh cho những nạn nhân khác. Họ chỉ đấu tranh cho bản thân họ, và họ không quan tâm phải hủy hoại thanh danh của bao nhiêu người để đạt được mục đích đó", cô viết, "ngay cả khi người đó cũng là một nạn nhân nhưng không cùng giới tính".
Ở trường hợp Argento, cô không chỉ tố ngược Bennett hiếp dâm mình, mà còn tố bạn trai cũ, đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain, đã ép cô đi đến thỏa thuận tiền bạc để Bennett giữ im lặng.
Mà Bourdian thì không còn sống để giải thích cho mình.